Thị trường vàng chưa bão hòa?

Thị trường vàng chưa bão hòa?
Giao dịch vàng miếng sụt giảm mạnh nhưng các doanh nghiệp cho rằng đây chỉ là sự trầm lắng tạm thời và nhu cầu của người dân vẫn còn nên khó có chuyện bão hòa.

>Chênh lệch giá vàng nội, ngoại còn 3,1 triệu đồng
>Ngân hàng nhà nước mở phiên đấu thầu vàng lần 69
>Vàng đấu thầu 'ế' có thể do cung, cầu bão hòa

Nhiều doanh nghiệp cho rằng thị trường vàng chỉ tạm lắng chứ không phải nhu cầu đã bão hoà
Nhiều doanh nghiệp cho rằng thị trường vàng chỉ tạm lắng chứ không phải nhu cầu đã bão hoà. Ảnh: Lệ Chi (VnExpress)

"Thay vì tấp nập khách như thời điểm này năm ngoái, giờ khách đến mua vàng miếng và nữ trang chỉ lác đác vài người với số lượng đôi ba chỉ đến một lượng", nhân viên của một cửa hàng vàng trên đường Lê Thánh Tôn, quận 1, TP HCM cho hay.

Đây cũng là tình cảnh chung của nhiều đơn vị kinh doanh vàng trong thời gian vừa qua khi giao dịch ngoài thị trường có xu hướng chựng lại. Một số doanh nghiệp kinh doanh lớn cho biết mỗi ngày mua bán chỉ vài trăm lượng.

Tại PNJ, doanh số mua bán hàng ngày do hệ thống ghi nhận chỉ đạt 600-700 lượng vàng, giảm vài trăm lượng so với tháng trước (trên dưới 900 lượng), còn nếu so với cùng kỳ năm ngoái giảm 4-5 lần. Trên thực tế, theo các doanh nghiệp, thị trường vàng bắt đầu chậm từ cuối năm ngoái. "Kể từ đó đến nay, số lượng giao dịch cứ mỗi ngày một giảm", ông Nguyễn Ngọc Trọng, Trưởng phòng kinh doanh PNJ chia sẻ.

Ngay cả một doanh nghiệp lớn như Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn-SJC, tình hình mua bán cũng không khá hơn. Đại diện đơn vị này cho biết, con số giao dịch mỗi ngày hiện chỉ dao động 1.000 lượng, ngày cao nhất không tới 2.000 lượng, chưa bằng 40% cùng kỳ năm ngoái.

Lý giải cho sự ngưng trệ này, ông Nguyễn Ngọc Trọng cho rằng, thị trường đang trong tâm thế chờ đợi. Những người đã mua vàng giá cao trước đây giờ chưa muốn bán, số khác sợ giá xuống nữa nên không mua vào vì thị trường thế giới chưa có tín hiệu tăng. "Chúng tôi cho rằng thị trường đang ở trạng thái chậm chỉ là nhất thời", ông Trọng nói.

Chung quan điểm, ông Cao Xuân Lãnh, Phó tổng giám đốc Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn-SJC nhận xét, do thời gian qua, giá vàng thế giới luôn trong xu thế đi xuống, kết hợp với tình hình kinh tế suy thoái dẫn đến đời sống của người dân gặp nhiều khó khăn. Do vậy, lực mua vàng miếng có phần chậm lại.

Ông Lãnh cho rằng, nhu cầu của người dân về vàng vẫn còn lớn. Đối với vàng miếng, thói quen mua về cất trữ rất khó thay đổi trong một sớm một chiều. Bằng chứng là trong hai ngày vừa qua, khi vàng miếng SJC về vùng giá dưới 37 triệu đồng, đã có nhiều người đến mua.

Theo ông Lãnh, điểm khác trước là do kinh tế còn khó, thu nhập ít đi nên số lượng vàng mà khách mua vào ít hơn và đa số là khách hàng nhỏ lẻ. Với các nhà đầu tư, do giá kim loại quý đang trong xu hướng đi xuống, chênh lệch giữa vàng nội và ngoại vẫn còn trên 3 triệu đồng một lượng nên họ thận trọng hơn khi quyết định tham gia thị trường lúc này.

Buôn bán ế ẩm, các doanh nghiệp lại co hẹp biên lợi nhuận tối đa để kích thích giao dịch, nhiều hôm độ vênh giữa mua và bán chỉ còn 30.000 đồng một lượng.

Ông Nguyễn Ngọc Trọng, Trưởng phòng kinh doanh PNJ bộc bạch, với tình hình hiện nay, công ty ông hầu như không đặt nặng chuyện lời lãi nữa. Bởi kinh doanh vàng miếng giờ chỉ chiếm dưới 1% hoạt động của công ty. Thay vào đó, PNJ dồn toàn lực vào vàng nữ trang vẫn đang là thế mạnh.

Tuy nhiên, vị Trưởng phòng này khẳng định PNJ không từ bỏ kinh doanh vàng miếng vì nhiều lý do như: đây là hoạt động nhằm duy trì một thương hiệu vốn đã xây dựng từ lâu. "Hơn nữa, khi khách đến mua bán vàng miếng thì sẽ biết đến vàng trang sức PNJ, tức kinh doanh cái này để hỗ trợ cái kia", ông Trọng giải thích.

Thừa nhận việc mua bán vàng miếng sụt giảm tất yếu sẽ ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh năm nay, nhưng vị Phó tổng của SJC cho biết, ngay từ đầu năm, khi chính sách quản lý thay đổi, cộng với việc đánh giá tình hình kinh tế khó khăn, SJC đã có kế hoạch hướng mạnh vào mảng nữ trang thay vì chỉ tập trung vào vàng miếng. "Do vậy, tuy thị trường có chậm lại, mảng kinh doanh vàng miếng bị sụt giảm, nhưng tính từ đầu năm đến nay, doanh thu từ mảng nữ trang tại SJC vẫn tăng trưởng trung bình hơn 25%", ông nói.

Song song với thực trạng trầm lắng của thị trường, các phiên đấu thầu vàng miếng gần đây của Ngân hàng Nhà nước liên tục bị thừa hàng dù số lần tổ chức chỉ còn một lần duy nhất trong tuần khiến câu hỏi thị trường vàng liệu đã bão hoà hay chưa lại được đặt ra. Trong buổi họp báo chiều 26/10, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú nhìn nhận, hiện tượng vàng đấu thầu liên tục thừa gần đây chứng tỏ thị trường có thể đã bão hòa về cung cầu.

Tuy nhiên, lãnh đạo một doanh nghiệp vàng lớn tại TP HCM có cách nhìn khác. Theo ông, việc vàng đấu thầu những phiên gần đây không hút khách, ngoài yếu tố giao dịch yếu còn do giá đấu quá sát với thị trường khiến doanh nghiệp sợ rủi ro. "Bởi không phải lúc nào mua vàng về cũng có mối bán hết trong ngày. Do đó, cần phải có một biên độ lợi nhuận nhất định để phòng ngừa rủi ro khi giá biến động", ông nói.

Câu chuyện có nên trả vàng miếng lại cho thị trường tự điều tiết trong bối cảnh cung cầu dần ổn định như hiện nay cũng được dư luận quan tâm. Trong một hội thảo mới đây, Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa, Thành viên ban cố vấn Chính phủ chia sẻ, thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đứng ra độc quyền xuất nhập khẩu vàng nhằm khôi phục lại dự trữ ngoại tệ, tạo điều kiện đưa vàng ra khỏi hệ thống ngân hàng. Sứ mệnh đó đã hoàn thành, nay nhà quản lý nên trả vàng lại cho thị trường, cho phép doanh nghiệp được xuất nhập khẩu vàng và Ngân hàng Nhà nước chỉ làm nhiệm vụ giám sát.

Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước đánh giá, việc đấu thầu vàng miếng thời gian qua đã phát huy hiệu quả bình ổn thị trường nhưng hiện nay chưa phải là thời điểm “buông” thị trường vàng miếng.

Dù câu chuyện nhà quản lý nên buông hay tiếp tục nắm thị trường vàng chưa ngã ngũ nhưng theo các chuyên gia, giá vàng thời gian tới sẽ tiếp tục ổn định. Ông Nghĩa phân tích, sự phục hồi của kinh tế thế giới đang ngày càng rõ nét có thể là bước đệm để giá vàng ổn định hơn.

Theo ông, giá vàng thế giới không còn những cơn sốt lên-xuống thất thường, các nhà đầu tư bình tĩnh, tự tin hơn vào triển vọng phục hồi của nền kinh tế thế giới, vì thế có thể vàng sẽ lấp lánh hơn.

Riêng ở Việt Nam, ông Nghĩa cho rằng, mục tiêu chính của Ngân hàng Nhà nước là bình ổn giá vàng, hạn chế các yếu tố tâm lý mang tính đám đông, ảnh hưởng đến sự ổn định của tỷ giá hối đoái. Do đó, ông tin rằng, giá vàng trong nước thời gian tới sẽ có xu hướng ổn định.

Theo VnExpress

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG