Thị trường bất động sản: Băng đang tan

Thị trường bất động sản: Băng đang tan
TP - Thị trường đất đấu giá tại các khu dân cư đã hoàn chỉnh hạ tầng, nhà chung cư tại những vị trí đẹp hiện khá sôi động. Văn phòng cho thuê ở Hà Nội và TPHCM có giá rất cao với hiệu suất sử dụng xấp xỉ 100%.

>> Thị trường BĐS TPHCM: Có dấu hiệu khởi sắc

Thị trường bất động sản: Băng đang tan ảnh 1
Các siêu thị địa ốc tại TPHCM bắt đầu sôi động trở lại  Ảnh: Hồng Hạnh

Sôi động nhà chung cư, đất đấu giá, văn phòng cho thuê

Theo thông tin từ một số Trung tâm môi giới nhà đất lớn trên địa bàn Hà Nội, trong 2 tháng trở lại đây, hoạt động mua bán nhà đất bắt đầu chuyển biến. Tâm lý chờ giá đất nhà giảm đã nguội đi, người mua, nhất là những người đang có nhu cầu ở bắt đầu tham gia thị trường tích cực hơn.

Những khu vực được xem là có nhiều giao dịch thành công gồm các quận Ba Đình, Cầu Giấy, Hai Bà Trưng, Long Biên, Hoàng Mai. Tuy lượng nhà đất giao dịch tăng nhưng chủ yếu chỉ là các giao dịch nhỏ với trị giá trên dưới 1 tỷ đồng, nhà có giá trị cao quãng xấp xỉ 2 tỷ đồng trở lên rất khó bán.

“Hiện nay, không ai dám “ôm” nhiều nhà đất bởi lãi suất vay ngân hàng cao trong khi biến động về giá đất ở thời điểm hiện tại hầu như không có” - Ông Trần Anh Dũng, Giám đốc Cty TNHH TM&DV Ba Đình (DN có kinh doanh về BĐS) cho hay.

Theo khảo sát về giá đất mới đây của Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), xét trên bình diện cả nước, giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất 6 tháng đầu năm 2006 không có biến động lớn.

Giá giảm ở nhiều nơi và chỉ tăng cục bộ ở một số điểm có lợi thế kinh doanh hoặc những khu vực có nhiều dự án lớn, những khu đô thị mới, trục đường giao thông mới mở, cụm dân cư đang hình thành và phát triển hoặc vị trí thuận lợi cho phát triển du lịch, thương mại...

Mức giảm phổ biến từ 5-20%. Cụ thể: Bắc Ninh giảm từ 15 - 20%, Phú Yên giảm 5-10%, đất nông thôn ở Hòa Bình giảm 15% - 20%...

Theo thông tin tổng hợp từ 17 địa phương xây dựng nhiều nhà chung cư, giá căn hộ giảm từ 500.000 đồng tới 1 triệu đồng/m2 so với thời điểm 2 năm trước đây.  

Trong khi khu vực các huyện ngoại thành (Sóc Sơn, Đông Anh, Gia Lâm) vẫn chưa “hút” khách, thì đất “sạch” đem đấu giá quyền sử dụng tại các quận nội thành lại khá sôi động trong 3 tháng gần đây.

Tại quận Cầu Giấy, chỉ với 2 phiên đấu giá thành công có lượng người tham gia đấu đông, giá trúng cao vượt trên giá khởi điểm từ 30%-50%. Quận này đã thu trên 73 tỷ đồng.

Nhà chung cư tại các khu Hoàng Mai, Đền Lừ, Cầu Giấy, Dịch Vọng, Nam Trung Yên tỷ lệ giao dịch thành công khá cao với mức giá giảm 5% -10% so với cuối năm ngoái.

Tuy nhiên, cũng giống như TPHCM, tại Hà Nội, do “khát” địa điểm làm trụ sở, văn phòng Cty, giá nhà rao bán tại các khu cao tầng ở các vị trí “đẹp” (như: M3-4 đường Nguyễn Chí Thanh, 193 Lò Đúc...) “vênh” giá sàn ít nhất 20% mà vẫn “đắt như tôm tươi”.

Nhận xét về thị trường BĐS tại các thành phố lớn, ông Nguyễn Tiến Thỏa (Bộ Tài chính), người đã trực tiếp soạn thảo NĐ 188/CP về phương pháp xác định khung giá đất và giá các loại đất (văn bản pháp lý được xem có tác động đến sự trầm lắng của thị trường trong 2 năm qua) đã khẳng định:

“Thị trường đang từ trạng thái sôi động đầy những bất hợp lý, luôn tiềm ẩn những “cơn sốt” về giá chuyển sang trạng thái trầm lặng tích cực, giảm mạnh “thị trường ngầm”.

Giá nhà đất và chung cư đều giảm “ảo” do giới đầu cơ đã giảm nhiều phần chênh lệch giữa giá gốc mua được với giá bán ra trên thị trường. Bên cạnh, không ít người mua nhà, đất với tâm lý “găm” lại chờ cơ hội nay bí vốn đã phải tung ra bán với phần chênh lệch thấp đi rất nhiều”.

Kích cầu bằng giảm giá, quảng cáo...

Theo thống kê của giới tài chính, hiện có xấp xỉ khoảng 30.000 tỷ đồng dư nợ cho vay của khối các ngân hàng thương mại (NHTM) đang nằm tại các dự án BĐS.

Việc các NHTM gần 1 năm nay đã ngừng “rót” tiền vào các khoản vay BĐS, tiền nhàn rỗi của giới đầu tư chủ yếu chảy vào thị trường cổ phiếu hoặc nằm yên trong tài khoản tiết kiệm... khiến khối băng BĐS vốn “lạnh” lại thêm khó “tan”.

Biện pháp kích cầu nào để thị trường “ấm” trở lại? Qua khảo sát, chủ đầu tư tại các khu đô thị mới đều nhất trí: phải kích cầu bằng giảm giá, quảng cáo, tiếp thị...

(Đơn cử: HUD, Tổng Cty Xây dựng và phát triển đô thị đã giảm giá nhà từ 500 – 1 triệu đồng/m2 và giá đất từ 2-3 triệu đồng/m2 tại các khu Văn Quán, Việt Hưng, Pháp Vân).

Theo đại diện các NHTM, cần đa dạng hóa hình thức thuê đất để đầu tư các dự án căn hộ và văn phòng cho thuê, bến cảng, nhà kho chuyên dụng, nhà xưởng; công khai quy hoạch để chống đầu cơ, giảm thiểu cầu “ảo”, xóa bỏ tình trạng cung ứng các sản phẩm dở dang ra thị trường.

Hà Nội đang dự kiến sẽ “kích cầu” thông qua đấu giá khoảng vài chục ha tại các quận Thanh Xuân, Tây Hồ, Cầu Giấy, những địa chỉ vốn có cơ sở hạ tầng tốt, hấp dẫn người dân...

Theo ông Trịnh Anh Tuấn, Trưởng phòng kinh doanh dự án của Cty Tư vấn BĐS CB Richard Ellis, thời gian tới các căn hộ cao cấp tại các khu trung tâm của hai TP lớn là Hà Nội và TPHCM có thể sẽ là những sản phẩm hút khách.

Và đối tượng khách hàng của những căn hộ này có thể là những cá nhân và Cty thứ cấp đón đầu triển vọng và muốn nhảy kinh doanh thời hậu WTO tại Việt Nam, nhất là khi ở những trung tâm này đã có một luồng vốn đầu tư hoặc trực tiếp, gián tiếp đổ vào”.

MỚI - NÓNG