Thị trường trái phiếu chính phủ - 10 năm tăng trưởng ấn tượng

Tháng 7/2019, sản phẩm hợp đồng tương lai TPCP đã chính thức được ra đời, bổ sung thêm công cụ phòng vệ rủi ro cho nhà đầu tư
Tháng 7/2019, sản phẩm hợp đồng tương lai TPCP đã chính thức được ra đời, bổ sung thêm công cụ phòng vệ rủi ro cho nhà đầu tư
Cùng với sự phát triển của nền kinh tế và thị trường vốn, thị trường trái phiếu chính phủ (TPCP) đã có bước phát triển đáng ghi nhận, từng bước trở thành kênh huy động vốn quan trọng cho đầu tư phát triển của Chính phủ và kênh đầu tư an toàn, hiệu quả cho nhà đầu tư trên thị trường.

Đây là đánh giá của ông Nguyễn Hoàng Dương - Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính, Bộ Tài chính khi trao đổi với phóng viên TBTCVN trước thềm Hội nghị “Tổng kết 10 năm hoạt động và phát triển của thị trường trái phiếu chính phủ” do Bộ Tài chính phối hợp với Ngân hàng Thế giới tổ chức sáng 10/12/2019.

* PV: Thị trường trái phiếu chính phủ Việt Nam đã chứng kiến sự tăng trưởng ấn tượng trong 10 năm qua. Ông có cho thể cho biết một cách tổng quát nhất về những kết quả đạt của thị trường sơ cấp trái phiếu chính phủ từ năm 2009 đến nay?

- Ông Nguyễn Hoàng Dương: Ngày 24/9/2009, thị trường TPCP chuyên biệt chính thức đi vào hoạt động tại Sở GDCK Hà Nội. Trong những năm vừa qua, thị trường TPCP đã có những bước phát triển mạnh mẽ, khẳng định vai trò là kênh huy động vốn hiệu quả cho ngân sách nhà nước (NSNN), trở thành kênh đầu tư an toàn, hiệu quả cho nhà đầu tư và là một bộ phận quan trọng trong thị trường tài chính Việt Nam. Trong giai đoạn từ năm 2009 đến nay, với khung khổ pháp lý ngày càng hoàn thiện, công tác điều hành thị trường TPCP linh hoạt, phù hợp với yêu cầu quản lý ngân quỹ và nhu cầu của thị trường, thị trường sơ cấp TPCP đã có những kết quả tích cực

Theo đó, về quy mô huy động, trong giai đoạn 2009 - 2019, kênh phát hành TPCP đã huy động được 1,96 triệu tỷ đồng cho NSNN, bình quân đạt khoảng 175 nghìn tỷ đồng/năm, gấp khoảng 4 lần so với giai đoạn 2000 - 2008, trong đó 71% khối lượng phát hành là kỳ hạn dài từ 5 năm trở lên.

Đặc biệt trong giai đoạn 2015 - 2019, khối lượng phát hành TPCP đạt trên 230 nghìn tỷ đồng/năm, tăng 55% so với bình quân giai đoạn 2009 - 2014, trong đó 93% khối lượng phát hành là dài hạn, có kỳ hạn từ 5 năm trở lên. Theo đó, thị trường TPCP đã trở thành kênh huy động vốn trung và dài hạn chủ yếu của Chính phủ tại thị trường trong nước.

Quy mô thị trường TPCP đến hết tháng 11/2019 bằng 25,1%GDP kế hoạch năm 2019, tăng 2,5% so với cuối năm 2018 và gấp 12 lần so với năm 2009. Khối lượng giao dịch bình quân phiên trong 11 tháng đầu năm 2019 đạt 9.000 tỷ đồng/phiên, tăng 24 lần so với năm 2009, bằng 0,9% dư nợ trái phiếu niêm yết.

Trong 10 năm qua, thị trường TPCP Việt Nam đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 27%/năm, mức tăng trưởng dẫn đầu các nền kinh tế mới nổi tại khu vực Đông Á cũng như khu vực ASEAN + 3.

Về kế hoạch phát hành, từ năm 2015 đến nay, căn cứ vào chỉ tiêu huy động vốn cho NSNN và cho đầu tư phát triển đã được Quốc hội phê duyệt, Kho bạc Nhà nước xây dựng và thông báo kế hoạch phát hành trái phiếu cho cả năm và kế hoạch huy động dự kiến của từng quý, tạo điều kiện cho các thành viên có kế hoạch chuẩn bị nguồn vốn tham gia vào các phiên phát hành TPCP.

Về phương thức phát hành trái phiếu, Kho bạc Nhà nước tập trung phát hành theo phương thức đấu thầu để tăng tính cạnh tranh và công khai minh bạch trong tổ chức phát hành trái phiếu. Công tác phát hành trái phiếu ngày càng được chuẩn hóa theo thông lệ quốc tế, các kỹ thuật phát hành mới như: phát hành bổ sung, tổ chức các đợt hoán đổi TPCP đã được thực hiện nhằm giảm số lượng mã trái phiếu niêm yết, tăng quy mô của một mã trái phiếu và tăng thanh khoản của thị trường.

Về đa dạng hóa sản phẩm và kỳ hạn phát hành, trước năm 2011, trên thị trường trái phiếu chỉ có sản phẩm trái phiếu truyền thống với kỳ hạn dưới 10 năm, giai đoạn 2011 - 2019 cùng với việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, việc nghiên cứu và phát triển các sản phẩm mới trên thị trường trái phiếu đã được chú trọng để đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư. Bên cạnh trái phiếu có lãi suất cố định còn có trái phiếu không trả lãi định kỳ, trái phiếu có kỳ trả lãi dài hơn hoặc ngắn hơn kỳ trả lãi chuẩn.

Bộ Tài chính đã phát hành đa dạng các kỳ hạn để hình thành đường cong lãi suất chuẩn trên thị trường trái phiếu, kỳ hạn phát hành rất đa dạng từ 3 tháng đến 3 năm, 5 năm, 7 năm, 10 năm, 15 năm, 20 năm và 30 năm để nâng cao khả năng huy động vốn cho ngân sách nhà nước và cơ cấu lại danh mục TPCP theo hướng bền vững.

* PV: Cùng với thị trường sơ cấp, thị trường TPCP thứ cấp cũng không ngừng gia tăng “chiều sâu”. Ông có thể làm rõ hơn về đánh giá này?

- Ông Nguyễn Hoàng Dương: Thị trường TPCP liên tục tăng trưởng trong hơn 10 năm qua, đóng vai trò quan trọng trong công tác huy động vốn cho NSNN. Song song với công tác điều hành hiệu quả thị trường sơ cấp, thị trường thứ cấp TPCP cũng được Bộ Tài chính quan tâm phát triển nhằm tăng cường thanh khoản trên thị trường.

Theo đó, hệ thống đăng ký, lưu ký đến niêm yết, giao dịch và thanh toán sau giao dịch liên tục được hoàn thiện, cập nhật theo thông lệ quốc tế, đảm bảo hoạt động giao dịch TPCP được triển khai ổn định, an toàn, tạo thanh khoản cho thị trường. Từ ngày 01/8/2017, chức năng thanh toán tiền giao dịch TPCP được chuyển từ Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam về Ngân hàng Nhà nước Việt Nam theo thông lệ quốc tế.

Nhờ đó, hoạt động phát hành, đăng ký, lưu ký, thanh toán, niêm yết và giao dịch TPCP luôn được vận hành an toàn, ổn định và thông suốt đồng thời góp phần đáng kể cho việc tăng thanh khoản trên thị trường TPCP.

Cùng với đó, các sản phẩm giao dịch trên thị trường thứ cấp TPCP ngày càng đa dạng đáp ứng nhu cầu đầu tư của thị trường, bên cạnh 02 sản phẩm cơ bản là giao dịch thông thường (outright) và giao dịch mua đi bán lại (repos), trên thị trường đã có sản phẩm bán kết hợp mua lại, giao dịch vay và cho vay;... Bên cạnh đó, sản phẩm hợp đồng tương lai TPCP 5 năm cũng đã được chính thức đưa vào giao dịch từ ngày 04/7/2019 và bổ sung công cụ phòng vệ rủi ro cho các nhà đầu tư.

Bên cạnh đó, để tăng thanh khoản trên thị trường thứ cấp, từ năm 2015, Kho bạc Nhà nước bắt đầu phát hành trái phiếu theo lô lớn, góp phần nâng cao chất lượng hàng hóa TPCP trên thị trường tài chính. Số lượng mã trái phiếu đã giảm từ mức khoảng 300 mã năm 2009 xuống còn 170 mã năm 2019, quy mô bình quân của các mã tăng khoảng 9 lần lên khoảng gần 6.000 tỷ đồng, trong đó đã có một số mã có quy mô lên mức 10.000 - 12.000 tỷ đồng.

Với các giải pháp nêu trên, khối lượng giao dịch TPCP tăng dần qua các năm. Hiện nay ở mức khoảng gần 9.000 tỷ đồng/phiên, tăng mạnh so với mức dưới 1.000 tỷ đồng/phiên giai đoạn 2009 - 2011. Các thông tin về giao dịch trái phiếu được công khai để phục vụ việc lựa chọn trái phiếu của nhà đầu tư.

* PV: Mặc dù vậy, một số ý kiến cho rằng, thị trường TPCP Việt Nam còn chưa thực sự đa dạng về sản phẩm, thành phần nhà đầu tư tham gia, cũng như việc hấp dẫn vốn ngoại. Ông chia sẻ gì về ý kiến này? Vì sao?

- Ông Nguyễn Hoàng Dương: Mặc dù thị trường TPCP Việt Nam có sự phát triển nhanh trong thời gian qua, các sản phẩm đã ngày càng đa dạng, hệ thống nhà đầu tư đã mở rộng với sự tham gia tích cực của các nhà đầu tư là tổ chức tài chính phi ngân hàng; tuy nhiên, vẫn cần tiếp tục có các giải pháp để phát triển hơn nữa về quy mô, đa dạng hóa sản phẩm và mở rộng cơ sở nhà đầu tư.

Cụ thể, một số sản phẩm như trái phiếu có lãi suất thả nổi, trái phiếu gắn với chỉ số lạm phát cần được tiếp tục nghiên cứu để triển khai khi các điều kiện của thị trường cho phép.

Đối với hệ thống nhà đầu tư, mặc dù đã có nhiều cải tiến theo hướng tăng cường sự tham gia của các nhà đầu tư dài hạn nhưng nguồn đầu tư từ các công ty bảo hiểm, các quỹ hưu trí còn hạn chế, thị trường còn thiếu các nhà đầu tư là các quỹ đầu tư chuyên nghiệp, các nhà đầu tư nước ngoài. Hoạt động của nhà tạo lập thị trường chủ yếu tập trung trên thị trường sơ cấp, vai trò trên thị trường thứ cấp mới bắt đầu được triển khai, nên chưa để lại nhiều dấu ấn rõ nét về khả năng thúc đẩy thanh khoản thị trường.

Bên cạnh đó, các công cụ phòng ngừa rủi ro tỷ giá và lãi suất trên thị trường tiền tệ, thị trường ngoại hối cũng cần phải được hoàn thiện hơn để thu hút nhiều các nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào thị trường vốn Việt Nam nói chung và thị trường TPCP nói riêng.

Trong thời gian tới, trên cơ sở cân đối nhu cầu huy động vốn cho NSNN và nhu cầu của nhà đầu tư, Bộ Tài chính sẽ nghiên cứu phát hành đa dạng các sản phẩm để đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư, phát triển nhà đầu tư dài hạn như các quỹ đầu tư, hệ thống quỹ hưu trí bổ sung tự nguyện; nghiên cứu đưa TPCP tham gia vào các rổ chỉ số trái phiếu quốc tế để thu hút nhà đầu tư nước ngoài tham gia đầu tư dài hạn trên thị trường TPCP.

* PV: Mặc dù đã có sự tăng trưởng ấn tượng, nhưng nhiều ý kiến đều cho rằng, thị trường TPCP Việt Nam vẫn còn rất nhiều tiềm năng. Ông có thể cho biết, đâu là các giải pháp trọng tâm để thị trường TPCP phát triển bền vững hơn nữa trong thời gian tới?

- Ông Nguyễn Hoàng Dương: Cùng với sự phát triển của nền kinh tế và thị trường vốn, trong những năm vừa qua thị trường TPCP đã có bước phát triển đáng ghi nhận, từng bước trở thành kênh huy động vốn cho đầu tư phát triển quan trọng của Chính phủ và kênh đầu tư an toàn, hiệu quả cho các nhà đầu tư trên thị trường tài chính.

Để tiếp tục phát triển thị trường trái phiếu, Bộ Tài chính đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1911/QĐ-TTg ngày 14/8/2017 về Lộ trình phát triển thị trường trái phiếu Việt Nam giai đoạn 2017 - 2020, tầm nhìn đến năm 2030 với mục tiêu phát triển thị trường TPCP ổn định, đồng bộ về các yếu tố cung - cầu; mở rộng cơ sở nhà đầu tư, tăng quy mô và chất lượng hoạt động, đa dạng hóa các sản phẩm, nghiệp vụ, đảm bảo thị trường hoạt động công khai, minh bạch, hiệu quả; từng bước tiếp cận với các chuẩn mực và thông lệ quốc tế. Theo đó, lộ trình đã mở ra những không gian mới cho thị trường trái phiếu Việt Nam tiếp tục phát triển, vận hành theo xu hướng và thông lệ quốc tế, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của các nhà đầu tư.

Để đạt được mục tiêu tại Lộ trình phát triển thị trường trái phiếu Việt Nam giai đoạn 2017 - 2020, trong thời gian tới, Bộ Tài chính tập trung thực hiện các giải pháp sau:

Đối với thị trường sơ cấp: phát hành đều đặn, liên tục các kỳ hạn để đáp ứng nhu cầu nhà đầu tư; tiếp tục tái cơ cấu sản phẩm để tăng tính bền vững của danh mục nợ TPCP; phát triển các sản phẩm mới trên thị trường trái phiếu để đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư.

Đối với thị trường thứ cấp: Thực hiện các giải pháp nhằm tăng thanh khoản trên thị trường, tăng quy mô giao dịch. Tập trung phát triển nhà tạo lập thị trường với đầy đủ quyền lợi và nghĩa vụ theo thông lệ quốc tế, triển khai nghĩa vụ chào giá cam kết chắc chắn 02 chiều đối với nhà tạo lập thị trường nhằm thúc đẩy phát triển thị trường thứ cấp.

Đối với phát triển nhà đầu tư: Tiếp tục khuyến khích Bảo hiểm xã hội tham gia mua, bán trái phiếu Chính phủ trên thị trường để cơ cấu lại nhà đầu tư trên thị trường trái phiếu; phát triển các quỹ hưu trí tự nguyện, các sản phẩm bảo hiểm hưu trí tự nguyện để tạo nguồn vốn đầu tư dài hạn trên thị trường; thu hút nhà đầu tư nước ngoài có nguồn vốn dài hạn tham gia thị trường.

Về phát triển định chế trung gian và dịch vụ thị trường: Hiện đại hóa công nghệ thông tin về hệ thống đấu thầu, đăng ký, lưu ký và niêm yết trái phiếu nhằm tăng tính thanh khoản của thị trường trái phiếu.

Về các giải pháp khác: Tăng cường phối hợp giữa chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa, tạo sự liên kết, cân đối và đồng bộ giữa thị trường tiền tệ, tín dụng và thị trường trái phiếu./.

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.