Thị trường thực phẩm TPHCM: Tư thương “làm giá”

Thị trường thực phẩm TPHCM: Tư thương “làm giá”
TP - Chỉ có giá bán buôn tăng. Đó là những nghịch lý đang diễn ra trên thị trường thực phẩm thiết yếu tại TPHCM sau Tết Bính Tuất mà dư luận và các chuyên gia kinh tế hết sức quan tâm...
Thị trường thực phẩm TPHCM: Tư thương “làm giá” ảnh 1
Thịt gà chờ khách! Ảnh minh họa: VNN

Theo số liệu của Sở Tài chính- Vật giá TPHCM, trong ngày 7/2, lượng thịt, rau … về các chợ tại TPHCM đã tăng dần nhưng chỉ bằng 70 –80% so với những ngày bình thường do một số tiểu thương vẫn còn nghỉ Tết. Giá nhiều mặt hàng vẫn tiếp tục nhích lên như giá heo hơi, heo thịt, đường cát...

Một vấn đề cần được quan tâm là tuy lượng hàng hóa về các chợ đầu mối đã bắt đầu tăng, giá bán lẻ tại các chợ đứng nhưng giá bán buôn tại các chợ đầu mối vẫn liên tục nhích lên.

Cụ thể, tại chợ thịt Phạm Văn Hai, lượng thịt heo về chợ trong 2 ngày 6 - 7/2 đạt 128,2 tấn, tăng 33,8 tấn so với ngày 5/2 nhưng giá heo vẫn tăng 1.000 - 2.000 đồng/kg.

Giá heo hơi 21 –22 nghìn đồng/kg, heo bên loại 1: 25 –30 nghìn đồng/kg, loại 2: 22 –25 nghìn đồng/kg. Trong khi đó, giá heo bán lẻ tại các chợ trong thành phố vẫn đứng ở mức: heo nạc lưng 50 nghìn đồng/kg, heo đùi 40-45 nghìn đồng/kg, ba rọi 40 nghìn đồng/kg…

Giá gà cũng tăng cao do nhu cầu cúng lễ đầu năm. Giá gà tam hoàng 60 nghìn đồng/kg, gà trống ta 80 nghìn đồng/kg, gà mái ta 85 nghìn đồng/kg.

Các mặt hàng nông sản, rau, củ quả cũng có xu hướng biến động giá tương tự. Trong khi giá bán lẻ tại các chợ không đổi thì giá nhiều mặt hàng tại các chợ đầu mối liên tục nhích lên.

Tại chợ Thủ Đức, trong 3 ngày 5, 6 và 7/2, lượng rau về chợ đã tăng từ 150 - 200 tấn/ngày, đạt 1.300 - 1.400 tấn/ngày nhưng giá của nhiều mặt hàng như bưởi 5 roi 150 nghìn đồng/chục (tăng 10 nghìn đồng/chục), cam sành 5.500 đồng/kg (tăng 500 đồng/kg); dưa hấu dài 4.000 đồng/kg (tăng 1.000 đồng/kg).

Tại chợ đầu mối Trần Chánh Chiếu, lượng gạo, nếp, đường, đậu về chợ đã tăng 20 –30% so với ngày trước nhưng giá đường vẫn liên tục nhích lên 300 –500 đồng/kg.

Ngày 7/2, giá đường RE Biên Hòa, Mỹ Tho cùng mức giá 11 nghìn đồng/kg, RE Juna 10,6 nghìn đồng/kg, RS Quảng Ngãi 10,3 nghìn đồng/kg…

Tư thương “làm giá”

Đó là nhận định của một số chuyên gia Viện Kinh tế TPHCM khi nghiên cứu xu hướng biến động giá cả của hàng hóa trên thị trường TPHCM sau Tết Bính Tuất.

Khu vực bán lẻ là “phong vũ biểu” phản ánh những biến động không ngừng của cung - cầu thị trường. Giá hàng hóa tại khu vực này không tăng.

Điều đó cho thấy cung hàng hóa đã “co giãn” tương thích với cầu (nhu cầu tiêu thụ của xã hội), thể hiện qua lượng hàng hóa về các chợ tăng thêm trong mấy ngày qua nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân sau đợt nghỉ Tết.

Thị trường bán lẻ không thiếu và khan hiếm hàng hóa, vì vậy sẽ không tác động và khiến khu vực bán buôn, các chợ đầu mối thiếu hàng, phải tăng giá.

Sự biến động giá tại khu vực bán buôn hoàn toàn thoát li khỏi quy luật cung – cầu, do ý muốn chủ quan của các tư thương. Nói cách khác, đã có tình trạng “làm giá”, sốt “ảo” một số mặt hàng thực phẩm thiết yếu tại khâu bán buôn mà nguyên nhân là do người bán cố tình nâng giá một cách tùy tiện.

Xu hướng này cần phải được các cơ quan quản lý giá quan tâm, xử lý và chấn chỉnh kịp thời. Giá tăng không theo quy luật cung – cầu sẽ khiến quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng bị xâm hại.  

MỚI - NÓNG