Thép Việt Nam lại bị điều tra phòng vệ thương mại tại châu Âu

Thép Việt Nam lại bị điều tra chống bán phá giá tại châu Âu
Thép Việt Nam lại bị điều tra chống bán phá giá tại châu Âu
TPO - Ngày 30/3, Bộ Công Thương cho hay, Cộng đồng châu Âu (EC) đã quyết định mở cuộc điều tra phòng vệ thương mại đối với 26 loại sản phẩm thép nhập khẩu vào thị trường các nước thành viên Liên minh châu Âu. Thép nhập khẩu từ Việt Nam cũng thuộc diện bị điều tra.

Ngày 30/3, Bộ Công Thương cho hay, Cộng đồng châu Âu (EC) đã quyết định mở cuộc điều tra phòng vệ thương mại đối với 26 loại sản phẩm thép nhập khẩu vào thị trường các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) sau khi hệ thống giám sát nhập khẩu sắt thép của EC ghi nhận khối lượng thép nhập khẩu vào châu Âu gia tăng đột biến từ tháng 3/2016. Các hoạt động nhập khẩu sắt thép có xuất xứ Việt Nam cũng thuộc diện bị điều tra theo quyết định này.

Theo Bộ Công Thương, kết quả của việc điều tra này có thể dẫn đến quyết định áp thuế mới hoặc ban hành hạn ngạch đối với nước xuất khẩu để bảo vệ các nhà sản xuất thép EU trước nguy cơ cạnh tranh dữ dội của thép nhập khẩu. Theo thông lệ, cuộc điều tra này sẽ được thực hiện trong vòng 9 tháng. Các biện pháp tạm thời có thể được thông qua trong thời gian ngắn nếu cần thiết.

EU hiện vẫn đang áp dụng thuế ưu đãi 0% đối với các sản phẩm sắt thép có xuất xứ Việt Nam trong khi áp thuế chống bán phá giá đối với một số sản phẩm sét thép Trung Quốc với mức 65,1% - 73,7% đối với thép tấm nặng và 13,2% - 22,6% đối với thép cán nóng.

Liên quan đến kiện chống bán phá giá với thép Việt Nam, ngày 28/3, Ủy ban Chống bán phá giá Úc (ADC) đã ban hành phán quyết cuối cùng về vụ kiện Chống bán phá giá thép dây cuộn nhập khẩu từ Hàn Quốc, Indonesia và Việt Nam. Theo đó, ADC tuyên bố Hòa Phát và các doanh nghiệp Việt Nam không bán phá giá thép cuộn sang Úc và quyết định chấm dứt cuộc điều tra. Như vậy, thép Hòa Phát khi xuất sang Úc sẽ không phải chịu thuế chống bán phá giá.

ADC cho hay, trong vụ việc này, Tập đoàn Hòa Phát đã chủ động phối hợp với phía ADC trong việc trả lời và cung cấp đầy đủ mọi thông tin, tài liệu theo yêu cầu của phái đoàn đại diện ADC thẩm tra trực tiếp trong tháng 8/2017. Đồng thời, Hòa Phát cũng tích cực đưa ra những bản đệ trình phản biện các lập luận của nguyên đơn (One Steel) và cung cấp bổ sung đầy đủ hồ sơ chứng minh theo yêu cầu của ADC.

Cơ quan điều tra Úc cũng kết luận, không có sự hỗ trợ của Chính phủ liên quan đến giá điện, các nguyên liệu đầu vào để sản xuất thép của các doanh nghiệp sản xuất thép dây cuộn của Việt Nam trong đó có Hòa Phát và không tồn tại tình trạng thị trường đặc biệt đối với ngành thép dây cuộn tại Việt Nam.

Vụ việc xuất phát từ yêu cầu điều tra của OneSteel, một nhà sản xuất thép của Úc đối với thép dây cuộn nhập khẩu từ các doanh nghiệp Việt Nam, Indonesia và Hàn Quốc. Sau khi điều tra, ADC đã ra phán quyết cuối cùng về vụ việc này vào ngày 26/03/2018.

Bên cạnh kết luận đối với Việt Nam, ADC xác định biên độ bán phá giá của các nhà xuất khẩu thép cuộn từ Hàn Quốc vào Úc là 20,9%, Indonesia vào Úc là 16%. Năm 2017, Hòa Phát đã xuất khẩu sang Úc 36.000 tấn các loại thép cuộn rút dây, thép thanh. Còn năm 2018, tính đến thời điểm này, Hòa Phát đã xuất khẩu 4.200 tấn thép cuộn và thép thanh sang thị trường Úc.

MỚI - NÓNG