Thị trường chứng khoán nóng tới mức nào?

Thị trường chứng khoán nóng tới mức nào?
Với việc gần như toàn bộ cổ phiếu niêm yết đều kịch biên độ tăng giá, thị trường đang có dấu hiệu tăng trưởng nóng, nhất là khi cung cầu quá chênh lệch.

Hai tuần giao dịch trong và sau dịp APEC đã chứng kiến chu kỳ tăng trưởng vượt bậc, thậm chí còn có phần nóng hơn chu kỳ tăng vào tháng 4 vừa qua. Chỉ số VN-Index trong 10 phiên gần đây tăng tổng cộng 134,72 điểm. VN-Index đóng cửa ngày 24/11 ở mức 665,53 điểm, đã vượt mức kỷ lục cũ là 632,69 điểm.

Một trong những nguyên nhân cơ bản của chu kỳ tăng trưởng này là sự gia tăng sức cầu mạnh mẽ. Lượng tiền đổ vào thị trường cực lớn của cả nhà đầu tư trong nước lẫn ngoài nước đã khiến cung cầu chứng khoán (không tính trái phiếu) luôn ở thế mất cân bằng.

Thị trường chứng khoán nóng tới mức nào? ảnh 1
Diễn biến cung cầu trong tuần.

Thống kê cung cầu của tuần giao dịch từ 20-24/11 cho thấy mặc dù hai phiên đầu tuần có sự giải tỏa lượng bán khá mạnh nhưng thị trường vẫn rất nóng do sự khích lệ từ khối nhà đầu tư nước ngoài. Nhà đầu tư trong nước bắt đầu có hành động kìm giữ cổ phiếu khiến lượng cung chững lại trong khi cầu vẫn tăng cao.

Đặc biệt trong hai phiên cuối tuần, lượng chào mua tăng tương ứng 44,6% và 12,7%. Lượng chào bán biến động tương ứng là -8,5% và +33,5%. Tuy nhiên, lượng cầu vẫn cao trung bình gấp rưỡi cung.

Giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài cũng là một động lực quan trọng của sức cầu và là một chỉ báo được nhà đầu tư trong nước quan tâm. Có thể nói hai tuần giao dịch vừa qua là thời điểm lượng tiền được khối này đổ vào thị trường lớn chưa từng có. Chiến lược cơ bản vẫn là gia tăng mua với các cổ phiếu chủ chốt như VNM, REE, SAM, GMD... Đây lại là nhóm cổ phiếu có tỷ trọng lớn trong cơ cấu tính VN-Index, khiến chỉ số thị trường có bước nhảy vọt.

Ngoài phiên đầu tuần có giá trị mua kỷ lục hơn 193 tỷ đồng, giao dịch mua của khối này khá ổn định quanh mức 93-94 tỷ đồng trong 3 phiên sau đó. Trong phiên cuối tuần, giá trị mua đã tăng mạnh lên tới trên 155 tỷ đồng.

Cùng với động thái kìm giữ của nhà đầu tư trong nước, đây là nguyên nhân khiến cung cầu thị trường rất chênh lệch và giá được đẩy lên sát mức trần hàng loạt. 54 chứng khoán tăng giá, trong đó có 36 cổ phiếu tăng kịch biên độ tối đa, chỉ 1 cổ phiếu giảm giá và 1 đứng giá.

Sẽ có đợt điều chỉnh?

Động thái giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài đáng chú ý có sự gia tăng mạnh cả lượng bán ra lẫn mua vào, trong đó giá trị mua vẫn cao gấp nhiều lần giá trị bán ra.

Hai phiên cuối tuần giá trị bán của khối nhà đầu tư nước đã tăng cao trong đó có cả các blue-chips (các cổ phiếu "sáng giá") như REE, VNM, GMD chứng tỏ khả năng đang diễn ra việc cơ cấu danh mục hoặc thu lợi mục tiêu. Tuy nhiên việc nhà đầu tư tiếp tục thu mua một lượng lớn cổ phiếu chứng tỏ nhu cầu đầu tư vẫn rất cao do sự giải ngân nguồn vốn mới, đặc biệt là các tổ chức đầu tư mới tham gia thị trường cùng với sự khích lệ từ những chuyển biến vĩ mô.

Hiện tại tâm lý thị trường vẫn hết sức phấn khích và nhiều nhà đầu tư mong đợt VN-Index tiến đến con số 700 điểm. Đây là kỳ vọng có cơ sở khi hàng loạt tín hiệu tốt sau khi Việt Nam chính thức gia nhập WTO và các đánh giá tốt về tiềm năng của thị trường đầu tư gián tiếp.

Đặc biệt, trong năm 2007, Việt Nam sẽ bắt đầu thực hiện một số cam kết, trong đó quan trọng là khả năng mở rộng tỷ lệ sở hữu cho nhà đầu tư nước ngoài đối với những công ty niêm yết không nằm trong danh mục hạn chế, trong đó có nhiều đơn vị có tình hình kinh doanh tốt.

Ngoài ra việc đẩy mạnh tham gia niêm yết của nhiều doanh nghiệp lớn và việc nhiều công ty thực hiện phát hành thêm cổ phiếu như GMD, STB... cũng sẽ tạo cơ hội mua. Dự báo nguồn tiền của nhà đầu tư nước ngoài sẽ tiếp tục tăng.

Tuy nhiên, trong dài hạn việc tăng trưởng sẽ có chọn lọc. Để “kéo” chỉ số VN tăng là việc không khó khi nhóm đầu tàu vẫn được nhà đầu tư nước ngoài săn lùng.

Các chỉ số phân tích kỹ thuật như chỉ số sức mạnh tương đối RSI, chỉ số luồng tiền MFI, chỉ số hội tụ/phân kỳ MACD... vẫn cho thấy khả năng tăng trưởng của VN-Index tuần tới. Tuy nhiên cũng phải nhìn nhận biến động chỉ số chứng khoán chỉ là tương đối, không thể hiện biến động giá của từng cổ phiếu cá biệt.

Đối với những cổ phiếu nhỏ và kết quả kinh doanh kém, việc tăng kiểu “tát nước theo mưa” sẽ khó kéo dài. Hiện tượng tăng trần ồ ạt với hầu hết cổ phiếu chứng tỏ tâm lý đám đông cũng bắt đầu xuất hiện.

Việc thị trường tăng trưởng rất nhanh trong xu thế cung cầu quá chênh lệch không đảm bảo một sự tăng trưởng bền vững. Mặc dù nhà đầu tư nước ngoài sẽ tiếp tục tăng mua nhưng không phải là mua bằng mọi giá. So với chu kỳ tăng hồi tháng 4, mức độ tăng hai tuần qua nhanh hơn.

Nhiều khả năng, sẽ xuất hiện những đợt điều chỉnh nếu lượng cung được giải tỏa đủ để “giải nhiệt” thị trường.

Theo Nguyễn Hoàng
TBKT VN

MỚI - NÓNG