Thị trường chứng khoán và những cú rơi lịch sử

Gần 14 năm tồn tại, từng có giai đoạn chứng khoán rớt trên 88 điểm (gần 21%) khiến nhiều nhà đầu tư thiệt hại nặng nề. Đa phần nguyên nhân là tin đồn, thay đổi chính sách và điều chỉnh sau khi thị trường tăng nóng.

Thị trường chứng khoán vừa khép lại tháng 5 nhiều biến động, với phiên giảm kỷ lục hơn 30 điểm ngày 8/5 - tệ nhất trong vòng 13 năm qua. Tuy nhiên, đây không phải lần đầu tiên thị trường chứng kiến những giai đoạn biến động tiêu cực như vậy trong khoảng thời gian ngắn.

1. Giảm trên 300 điểm trong năm 2001

Vn-Index chính thức hoạt động từ ngày 27/7/2000 với số điểm khởi đầu là 100 và đạt đỉnh 571 điểm vào 25/6/2001. Lúc bấy giờ, số lượng doanh nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Thị trường chứng khoán và những cú rơi lịch sử ảnh 1

Nhiều nhà đầu tư vẫn còn nhớ do diễn biến thị trường lúc đó tăng trưởng quá nóng trong thời ngắn nên tạo ra bong bóng chứng khoán, tiềm ẩn nguy cơ về đợt điều chỉnh giảm sâu. Cộng thêm việc một số quy định từng được đưa ra hoặc dự kiến áp dụng lúc bấy giờ như mỗi người chỉ được mua nhiều nhất 3.000 cổ phiếu và phải nắm giữ nhiều tháng đã khiến đa số nhà đầu tư dần không còn mặn mà với thị trường.

Cuối năm 2001, Vn-Index bay hơi hơn 300 điểm so với đỉnh từng xác lập, đóng cửa tại mức 235,4 điểm. Trong giai đoạn sau đó (2001-2003), nhiều đợt giảm cũng liên tiếp xuất hiện đưa Vn-Index xuống 130 điểm, từng được coi là thấp nhất trong lịch sử thị trường. (Ảnh: T.H)

2. Giảm 60,93 điểm trong 8 phiên liên tiếp tháng 6/2006

Năm 2006 với đa số nhà đầu tư là thời điểm cơn sốt chứng khoán bộc lộ rõ rệt nhất. Vn-Index lên gần 600 điểm vào đầu tháng 4 và được đánh giá là một trong những thị trường chứng khoán có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới. Những công ty niêm yết như Cổ phần Cơ điện lạnh, Vinamilk báo lãi lớn khiến nhà đầu tư tích cực thu gom cổ phiếu.

Thị trường chứng khoán và những cú rơi lịch sử ảnh 2

Việc thị trường tăng mạnh khi đó đã khiến nhiều nhà đầu tư đủ mọi tầng lớp liên tục mua chứng khoán với suy nghĩ “nay mua, mai lãi” mà không cần biết nội tại doanh nghiệp tốt hay xấu. Làn sóng này đẩy giá cổ phiếu tăng cao bất chấp nhiều cảnh báo lúc bấy giờ về một đợt giảm sâu.

Sau đà tăng nóng, từ nửa cuối tháng 4/2006, chứng khoán bước vào xu thế giảm với nhịp điều chỉnh như từng dự báo. Ngày 12/6/2006, Vn-Index mất 2,81 điểm (0,51%), suốt 7 phiên liên tiếp sau đó, chỉ số này cũng lao dốc và giảm tổng cộng hơn 60 điểm (11,6%), xuống còn 487,86 điểm. Biên độ giao động lúc này của thị trường là 5%.

Dù vậy, giới đầu tư vẫn đánh giá đây là năm thành công với thị trường khi chỉ số chứng khoán nhanh chóng hồi phục vào cuối năm. 2006 cũng là thời điểm tạo nhiều cột mốc mới cho thị trường, trong đó việc Việt Nam gia nhập WTO. Ngoài ra quyết định cắt giảm ưu đãi thuế đối với doanh nghiệp niêm yết kể từ ngày 1/1/2007 cũng dẫn tới làn sóng chạy đua lên sàn vào cuối năm đó và tăng thêm sự lựa chọn cho các nhà đầu tư.

3. Giảm 88,58 điểm trong 7 phiên liên tiếp vào tháng 10/2008

Sau thời kỳ phục hồi và hoàng kim năm 2007, dấu ấn về năm 2008 đối với nhiều nhà đầu tư là cảm giác “ghê sợ” khi thị trường chứng khoán liên tiếp giảm điểm, ngày nào cũng chứng kiến cảnh cổ phiếu chạm sàn hàng loạt.

Thị trường chứng khoán và những cú rơi lịch sử ảnh 3

Một trong những chuỗi giảm nổi bật nhất phải kể đến 7 phiên liên tiếp khiến Vn-Index mất 88,58 điểm (20,99%), bắt đầu từ ngày 3/10/2008. Nguyên nhân chính là bất ổn kinh tế vĩ mô thế giới tác động lên tâm lý khối ngoại, gây ảnh hưởng đến khối nội cộng thêm việc thu hẹp biên độ giao dịch.

Theo đó, biên độ dao động giá của HSX trong năm này được điều chỉnh từ +/-5% xuống còn +/-1% và HNX là +/-10% về +/-2%. Ông Phan Dũng Khánh – nhà đầu tư bám sàn hơn 10 năm cho rằng giải pháp này tốt nhưng nó lại càng khiến giới chứng khoán lúc bấy giờ bất an. Nỗi lo sợ chính của nhà đầu tư khi đó là khó thoát khỏi thị trường vì biên độ hẹp không kích thích người mua. Đồng thời họ phải đối diện việc thị giá giảm hàng ngày nên càng phải nỗ lực bán cổ phiếu bằng mọi giá để giữ tiền mặt.

Sau hơn 6 năm kể từ cơn khủng hoảng, đến giờ khi đã trở thành giám đốc tư vấn tại một công ty chứng khoán, ông Khánh cho biết “vẫn chưa quên được cảm giác sợ hãi, hoảng loạn về thị trường năm 2008 khi lỗ vốn toàn bộ danh mục và rơi vào cảnh nợ nần. Nhiều năm sau kiên trì đầu tư mới lấy lại được”.

Xu thế chính của các nhà đầu tư nước ngoài trong năm 2008 cũng là bán ròng. Hơn 320 tỷ đồng trên sàn TP HCM đã bị khối ngoại rút ròng khỏi sàn TP HCM trong giai đoạn Vn-Index giảm trên 88 điểm.

4. Giảm hơn 44 điểm (8,18%) trong 2 ngày vào tháng 11/2009

Ngày 25/11/2009, Ngân hàng Nhà nước ra quyết định điều chỉnh tỷ giá, tăng lãi suất cơ bản lên mức 8% một năm sau 11 tháng duy trì ở 7%. Trần lãi suất kinh doanh tại các ngân hàng thương mại khi đó cũng được nâng thành 12% một năm thay vì mức cũ 10,5%. Còn tỷ giá bình quân liên ngân hàng cũng được điều chỉnh lên mốc kỷ lục mới 17.961 đồng ăn một đôla, tăng thêm 5,44% so với ngày 25/11.

Thị trường chứng khoán và những cú rơi lịch sử ảnh 4

Quyết định này đã khiến chỉ số chứng khoán ngày hôm đó giảm mạnh, hàng loạt nhà đầu tư bán tháo trên diện rộng.Vn-Index mất hơn 44 điểm (tương đương 8,18%) chỉ trong hai ngày (25-26/11/2009), lùi về 482,6 điểm.

Tuy nhiên, riêng phiên ngày 25/11 lúc bấy giờ, khối lượng giao dịch sàn TP HCM tăng đột biến với gần 67 triệu cổ phiếu, cao nhất trong vòng gần một tháng, ứng với trị giá trên 3.000 tỷ đồng.

Một số chuyên gia khi đó đánh giá quyết định nâng lãi suất cơ bản giúp các nhà băng tăng cường thu hút vốn từ nhà đầu tư, do vậy luồng tiền vào chứng khoán bị ảnh hưởng. Vì lẽ đó, nhiều người cổ phiếu lúc bấy giờ mới bị dao động tâm lý, dẫn đến bán tháo.

Giữa bối cảnh này, các nhà đầu tư nước ngoài vẫn tích cực mua ròng cổ phiếu tại sàn TP HCM với giá trị cao nhất trong vòng 10 phiên. Tổng trị giá mua ròng từ khối ngoại trong hai ngày 25-26/11/2009 đạt 383,4 tỷ đồng (221 tỷ đồng số này được mua vào ngày 25).

5. Giảm 20,81 điểm (4,13%) ngày 21/2/2011

Vn-Index đã có khởi đầu tốt đẹp trong năm 2011 khi xác lập đỉnh vào ngày 9/2 với 522,59 điểm. Tuy nhiên, suốt 9 phiên sau đó, chỉ số này giảm dần và tuột mốc 500.

Thị trường chứng khoán và những cú rơi lịch sử ảnh 5

Ngày 21/2/2011, Vn-Index mất 20,24 điểm, đóng cửa tại 483,68 điểm trong khi HNX-Index giảm 5,73 điểm (5,6%). Đây cũng là thời điểm việc thắt chặt chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng được thông qua.

Trong đó, tăng trưởng tín dụng 2011 được đưa về mức 20% thay vì 23% như nghị quyết từng đề ra vào đầu năm. Thậm chí, cơ quan quản lý lúc bấy giờ còn cho phép đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng xuống dưới 20% trong điều kiện cần thiết.

Trong suy nghĩ của giới đầu tư, việc thắt chặt tín dụng được xem là nguyên nhân khiến thị trường chứng khoán đón nhận một năm giảm điểm. Bởi lẽ, việc cho vay mua cổ phiếu (margin) nở rộ một năm trước đó khiến nhiều công ty chứng khoán phải chịu khoản chi phí tài chính cao. Thị trường liên tục rớt điểm gây ra áp lực giải chấp tại những đơn vị này cùng nguồn cung hàng lớn. Năm 2011 cũng được xem là mở đầu cho giai đoạn hiện tượng giải chấp margin sử dụng phổ biến. (Ảnh: Hoàng Hải)

6. Giảm hơn 46 điểm (11,1%) trong ba ngày liên tiếp vào tháng 5/2011

Theo một số nhà đầu tư bám sàn, nhịp giảm sâu ba phiên liên tiếp giai đoạn 23-25/5/2011 hầu như không bị tác động bởi thông tin thời sự hay vĩ mô. Phần nhiều nguyên nhân khiến thị trường bất lợi lúc bấy giờ là tâm lý nhà đầu tư thiếu ổn định, cộng thêm xu thế giảm điểm dài hạn.

Thị trường chứng khoán và những cú rơi lịch sử ảnh 6

Chỉ trong 3 ngày 23-25/5, Vn-Index mất ít nhất 15 điểm mỗi phiên, tương đương trên 3%. Khối ngoại khi đó cũng liên tục bán ròng với khối lượng gia tăng liên tiếp. Tổng cộng trong 3 ngày giảm điểm, các nhà đầu tư nước ngoài rút ròng 130 tỷ đồng, gần một nửa số này nằm ở phiên ngày 25/5/2011. (Ảnh: Cao Thăng)

Ngày 21/8/2012, sự kiện bầu Kiên bị bắt đã gây đợt giảm điểm trên diện rộng đối với sàn chứng khoán ngay từ khi mở cửa. Hai chỉ số Vn-Index và HNX-Index phủ sắc đỏ, nhiều cổ phiếu đột ngột bị bán mạnh từ đầu phiên như ACB, EIB. Đây cũng là hai mã được giới đầu tư xem là có liên quan đến bầu Kiên ở thời điểm bấy giờ.

Ngoài hai mã trên, toàn bộ các cổ phiếu ngân hàng hay những lĩnh vực sản xuất khác cũng gặp ảnh hưởng. Giới phân tích khi đó nhận định nhà đầu tư khi đó đã bán quá mạnh tay khiến cả những cổ phiếu tốt nhưng không liên quan đến sự kiện bầu Kiên cũng bị ảnh hưởng theo xu thế chung.

Vào cuối ngày, Vn-Index mất 20,44 điểm, lùi về 416,84 điểm. HNX-Index giảm 3,7 điểm (5,24%), đóng cửa ở mức 66,95 điểm. Chưa dừng lại ở đó, chỉ hai hôm sau (23/8), chỉ số này tiếp tục bay hơi thêm 17,41 điểm và mất mốc 400. Giai đoạn này cũng được xem là mở đầu cho chuyện tin đồn gây ảnh đến thị trường ngày một phổ biến.

Năm 2012 đối với giới đầu tư cũng đầy sóng gió khi nhiều sự kiện xảy ranhư hàng loạt lãnh đạo các công ty chứng khoán vướng vòng lao lý, sáp nhập Habubank – SHB hay hàng loạt cổ phiếu phải rút khỏi sàn do không đủ điều kiện niêm yết khiến giới đầu tư lo sợ tình hình kinh tế bất ổn. Riêng HNX-Index năm đó cũng liên tiếp xác lập đáy mới trong lịch sử giao dịch thị trường, xuống 50,7 điểm.

7. Giảm 18,1 điểm ngày 21/2/2013

Phiên giao dịch ngày 21/2/2013, Vn-Index mất 18,1 điểm (3,66%) chỉ trong vài phút khớp lệnh đóng cửa, xuống còn 476,73 điểm. HNX đóng cửa tại 63,45 điểm sau khi mất 3,55 điểm (5,3%). Đây được xem là cú giảm điểm mạnh nhất trên thị trường kể từ sau sự cố bầu Kiên hơn nửa năm trước đó. Nguyên nhân chính là tin đồn bắt bớ nhiều lãnh đạo, trong đó có Chủ tịch BIDV – ông Trần Bắc Hà lan ra khắp thị trường.

Rất nhiều nhà đầu tư lúc bấy giờ chia sẻ tâm lý hoảng loạn với hành động thường trực nhất là gọi điện đi khắp nơi để hỏi han thông tin và bán tháo cổ phiếu. Đa phần người cầm chứng khoán đều không nắm chính xác lý do khiến thị trường giảm điểm, thấy cổ phiếu ồ ạt rớt giá nên hốt hoảng bán theo.

Thị trường chứng khoán và những cú rơi lịch sử ảnh 7

Nhớ về thời điểm này, anh Tùng – một nhà đầu tư tại TP HCM chia sẻ lúc đó cũng là cơ hội khiến nhiều đội lái gom hàng giá rẻ vì tin đồn chưa cần biết đúng sai, thị trường đã phản ứng trước.

Sau phiên giảm này, Vn-Index xuất hiện hai ngày hồi phục với số điểm lần lượt 0,96 và 6 mỗi phiên. Tuy nhiên, tới phiên thứ ba, chỉ số này lần nữa lại giảm sâu thêm 18,64 điểm (3,85%). Theo giải thích từ một số chuyên gia chứng khoán, thông thường sau hai phiên hồi, tới T+3 là thị trường lại mất rất nhiều điểm. Biên độ giao động lúc này là 10% đối với HNX và 7% cho HSX. (Ảnh: Nhật Minh)

8. Giảm trên 30 điểm ngày 8/5/2014

Sau hơn một năm với nhiều dự báo tốt và những đỉnh mới liên tiếp được chỉ số chứng khoán chinh phục, ngày 8/5, giới đầu tư một lần nữa phải chứng kiến cảnh sắc đỏ nhuộm kín hai sàn. Vn-Index mất 32,88 điểm(5,87%) còn HNX-Index bay hơn 4,9 điểm (6,4%) và được đánh giá là cú giảm điểm tệ nhất trong lịch sử thị trường suốt gần 14 năm qua.

Thị trường chứng khoán và những cú rơi lịch sử ảnh 8

Nguyên nhân chính, theo giới đầu tư là những căng thẳng leo thang về chính trị biển đảo gây ảnh hưởng lên tâm lý người cầm cổ phiếu. Tuy nhiên, đợt giảm điểm này cũng trùng vào nhịp điều chỉnh diễn ra trên thị trường kéo dài từ cuối tháng Ba. Sau hai ngày làm việc, tới thời điểm T+3 (phiên 12/5), Vn-Index lại tiếp tục mất 25,41 điểm (4,68%).

Trước đó, trong suốt 3 tháng đầu năm, chỉ số chứng khoán hai sàn liên tục xuất hiện các đỉnh mới và được giới phân tích đưa ra nhiều đánh giá lạc quan. Đa phần các chuyên gia đều cho rằng 2014 là thời điểm thích hợp để kiếm lời từ chứng khoán, đồng thời dự báo Vn-Index có thể lên 630 điểm hoặc cao hơn thế. (Ảnh: Nhật Minh)

Theo Tường Vi

Theo VnExpress
MỚI - NÓNG