Thị trường chứng khoán VN: 5 tuổi vẫn còn bé tí!

Thị trường chứng khoán VN: 5 tuổi vẫn còn bé tí!
Hiện có 21.000 tài khoản mở tại các công ty chứng khoán nhưng chỉ hơn 1.000 tài khoản là có giao dịch thường xuyên, chiếm chưa tới 5%. TTCK VN  vẫn chưa thu hút được các nhà đầu tư nước ngoài.

Ngày 15/7, tại Tp.HCM, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã tổ chức buổi tọa đàm về Thị trường chứng khoán Việt Nam với chủ để “5 năm hoạt động và phát triển”, với sự tham gia của hơn 150 đại biểu của các công ty chứng khoán, doanh nghiệp và các ngân hàng, tổ chức tài chính.

Khá nhiều ý kiến nêu ra những yếu kém và đề xuất những giải pháp thiết thực để phát triển nhanh chóng thị trường chứng khoán Việt Nam trong 5 năm tới đã được nêu ra tại hội thảo.

Bà Nguyễn Thị Liên Hoa, Trưởng ban phát triển thị trường Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, đến nay thị trường chứng khoán có tổ chức ở Việt Nam đã hoạt động được 5 năm, việc tổ chức giao dịch tại Trung tâm Giao dịch Chứng khoán Tp.HCM đã cơ bản tuân theo nguyên tắc công bằng, công khai và xác định giá trên cơ sở cung cầu của thị trường.

Tính đến 30/6/2005, tổng giá trị chứng khoán niêm yết đạt gần 31.000 tỷ đồng, gồm hơn 1.700 tỷ đồng cổ phiếu của 29 công ty cổ phần và trên 29.000 tỷ đồng trái phiếu chính phủ, trái phiếu chính quyền địa phương và trái phiếu Ngân hàng Đầu tư Phát triển Việt Nam.

Đến 30/6/2005, Trung tâm Giao dịch Chứng khoán Tp.HCM đã tổ chức được 1.071 phiên giao dịch liên tục, an toàn với tổng trị giá giao dịch đạt gần 33.700 tỷ đồng, trong đó trái phiếu chiếm 89%, cổ phiếu và chứng chỉ quỹ chiếm 11%.

Hiện Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã cấp phép cho 13 công ty chứng khoán, 2 công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán, 2 ngân hàng thương mại trong nước và 3 ngân hàng thương mại nước ngoài được phép lưu ký chứng khoán, 8 tổ chức kiểm toán độc lập (2 tổ chức nước ngoài và 6 trong nước) được phép kiểm toán báo cáo tài chính của các tổ chức phát hành, niêm yết chứng khoán và tổ chức kinh doanh chứng khoán.

Tuy nhiên, nhà đầu tư tham gia thị trường chứng khoán hiện nay chủ yếu là nhà đầu tư cá nhân với số lượng tham gia quá ít so với tiềm lực tài chính trong dân và so với các loại hình đầu tư khác như đầu tư vào bất động sản ha gửi tiết kiệm. Hầu hết nhà đầu tư có vốn ít và chịu ảnh hưởng nhiều bởi yếu tố tâm lý, nhất là khi thị trường thăng giáng thất thường. Nhà đầu tư có tổ chức còn quá ít, tính chuyên nghiệp chưa cao, nguốn vốn đầu tư vào thị trường chứng khoán chưa ổn định.

Thị trường chứng khoán Việt Nam còn chưa thu hút được đông đảo các nhà đầu tư nước ngoài, chủ yếu do quy mô thị trường quá nhỏ bé và chính sách đối với nhà đầu tư nước ngoài chưa thực sự cởi mở và cơ chế lưu ký, giao dịch còn nhiều phức tạp.

TS. Nguyễn Công Hưởng, Giám đốc Công ty Chứng khoán BSC cho rằng, hiện nay quan hệ cung cầu chứng khoán có quá nhiều điểm bất ổn, còn lệch lạc và méo mó, cầu chứng khoán còn quá nhỏ bé, hiện có 21.000 tài khoản mở tại các công ty chứng khoán nhưng chỉ có hơn 1.000 tài khoản là có giao dịch thường xuyên (chiếm khoảng 5%).

Về những giải pháp phát triển thị trường chứng khoán Việt Nam, một số đại biểu yêu cầu Hiệp hội chứng khoán Việt Nam cần sớm ban hành Bộ đạo đức nghề nghiệp và tổ chức thực hiện tốt để góp phần tích cực tạo niềm tin cho công chúng đầu tư vào thị trường chứng khoán.

Ông Đinh Lê Chiến, Phó chủ tịch VAFI nhấn mạnh vào 2 giải pháp: Phổ cập đại chúng công tác đào tạo chứng khoán, trước tiên là ở tất cả các trường cao đẳng, đại học, kể cả các phóng viên kinh tế của các báo đài mà đào tạo phải mang tính phổ cập, tính chuyên nghiệp và tính thực tiễn. Giải pháp quan trọng thứ hai là đánh thuế tài sản để chống đầu cơ bất động sản và khơi luồng vốn đầu cơ này vào thị trường chứng khoán.

Ông Nguyễn Đoan Hùng, Phó chủ tịch Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước cho biết đã hoàn thành bản dự thảo cuối cùng để tháng 9/2005 sẽ trình Chính phủ lộ trình phát triển thị trường chứng khoán Việt Nam đến năm 2010. Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước cũng đưa ra 2 phương án dự kiến một số chỉ tiêu phát triển thị trường chứng khoán Việt Nam đến năm 2010 với chỉ tiêu xuất phát là GDP tăng 8%/năm.

Phương án thứ nhất dự tính tốc độ tăng tổng giá trị thị trường chứng khoán ở mức trung bình, năm sau tăng gấp đôi năm trước và quy mô vốn của các công ty niêm yết chỉ tăng 5%/năm.

Như vậy ở phương án này, muốn đạt chỉ tiêu tổng giá trị thị trường chứng khoán chiếm 10% GDP vào năm 2010 thì Việt Nam phải có được 390 công ty niêm yết vào năm 2010. Phương án 1 dự kiến giá bình quân cổ phiếu niêm yết sẽ tăng 5%/năm, ngoại trừ lạm phát và giá CP bình quân năm 2010 sẽ đạt 38.940 đ/CP (năm 2004, giá bình quân là 29.054 đ/CP).

Phương án thứ hai dự kiến một số tổng công ty lớn như Vinamilk, điện tử tin học, Vinaconex, ngân hàng thương mại lớn như Vietcombank, Ngân hàng Phát triển nhà ĐBSCL và một số công ty có vốn nước ngoài như Công ty dây và cáp điện sẽ cổ phần hóa và niêm yết thì quy mô vốn của các công ty sẽ có sự tăng đột biến, ước tính mức vốn điều lệ trung bình sẽ tăng lên 177 tỷ đồng/công ty.

Như vậy, số lượng các công ty niêm yết chỉ cần tăng vừa phải (khoảng 200 công ty vào năm 2010) thì Việt Nam có thể đạt chỉ tiêu tổng giá trị thị trường chứng khoán chiếm 12% GDP vào năm 2010.

Phương án 2 dự kiến chỉ số VN-Index (không đưa ra giá bình quân cổ phiếu niêm yết) sẽ tăng đạt 300 điểm vào năm 2010 (năm 2004, Việt Nam-Index bình quân là 237,5 điểm). Như vậy, theo phương án 2 thì nhà đầu tư vào cổ phiếu có kỳ vọng sẽ thu được lợi nhuận gấp 2 lần sau 5 năm, chưa kể cổ tức và những quyền lợi khác từ các công ty niêm yết. Tất nhiên, những nhà đầu tư có nhiều kinh nghiệm có thể kiếm được lợi nhuận gấp 4-5 lần khi chọn được “rổ” đầu tư tốt nhất.

MỚI - NÓNG