Thị trường bán lẻ: Lo nhà đầu tư nước ngoài lách luật

Thị trường bán lẻ: Lo nhà đầu tư nước ngoài lách luật
TP - Kể từ 1/1/2009, thị trường bán lẻ Việt Nam sẽ mở cửa, song cho đến nay các nhà quản lý vẫn chưa xác định cụ thể những tiêu chí, khái niệm liên quan đến bán lẻ, doanh nghiệp (DN) cũng theo đó mà… lúng túng.
Thị trường bán lẻ: Lo nhà đầu tư nước ngoài lách luật ảnh 1

Thời điểm mở cửa thị trường bán lẻ chỉ còn tính bằng ngày nhưng quy định pháp lý về mở điểm bán lẻ vẫn chưa rõ ràng. Ảnh: Đại Dương

Theo ông Trần Quốc Khánh - Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương), việc cho phép nhà bán lẻ nước ngoài mở điểm bán lẻ thứ hai tại Việt Nam theo cam kết WTO sẽ được xem xét từng trường hợp cụ thể (kiểm tra nhu cầu kinh tế - ENT) dựa trên 3 tiêu chí khách quan: Số lượng các nhà bán lẻ trên một địa bàn cụ thể; sự ổn định của thị trường và quy mô địa lý của khu vực dân cư.

Ngoài ra, còn có thêm hai quy định khác đã được Chính phủ ban hành là dựa trên quy hoạch của các tỉnh, thành phố và mật độ dân cư.

Tuy nhiên, cũng theo ông Khánh, cho đến bây giờ vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể về nhu cầu kinh tế và cụ thể hóa các tiêu chí kể trên, cũng như chưa xác định được thế nào là điểm bán lẻ.

Vì chưa có sự xác định rõ ràng, cụ thể về tiêu chí lẫn khái niệm nên không chỉ các DN gặp khó trong các quyết định làm ăn mà cả bản thân nhiều cơ quan, chính quyền các địa phương cũng rất khó trong việc quản lý, hoạch định kế hoạch.

Ông Nguyễn Ngọc Hòa - Chủ tịch HĐQT Saigon Co.op cho rằng nhà bán lẻ nước ngoài có thể lách luật để phát triển hệ thống bán lẻ vượt quy định bằng việc lập nhiều công ty mang một thương hiệu.

Đó là trường hợp nhà bán lẻ P. thành lập 3 trung tâm phân phối tại TP.Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Phòng với cùng một thương hiệu. Thay vì đứng chung một pháp nhân, nhà phân phối P. lại làm thành 3 pháp nhân, có 3 mã số thuế khác nhau.

Trớ trêu là 3 pháp nhân này lại do một người đứng tên. Vô hình trung, quyền ENT của Việt Nam bị vô hiệu hóa và nếu tình trạng này không sớm được khắc phục thì nguy cơ mất kiểm soát việc mở điểm bán lẻ thứ 2, thứ 3… của các nhà phân phối nước ngoài là khó tránh khỏi.

Theo các chuyên gia, xu hướng và cũng là thực tế đang diễn ra là ngày càng có nhiều nhà phân phối nước ngoài đầu tư vào thị trường bán lẻ Việt Nam thông qua hình thức mua một phần hoặc toàn bộ DN bán lẻ trong nước.

Theo ông Trần Anh Tuấn- Quản lý đối tác của Cty The Pathefinder, hoạt động mua bán DN gia tăng nhanh chóng trong thời gian qua. Mới đây Sojitz, một nhà phân phối Nhật Bản đã mua 25% giá trị của Cty Hương Thủy - nhà phân phối, bán lẻ tại TP Hồ Chí Minh. Lotte Confectionary cũng mua 30% (tương đương 19 triệu USD) của Cty CP bánh kẹo Biên Hòa (Bibica)…

Sự mua bán này khiến nhiều người không khỏi phân vân về những khoảng trống pháp lý. Vì rằng, hiện chưa có quy định rõ các tập đoàn phân phối nước ngoài khi mua lại DN trong nước có được xem như là trường hợp đầu tư mới vào Việt Nam, tức có được mua nhiều hơn một DN với ý nghĩa là cơ sở bán lẻ thứ hai trở lên hay không? Và DN có vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài có chịu sự hạn chế (ENT và mặt hàng kinh doanh) như cam kết WTO? Việc “có” hay “không” này sẽ liên quan rất nhiều đến những quyết định đầu tư cũng như kế hoạch làm ăn của các nhà bán lẻ trong nước.

Ông Trần Quốc Khánh còn kể có lãnh đạo một tỉnh tha thiết nhờ ông giới thiệu cho nhà bán lẻ nước ngoài nào đó để mời họ đến đầu tư mở siêu thị tại tỉnh mình. Theo ông Khánh, yêu cầu này xuất phát từ mong muốn giải quyết công ăn việc làm cho người dân địa phương, song cũng đặt ra những vấn đề cần phải suy nghĩ, nhất là việc phân cấp cấp phép bán lẻ cho các địa phương.

Nếu phân cấp, các địa phương sẽ cấp phép theo nhu cầu của địa phương mình thì sẽ rất khó quản lý việc mở cơ sở bán lẻ thứ hai của các nhà bán lẻ nước ngoài. “Điều quan trọng là các cơ quan quản lý phải đưa ra bộ tiêu chuẩn về quy định việc mở điểm bán lẻ thứ hai”- Ông Khánh nói. 

MỚI - NÓNG