Thị trường ôtô Việt Nam sẽ rất sôi động

Thị trường ôtô Việt Nam sẽ rất sôi động
Các phân tích và dự báo đều khẳng định sau khi Việt Nam gia nhập WTO, thị trường ôtô sẽ rất sôi động. Theo cam kết, thuế nhập khẩu áp dụng với ôtô du lịch mới nguyên chiếc (hiện nay là 90%) kể từ khi vào WTO phải thay đổi.
Thị trường ôtô Việt Nam sẽ rất sôi động ảnh 1

Theo dự báo, "làn sóng" ôtô Trung Quốc sẽ tràn sang Việt Nam khi gia nhập WTO.(Ảnh Sản phẩm mới của tập đoàn Chery auto Trung Quốc)

Thứ nhất, ôtô nguyên chiếc nhập khẩu vào Việt Nam sẽ thuận lợi hơn. Theo cam kết, thuế suất thuế nhập khẩu áp dụng với ôtô du lịch mới nguyên chiếc (hiện nay là 90%) kể từ khi vào WTO phải thay đổi. Cụ thể sẽ phải tính thuế theo dung tích xi lanh, chia thành 4 loại. Loại thấp nhất sẽ có thuế suất thuế nhập khẩu là 47%, tiếp đến là 52%, 58% và 70%. Tính từ khi vào WTO trong vòng 11 năm phải áp dụng các mức thuế suất này, còn áp dụng vào thời điểm nào thì tùy thuộc vào Chính phủ Việt Nam.

Nhưng một quan chức của Bộ Tài chính cho biết, vào đầu 2007 ngay sau khi Việt Nam gia nhập WTO có thể thuế suất thuế nhập khẩu với ôtô mới nguyên chiếc sẽ được điều chỉnh giảm xuống 1 chút, như vậy lượng xe nhập khẩu sẽ tăng lên và giá sẽ hạ.

Thứ hai là nhiều tập đoàn nước ngoài vẫn đang muốn đầu tư vào lắp ráp ôtô tại Việt Nam. Với cam kết đạt được trong đàm phán gia nhập WTO về ôtô của Việt Nam nêu trên, rõ ràng lợi thế của việc lắp ráp xe trong nước vẫn còn, vì vậy nhiều tập đoàn ôtô nước ngoài không muốn bỏ qua cơ hội này. Một số Tập đoàn như Hyundai Motor (Hàn Quốc), Tập đoàn Công nghiệp ôtô Thượng Hải (Trung Quốc) đang trong quá trình khảo sát thị trường, tìm hiểu thủ tục pháp lý để đầu tư vào Việt Nam.

Trước tình hình này, các liên doanh ôtô tại Việt Nam không thể khoanh tay ngồi nhìn, mà sẽ cho ra đời nhiều sản phẩm mới chất lượng tốt hơn với giá cả hợp lý hơn để cạnh tranh là yếu tố quan trọng thứ 3 góp phần làm cho thị trường ôtô sôi động.

Đón nhận "làn sóng" ôtô Trung Quốc?

Trong 3 yếu tố kể trên, thì sự xuất hiện thêm của các dây chuyền lắp ráp xe từ nước ngoài đầu tư vào Việt Nam sẽ mang đến những thay đổi lớn trên thị trường ôtô, nhất là khi có sự tham gia của  nhiều doanh nghiệp Trung Quốc.

Ông  Nguyễn Xuân Chuẩn - Chủ tịch Hội cơ khí Việt Nam dự báo, khi gia nhập WTO "làn sóng" ôtô Trung Quốc sẽ có cơ hội tràn vào thị trường Việt Nam. Các doanh nghiệp ôtô Trung Quốc hiện đang tìm hướng xuất khẩu, nhưng chưa thể vào các thị trường như châu Âu, Mỹ được vì vậy mục tiêu chính vẫn là các nước Đông Nam Á. Xe Trung Quốc có giá bán thấp sẽ đáp ứng được nhu cầu của một bộ phận khách hàng và giành một phần thị phần ôtô vốn còn nhỏ bé của Việt Nam.

Cách mà ôtô Trung Quốc vào Việt Nam hiệu quả nhất là họ sẽ thành lập công ty 100% vốn nước ngoài (theo cam kết khi Việt Nam gia nhập WTO thì doanh nghiệp Trung Quốc được phép thành lập công ty 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam để sản xuất lắp ráp ôtô) hoặc hợp tác với các doanh nghiệp Việt Nam để sản xuất lắp ráp ôtô. Ngoài Tập đoàn Công nghiệp ôtô Thượng Hải và Tập đoàn Lifan đang xúc tiến hợp tác với các doanh nghiệp Việt Nam để đầu tư lắp ráp ôtô, theo Bộ Công nghiệp hiện còn 2 doanh nghiệp ôtô khác của Trung Quốc cũng đang tìm đường đầu tư vào Việt Nam.

Do thuế suất thuế nhập khẩu bộ linh kiện ôtô của Việt Nam thấp trong khi thuế suất thuế nhập khẩu xe nguyên chiếc (dù có giảm theo lộ trình gia nhập WTO) còn cao và duy trì trong một thời gian dài  nên xe ôtô Trung Quốc lắp ráp tại Việt Nam rất có lợi thế. Giá thành của nó sẽ rất rẻ. Nhiều loại xe chỉ có giá khoảng 10.000 USD/xe, sẽ có thị trường khá lớn.

Ông Nguyễn Văn Cẩn - Phó Vụ trưởng Vụ Kiểm tra thu thuế XNK Tổng cục Hải quan cho biết, tại Trung Quốc có nhiều doanh nghiệp ôtô đã liên doanh với các tập đoàn ôtô tên tuổi trên thế giới. Hiện nay những doanh nghiệp liên doanh này không chỉ sản xuất sản phẩm mang mang thương hiệu của các tập đoàn tên tuổi mà còn phát triển những sản phẩm mang thương hiệu riêng của Trung Quốc trên cùng 1 công nghệ. Cũng 1 chiếc xe nhưng mang thương hiệu của các tập đoàn có tên tuổi thì giá khá cao, nhưng mang thương hiệu Trung Quốc giá lại khá rẻ. Loại xe này đưa vào Việt Nam lắp ráp, chắc chắn sẽ có thị trường và cạnh tranh tốt với các hãng sản xuất khác.

Sẽ thêm nhiều lựa chọn

Tuy có nhiều sản phẩm tham gia thị trường, nhưng theo dự báo giá xe sẽ không giảm nhiều bởi thuế  ôtô còn khá cao và sản lượng của từng doanh nghiệp còn thấp. Nhưng khi có nhiều nhà sản xuất tham gia thị trường đương nhiên người tiêu dùng sẽ có nhiều lựa chọn.

Nếu như trước đây các liên doanh ôtô tại Việt Nam thường đưa công nghệ cũ vào, sản xuất những loại xe lạc hậu chỉ có tiện nghi tối thiểu, bắt buộc người tiêu dùng phải chấp nhận (do có rất ít sự lựa chọn), thì ngược lại thời gian tới họ phải đưa ra nhiều sản phẩm có chất lượng tốt, tiện nghi và giá cả hợp lý để cạnh tranh. Như vậy sẽ làm tăng sự thỏa mãn đối với khách hàng.

Các liên doanh ôtô trong nước hiện đang đi theo xu hướng này. Mới đây Công ty Vidamco đã ra mắt chiếc xe đa dụng Chevrolet Captiva  7 chỗ với 3 cấp độ tiện nghi khác nhau, có giá bán từ 29.000USD đến 34.000USD. Chevrolet là thương hiệu thuộc sở hữu của Tập đoàn General Motors (GM) đã có mặt tại hơn 120 quốc gia. Đây là lần đầu tiên xe Chevrolet được chính thức tung vào thị trường Việt Nam. Mức giá kể trên được thừa nhận là khá hợp lý đối với dòng xe đa dụng  mang thương hiệu nổi tiếng của GM.

Mercedes-Benz Việt Nam thì đang nghiên cứu đưa vào lắp ráp trong nước mẫu xe hạng nhỏ như A-class và xe đa dụng Viano...

Thị trường ôtô Việt Nam vốn có quy mô nhỏ bé hiện chỉ đạt khoảng 60.000 xe/năm, khi có nhiều  hãng xe tham gia, chắc chắn sẽ tạo nên cuộc cạnh tranh căng thẳng. Như vậy để tồn tại và phát triển, ngoài những yếu tố quan trọng như chất lượng, giá cả sản phẩm thì các nhà sản xuất còn phải quan tâm đến nâng cao chất lượng dịch vụ sau bán hàng và đẩy mạnh các chương trình khuyến mãi. Sự cạnh tranh trong nâng cao chất lượng dịch vụ sau bán hàng cũng như khuyến mãi cũng là một yếu tố làm cho thị trường ôtô sẽ luôn luôn sôi động.

Theo VietnamNet

MỚI - NÓNG