Thị trường bán lẻ đứng thứ 3 thế giới - Đáng lo thay!

Thị trường bán lẻ đứng thứ 3 thế giới - Đáng lo thay!
Việt Nam được đánh giá đứng thứ 3 về thị trường bán lẻ. Nghĩa là dân ta bắt đầu thay đổi cách sống. Nhu cầu tăng lên, mua sắm cũng tăng. Vui, nhưng nghĩ kỹ thì thấy lo rất nhiều...

Ông Nguyễn Văn Nam, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thương mại, Bộ Thương mại nói về hiện tượng này. 

Thị trường bán lẻ đứng thứ 3 thế giới - Đáng lo thay! ảnh 1
Tốc độ tăng hàng hoá bán lẻ ở Việt Nam từ năm ngoái đến năm nay là hơn 10%, trước đây chỉ vài %. Tức là từ chỗ người dân chẳng tiêu dùng gì cả bây giờ đã bắt đầu có thói quen đi mua sắm.

Tại sao được xếp cao? Thưa ông, có thể khẳng định điều gì không khi Việt Nam đứng thứ 3 thế giới, trên cả Trung Quốc về tiềm năng thị trường bán lẻ?

Nghĩa là dân ta bắt đầu thay đổi cách sống. Người Việt Nam mình trước đây sản xuất nông nghiệp nên tâm lý tự túc rất cao. Khi thu nhập và trình độ phát triển đến một mức nào đó thì lối sống tự túc sẽ chuyển sang lối sống tiêu dùng, sử dụng dịch vụ.

Nhu cầu tăng lên, mua sắm cũng tăng. Vui, nhưng nghĩ kỹ thì thấy lo rất nhiều.

Trước khi nói chuyện âu lo, theo ông tại sao người ta lại đánh giá Việt Nam cao vậy?

Tốc độ tăng hàng hoá bán lẻ ở Việt Nam từ năm ngoái đến năm nay là hơn 10%, trước đây chỉ vài phần trăm. Tức là từ chỗ người dân chẳng tiêu dùng gì cả bây giờ đã bắt đầu có thói quen đi mua sắm.

Mức độ tiềm năng có thể người ta còn đánh giá từ tốc độ tăng trưởng GDP, tăng trưởng xuất khẩu, xoá đói giảm nghèo, mức độ tăng thu nhập quốc dân...

Thứ nữa là mức độ mở cửa ngành bán lẻ của Việt Nam, từ chỗ đóng, nay mở nên cao, chứ không phải điều gì ghê gớm.

Mừng một lo mười. Khi truyền hình phấn khởi đưa tin trên, một người nước ngoài đã lắc đầu: Làm ít tiêu nhiều còn khoe. Ông có suy nghĩ gì?

Nói làm ít tiêu nhiều không hẳn đúng. Đa số người dân Việt Nam, đặc biệt là ở nông thôn vẫn rất dè sẻn. Công nhân càng thế. Tiêu nhiều chỉ có một bộ phận người thành thị.

Trong đó, không thể không kể đến những người giàu lên quá dễ. Họ đã tạo ra tiêu dùng lãng phí. Ở đây, phải cân nhắc việc đưa tin. Nước ngoài họ chỉ khen điểm cụ thể, còn những ẩn số đằng sau ta lại ít nhắc đến.

Tiêu dùng ở Việt Nam tăng nhanh là do một số người đã giàu lên quá nhanh?

Chưa có một điều tra cụ thể nhưng chắc là cũng có liên quan. Xã hội ta thời gian qua do tăng trưởng, do tăng chi tiêu, quản lý đất đai lỏng lẻo, tạo cơ hội cho một số không ít kẻ tham ô, làm ăn thiếu đứng đắn.

Những kẻ kiếm tiền dễ thế đều chi tiêu ngông cuồng cả. Nguyễn Lâm Thái không "quá" như Bùi Tiến Dũng nhưng cũng có "hơi hướng" sống khác thường chứ không thể không.

Theo hướng lo khác, năng lực tiêu dùng của Việt Nam đã sánh tầm thế giới. Nước ngoài có cái gì xịn thì Việt Nam ta cũng có. Nhưng buồn là năng lực sản xuất của ta thì vẫn ở dưới tầm khu vực?

Hội nhập kinh tế không chỉ hội nhập về sản xuất mà hội nhập cả về tiêu dùng. Bây giờ một sản phẩm tốt rất dễ phổ biến ở phạm vi toàn cầu. Nhưng tiêu nhiều thì rõ ràng sẽ ít tiền để đem đi tái đầu tư, phát triển sản xuất.

Tiêu dùng trình độ cao nhưng trình độ sản xuất vẫn ở mức thấp sẽ đặt ra bài toán rất hóc búa: Làm gì để sản xuất theo kịp tiêu dùng?

Nói cách khác là làm sao để không "làm ít ăn nhiều". Nhưng tiêu dùng gắn với sản xuất chỉ đứng trên bình diện quốc gia. Chứ đi vào cụ thể thì tiêu dùng chỉ gắn với thu nhập.

Ở xã hội ta không loại trừ một nhóm người làm lợi cho xã hội rất ít, thậm chí nhũng nhiễu, tham ô gây hại nhưng thu nhập lại cao.

Chính vì sự không gắn kết đó khiến tiêu pha luôn tăng. Rộng hơn, điều này khiến nhập siêu của đất nước không thể giảm?

Nếu nhìn kỹ sự nhập siêu thì thấy chủ yếu chỉ doanh nghiệp Nhà nước nhập siêu chứ doanh nghiệp tư nhân không nhập siêu. Nghĩa là cơ chế quản lý chi tiêu ngân sách của ta có vấn đề.

Các Công ty Nhà nước có cơ chế để lấy được tiền Nhà nước hoặc vay tín dụng khá dễ. Trên danh nghĩa họ khai nhập tư liệu sản xuất nhưng không ít biến tướng thành nhập hàng tiêu dùng. 

Nên để phục vụ một bộ phận người giàu thì đất nước ít nhiều phải chịu thêm mức độ nhập siêu, có thể nó không hề nhỏ.

Chi tiêu văn phòng ở ta khá lớn. Mà một món đồ giá 10.000đ, người ta sẵn sàng kê lên 20.000đ. Thị trường bán lẻ phát triển trong sự méo mó đó sẽ rất nguy?

Ở ta, một cô văn thư đi mua văn phòng phẩm đã có thể khai man ăn chênh lệch, chưa kể đến các dự án của PMU18, các hội thảo, khánh thành, tiệc tùng v.v... Đấy là do quản lý bất cập. Quy định rất khắt khe nhưng không giám sát được.

Mà cô văn thư còn làm được thì ai cũng muốn có phần. Dù nhỏ nhưng hàng triệu người làm thì tựu lại rất lớn. Nhà tư bản mà nhắm vào cái này thì rất nguy.

Thực tế có nhiều công ty nước ngoài đã sẵn sàng nâng giá thiết bị lên để tăng hoa hồng cho quan chức. Trong nước thì Nguyễn Lâm Thái là ví dụ mà tôi tin nó cũng chưa là gì so với mua các thiết bị lớn khác.

Theo Cầm Văn Kình
Sài Gòn Tiếp thị

MỚI - NÓNG