Thí điểm mô hình sản xuất than sinh học tại Câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau

Than sinh học được ví như vàng đen trong nông nghiệp, có nhiều tác dụng hữu ích trong việc chống xói mòn và cải tạo đất trồng, nâng cao năng suất cây trồng. Việc sản xuất than sinh học để sử dụng trong các hoạt động nông nghiệp là đặc biệt hữu ích đối với người cao tuổi vì không mất chi phí đầu tư, dễ làm mà lại mang tới hiệu quả thiết thực.

Nhận thức được điều này, trong khuôn khổ dự án VIE070 “Hỗ trợ người cao tuổi thiệt thòi thông qua nhân rộng mô hình Câu lạc bộ Liên thế hệ Tự giúp nhau tại Việt Nam”, với sự hỗ trợ kỹ thuật của tổ chức HelpAge International tại Việt Nam (HAI), một số Câu lạc bộ Liên thế hệ Tự giúp nhau (CLB LTH TGN) trên địa bàn Hà Nội đã thực hiện thí điểm mô hình sản xuất than sinh học. Trong khuôn khổ của hoạt động này, cán bộ của HAI đã tới các CLB LTH TGN để tổ chức các buổi tập huấn về các phương pháp làm than sinh học, cũng như cùng các CLB thí điểm thực hành một vài phương pháp đơn giản và hữu ích.

Thí điểm mô hình sản xuất than sinh học tại Câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau ảnh 1

Cán bộ của HAI giới thiệu các phương pháp làm than sinh học cho các thành viên CLB LTH TGN phố Thuỵ Ứng, thị trấn Phùng

Các phương pháp làm than sinh học do HAI giới thiệu tới các CLB LTH TGN đều không yêu cầu phải đầu tư thiết bị đắt tiền hay có kỹ thuật phức tạp. Than sinh học có thể được sản xuất từ các loại sinh khối đơn giản và có sẵn như củi gỗ, tre nứa, vỏ trấu, cùi ngô, bèo khô, rác thải hữu cơ… sử dụng các công cụ đơn giản như thùng phuy, hoặc sử dụng hố đất.

Than sinh học khi được sử dụng để cải tạo đất trồng có thể được lưu giữ trong đất hàng trăm năm, mang lại hiệu quả lâu dài hơn nhiều so với các loại phân bón hữu cơ khác. Đất sau khi được cải tạo bằng than sinh học sẽ có độ màu mỡ cao hơn, giữ nước tốt hơn, có khả năng kích thích cây trồng tăng trưởng tự nhiên mà không cần tưới bón nhiều phân hóa học. Than sinh học cũng có thể được thêm vào thức ăn chăn nuôi, giúp cho vật nuôi tăng trưởng nhanh hơn, giúp loại bỏ độc tố và đồng thời cũng có tác dụng giảm phát thải các khí gây hiệu ứng nhà kính.

Ngoài các công dụng trong nông nghiệp, than sinh học cũng có nhiều ứng dụng thực tế trong đời sống như dùng để lọc nước sinh hoạt, khử mùi hôi thối, sử dụng làm chất đốt ít gây ô nhiễm, hoặc dùng làm nguyên liệu trong một số ngành công nghiệp sản xuất. Than sinh học có đặc tính khử độc rất tốt, ví dụ chỉ cần ngâm rau củ quả trong nước với một ít than sinh học trong vòng từ 10 tới 30 phút là đã có thể khử được toàn bộ lượng thuốc trừ sâu dư thừa. Một ví dụ khác là những trường hợp bị đau bụng do ngộ độc thức ăn có thể nuốt một viên than sinh học để giúp khử độc một cách an toàn.

Thí điểm mô hình sản xuất than sinh học tại Câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau ảnh 2

Thành viên CLB LTH TGN thôn Xuân Lai, Sóc Sơn thực hành làm than sinh học với thùng phuy sắt 200L

Hiện nay, theo tính toán của các nhà khoa học, trung bình một năm mỗi người phát thải ra 5 tấn khí cacbon điôxít, với tổng phát thải của cả thế giới là 40 tỷ tấn mỗi năm. Đây là một trong những nguyên nhân chính đẩy nhanh quá trình nóng lên toàn cầu, gây ra những biến đổi tiêu cực về khí hậu. Việc sản xuất than sinh học cũng được cho là phương pháp thu giữ cacbon trong không khí tiết kiệm và hiệu quả nhất hiện nay, có tác dụng mạnh hơn tới hàng trăm lần so với các hành động cắt giảm lượng khí thải của mỗi người như hạn chế sử dụng phương tiện giao thông cá nhân hay tích cực tham gia tái chế, tái sử dụng.

Ước tính việc khử carbon trong công nghiệp (industrial decarbonization) có thể tiêu tốn tới 400 USD cho mỗi tấn, trong khi đó chi phí khử carbon bằng cách sản xuất than sinh học chỉ tốn 20 USD/tấn. Với nhiều công dụng hữu ích như vậy, có thể thấy rằng sản xuất than sinh học là một hoạt động phù hợp để bổ trợ cho các mô hình tăng thu nhập cho người cao tuổi mà các thành viên đã được hướng dẫn và thực hiện thông qua hoạt động của CLB LTH TGN.

Chia sẻ với cán bộ của HAI, bà Nguyễn Thị Tiện, chủ nhiệm CLB thôn Xuân Lai cho biết: “Làm than sinh học rất dễ và nhanh, không tốn nhiều kinh phí. Than sinh học giúp ích rất nhiều trong việc cải thiện đất bạc màu và cũng có lợi cho môi trường sống. Tôi mong rằng tổ chức HAI, Hội Người cao tuổi và chính quyền các cấp nhân rộng mô hình này trên toàn quốc để người cao tuổi chúng tôi được hưởng lợi.”

Thí điểm mô hình sản xuất than sinh học tại Câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau ảnh 3

Bà Nguyễn Thị Tiện (phải), chủ nhiệm CLB LTH TGN thôn Xuân Lai, vui mừng khi thu hoạch được mẻ than sinh học chất lượng cao

Qua quá trình thí điểm, có thể thấy rằng mô hình sản xuất than sinh học là một hoạt động rất phù hợp để áp dụng tại các CLB LTH TGN nói riêng, và tại cộng đồng nói chung, đặc biệt là đối với các cộng đồng dân cư ở nông thôn. Việc phổ biến mô hình sản xuất than sinh học sẽ giúp “biến rác thành vàng”, chuyển hoá những thứ vốn bị coi là rác thải thành thứ có nhiều công dụng thiết thực, đồng thời cũng sẽ làm giảm các hoạt động đốt rác tự phát gây ô nhiễm môi trường, góp phần vào cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Nếu mô hình sản xuất than sinh học này được nhân rộng ra hơn 3.500 CLB LTH TGN đã được thành lập và ra các CLB sẽ được thành lập trong các năm tới theo Đề án nhân rộng CLB đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 1336-QĐ-TTg, ngày 31/8/2020, thì chắc chắn các CLB sẽ đóng góp đáng kể vào nỗ lực giải quyết các khủng khoảng khí hậu hiện nay.

MỚI - NÓNG