Thị trường bia Hà Nội tại Thanh Hóa: Vi phạm Luật Cạnh tranh?

TP - Vào mùa cao điểm như tết, hè; thị trường bia luôn bị “cháy hàng”. Thay vì nâng số lượng cho đại lý, những người phân phối sản phẩm bia Hà Nội tại Thanh Hóa lại ép các đại lý mua lại phần bia tăng thêm với giá cao hơn hợp đồng. Từ đó, dẫn tới câu chuyện thiếu bia ảo, và chịu thiệt về việc này sẽ là người tiêu dùng.

Thị trường bia Hà Nội tại Thanh Hóa: Vi phạm Luật Cạnh tranh? ảnh 1 Đang xuất hiện nhóm lợi ích để "làm giá" bia Hà Nội?

“Cứ tới cao điểm là thiếu bia”

Bà Nguyễn Thu Hương, Giám đốc Cty Thương mại Du lịch Vận tải và Xây dựng Minh Anh (TP Thanh Hóa) - đại lý cấp một cho Cty Cổ phần bia Hà Nội (Habeco), cho biết: Khoảng năm 2009, Hội khách hàng kinh doanh bia Hà Nội tại Thanh Hóa được thành lập. Mang tiếng hội thành lập tự nguyện, nhưng quy chế có điều khoản bắt buộc các đại lý phải tham gia, nếu không hội sẽ đề nghị Cty TNHH MTV Thương mại Habeco (Cty Habeco - đơn vị phân phối các sản phẩm bia của Habeco - PV) không hỗ trợ bất kỳ chương trình, chính sách nào đối với đại lý đó.

Theo bà Hương, mỗi khi muốn tăng giá bia, Cty Thương mại Habeco chỉ cần thông báo về hội, chủ tịch hội sẽ tổ chức họp hoặc nhắn tin thông báo giá bán mới cho các đại lý thực hiện. “Nếu đại lý nào không báo theo giá đó, sẽ bị xem là bán phá giá; lần đầu phạt hành chính, nếu tái phạm 3 lần hội sẽ làm văn bản đề nghị Cty Cty Thương mại Habeco cắt sản lượng, hoặc cắt các chương trình hỗ trợ với đại lý”, bà Hương nói.

Mỗi năm các đại lý đều ký với Cty Thương mại Habeco sản lượng bia cả năm và bình quân mỗi tháng. Tuy nhiên, theo bà Hương, vào những tháng cao điểm (tết, hè), nhu cầu tiêu thụ bia tăng, thay vì đưa thêm bia về các đại lý, Cty Thương mại Habeco lại cắt bớt sản lượng, chỉ bán cho đại lý bằng 70-80% sản lượng tháng đã đăng ký. “Để đáp ứng nhu cầu của khách hàng, các đại lý phải mua lại bia của hiệp hội, với giá chênh cao hơn giá bán của Cty từ 2-10 nghìn đồng/két (bia chai), thùng (bia lon)”, bà Hương nói. Theo vị giám đốc này, do phải mua bổ sung thêm bia giá cao, các đại lý buộc phải bán giá cao hơn.

Bà Phạm Thị Hương (Cty Thương mại và Xây dựng Thiên Hương, Thanh Hóa) cho biết, hầu như đại lý nào cũng phải mua thêm bia mỗi khi vào mùa cao điểm với giá chênh cao. Tuy nhiên, phần tiền chênh do chủ tịch hội thu, không có hóa đơn, chứng từ. Khi chủ tịch hội đi vắng, thủ kho bia Habeco sẽ thu hộ tiền chênh, chỉ lúc này mới có giấy viết tay.

“Nói là thu chênh lệch để lập quỹ cho hội, nhưng thu được bao nhiêu, chi thế nào, chẳng hội viên nào biết”, bà Hương nói. Hội này thực sự có quyền lực vì điều lệ cho phép hội có quyền đề nghị Cty Thương mại Habeco cắt sản lượng vài ngày hoặc cả tháng, số bia này được hội bán cho đại lý khác có nhu cầu và thu tiền chênh lệch.

Bà Phạm Thị Hương nhận xét, nếu bia lúc nào cũng đầy đủ có thể rớt giá, nên người ta phải “tạo sóng” để đẩy giá lên, nuôi đại lý. Khi đại lý có lời mới đầu tư cho bán hàng, mở rộng thị trường. Ngoài ra, khi mua bia với giá cao cũng phải bán ra giá cao, đại lý sẽ càng thu lợi từ lượng bia mua với giá thấp trước đó.

Mất kiểm soát?

Trao đổi với PV Tiền Phong, bà Trần Thị Thực, Chủ tịch Hội khách hàng kinh doanh bia Hà Nội tại Thanh Hóa cho biết, hội có 20 hội viên, chi phối toàn bộ thị trường bia Habeco tại Thanh Hóa. Theo bà Thực, hội thành lập để các đại lý không đua nhau bán phá giá và bảo vệ thị phần của các đại lý. “Mỗi khi Cty thông báo cho hội từ ngày nào giá bán phải bao nhiêu, hội sẽ báo lại các đại lý và ai cũng phải bán theo, nếu không điều chỉnh sẽ phạt”, bà Thực nói.

Về việc bán lại bia cho đại lý để hưởng chênh lệch, đẩy giá, bà Thực cho rằng, vào mỗi dịp cao điểm hội xin Cty Thương mại Habeco mua lại 10.000-15.000 két và thùng, rồi bán cho hội viên. “Tiền chênh lệch thu vào quỹ để ăn tiêu, hội họp. Cả nước họ đều làm thế cả”, bà Thực nói. Bà Thực khẳng định giá chênh lệch chỉ 1-2 nghìn đồng/két, không phải tới 5-10 nghìn đồng như phản ánh của hội viện. (Theo giấy viết tay do thủ kho bia Habeco Thanh Hóa - Thịnh Tùng Lâm ký nhận tiền chênh lệch vào tháng 5 -6/2014, tháng 12/2013, giá chênh đều 5 nghìn đồng/két).

Theo bà Thực, khi thành lập hội, không thông báo hay xin phép chính quyền. Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Trưởng phòng Kinh doanh, Cty Thương mại Habeco cho biết, các hội bán lẻ tại địa phương là tự nguyện, Cty không đứng ra tổ chức.

Về sản lượng bia bị cắt giảm mỗi khi cao điểm, ông Hùng cho biết, khi có đề xuất sản lượng của đại lý, Cty sẽ cân đối theo năng lực sản xuất, nhu cầu thị trường để bán cho đại lý. “Hợp đồng có quy định rõ, sản lượng chỉ là dự kiến, chúng tôi có quyền thay đổi không thông báo trước. Tùy thời điểm, mục đích của Cty, ưu tiên theo từng tỉnh nên có thể được nhiều hoặc bị cắt bớt”, ông Hùng nói. 

Việc các đại lý phải trả tiền chênh lệch để mua thêm bia ngoài số bia Cty cung cấp, ông Hùng khẳng định: “Giờ tôi mới nghe thấy việc này, Cty không có chủ trương hay chỉ đạo nào để bán bia thu chênh lệch như vậy. Chúng tôi sẽ kiểm tra lại việc”. Theo ông Hùng, hợp đồng Cty ký với đại lý có điều khoản ghi rõ: Đại lý không được bán giá dưới giá hóa đơn Cty bán cho đại lý. 

Ông Lê Văn Hòa, Phó Giám đốc Cty Thương mại Habeco cho biết, Cty luôn khuyến khích đại lý thành lập hội và luôn ủng hộ hội thống nhất giá bán. 

Một lãnh đạo Phòng Quản lý Thương mại (Sở Công Thương Thanh Hóa) cho biết, hiện ông cũng chưa nắm được ở Thanh Hóa có Hội khách hàng bán bia Hà Nội; việc thành lập hội này để chi phối giá có phương hại tới lợi ích người tiêu dùng hay không? Vị cán bộ này nói sẽ kiểm tra lại và trả lời sau.

Điều 9, Luật Cạnh tranh 2004 quy định: Cấm các thỏa thuận ấn định giá hàng hóa, dịch vụ một cách trực tiếp hoặc gián tiếp; Cấm thỏa thuận phân chia thị trường tiêu thụ, nguồn cung cấp hàng hóa, cung ứng dịch vụ… khi các bên tham gia thỏa thuận có thị phần kết hợp trên thị trường liên quan từ 30% trở lên. Điều 13 quy định: Cấm doanh nghiệp, nhóm doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh thị trường thực hiện các hành vi: Áp đặt giá mua, bán hàng hóa, dịch vụ bất hợp lý hoặc ấn định giá bán lại tối thiểu gây thiệt hại cho khách hàng.

MỚI - NÓNG