Thị trường bất động sản khát vốn trung và dài hạn

Thị trường bất động sản khát vốn trung và dài hạn
TP - Nhiều ý kiến tại 'Hội thảo Giải pháp về vốn cho thị trường bất động sản' do Hiệp hội Bất động sản Việt Nam phối hợp tổ chức sáng 14-5 tại Hà Nội tiếp tục cho thấy còn nhiều rào cản, những khó khăn về vốn đối với thị trường được đánh giá là quan trọng này.

Với hầu hết những người tham gia đầu tư vào thị trường bất động sản thì lấy nguồn vốn từ đâu luôn là câu hỏi khó trả lời, nhất là khi mà chi phí vốn ngày càng leo thang. Ông Phạm Thanh Hưng-đại diện Cty Cổ phần Bất động sản Thế kỷ cho biết: Với cả doanh nghiệp và cá nhân muốn đầu tư vào bất động sản, đang rất khát vốn.

“Dự án thì thiếu điều kiện để vay tiền ngân hàng, còn cá nhân thì có phải ai cũng có nhà để thế chấp. Việc chứng minh thu nhập và phương án trả lãi không dễ dàng. Trong khi đó, ngân hàng lại thiếu những kênh tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ, hỗ trợ người dân thu nhập thấp mua nhà”- ông Hưng nói.

Một số chuyên gia cho rằng, số doanh nghiệp lớn kinh doanh bất động sản huy động vốn qua thị trường chứng khoán chưa nhiều. Kênh cấp vốn thông qua thị trường tái thế chấp mới chỉ ở dạng tiềm năng, chưa có văn bản hướng dẫn thực hiện.

Hiện chưa có các quỹ đầu tư bất động sản chuyên biệt, còn rất thiếu các quy định về quỹ đầu tư bất động sản. Một số doanh nghiệp bất động sản có vốn đầu tư nước ngoài cho biết, còn nhiều quy định bất hợp lý trong huy động vốn từ khách hàng. Điển hình như không rõ sự phân biệt thời điểm huy động vốn giữa dự án lớn có đầu tư cả tỷ đô la với các dự án nhỏ lẻ vài triệu đô.

Vốn trong dân vào thị trường không kiểm soát được

TS Vũ Đình Ánh - Viện Nghiên cứu Thị trường Giá cả Bộ Tài chính- cho biết, các nguồn vốn trung và dài hạn không đáp ứng đủ nhu cầu phát triển của thị trường đang trong cơn khát vốn. Hiện nay nguồn vốn trung dài hạn chủ yếu cung cấp cho thị trường bất động sản gồm: Vốn tín dụng trung dài hạn cho các doanh nghiệp và dự án bất động sản, song nguồn vốn này chịu áp lực bởi các quy định cho vay bất động sản, về cho vay thế chấp và xử lý tài sản thế chấp bằng bất động sản cũng như những hạn chế trong khả năng huy động vốn trung dài hạn của các ngân hàng thương mại và các định chế tài chính của Việt Nam.

"Nguồn vốn nóng được sử dụng trong vài tháng đến dưới một năm đang đổ vào thị trường bất động sản, thậm chí có giai đoạn còn lấn át vốn trung, dài hạn, tạo ra những cơn sốt nóng trên thị trường, đồng thời góp phần chủ yếu tạo ra bong bóng trên thị trường, làm gia tăng rủi ro." - Tiến sỹ Vũ Đình Ánh

Mặt khác, quy mô vốn của nhiều doanh nghiệp trong nước vẫn ở mức vừa và nhỏ nên khả năng tham gia thị trường bị hạn chế. Trong khi đó, vốn đầu tư nước ngoài vào bất động sản đang có xu hướng tăng nhanh.

Cũng theo TS Vũ Đình Ánh, nguồn lực tài chính trong dân rất lớn song hệ thống tài chính chính thức chưa thu hút được do tác động của các yếu tố kinh tế vĩ mô (lạm phát, lãi suất, tỷ giá...) trong các kênh đầu tư hấp dẫn, các sản phẩm tài chính chính thức còn thiếu, các định chế đầu tư bất động sản tập trung hầu như chưa có nên một phần không nhỏ nguồn lực tài chính trong dân cư được huy động vào thị trường, kể cả dưới hình thức vốn nóng, vừa không kiểm soát được, vừa tiềm ẩn rủi ro cao.

TS Trần Kim Chung - Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương - nhận xét: Tổng dư nợ tín dụng trong năm 2009 tăng 37,53% (bình quân 3,13%/tháng), trong đó tín dụng bằng VND tăng khoảng 43%. Tuy nhiên, dư nợ quý I chỉ tăng vỏn vẹn 3,52%.

MỚI - NÓNG