Thị trường vàng và chứng khoán: Nóng!

Thị trường vàng và chứng khoán: Nóng!
TP - Giá vàng tăng  vọt, thị trường chứng khoán đột ngột “nóng” khiến các nhà quản lý lo ngại trong bối cảnh bất động sản đóng băng, lãi suất ngân hàng không còn hấp dẫn. Dân có tiền và các nhà đầu tư đang loay loay...
Thị trường vàng và chứng khoán: Nóng! ảnh 1
Cửa hàng vàng Bảo Tín Minh Châu, Hà Nội lúc 16 giờ ngày 4/4/2006.
Ảnh: Hồng Vĩnh

Thị trường , đồng USD mất giá khiến nhiều người đổ xô đi mua vàng và đầu tư vào chứng khoán.

Giá vàng- Cú nhảy ngoạn mục

Mọi lần, mỗi khi Cục dự trữ  liên bang Mỹ (FED) quyết định tăng lãi suất là sự lo lắng của các nhà đầu tư lớn trên thế giới được xoa dịu. Thế nhưng tại lần tăng lãi suất USD lên 4,75% tuần trước (28/3), nước Mỹ đã không xoay chuyển được tình thế.

Với những lo ngại về giá dầu nóng trên dưới ngưỡng 67USD/thùng; nhu cầu cao về vàng trang sức cho mùa cưới tại Ấn Độ sẽ kéo dài hết tháng 5,  quan trọng hơn là dự báo kinh tế Mỹ đi xuống, đồng đôla tiếp tục trượt giá khiến các nhà đầu tư và nhiều  ngân hàng TW vẫn “một dạ” chọn vàng làm công cụ dự trữ.

Hôm qua, (4/4), giá vàng thế giới đã leo lên mức 587 – 588 USD/ounce ăn theo thế giới, giá vàng 4 số 9 SJC trong nước lập tức tăng mạnh tới 1,126 – 1,127 triệu đồng/chỉ. 

Theo phụ trách kinh doanh các cửa hàng, trái với bối cảnh vắng vẻ thường khi, cơn sốt giá vàng lần này đã thu hút sự quan tâm của không ít người. Người ta tìm đến mua vì hai lẽ: muốn chọn giữ vàng thay vì USD hoặc phải trả nợ.

Ông Lưu Quang Điền, phụ trách Cty kinh doanh vàng bạc đá quý SJC tại Hà Nội cho biết: Trong cú nhảy giá lên 1,1 triệu đồng/chỉ mấy ngày trước đây, bất ngờ có khá nhiều người dân Hà Nội đến cửa hàng của Cty mua vàng với lý do để trả nợ (vì họ sợ để lâu nữa giá vàng sẽ còn cao hơn).

Anh Nguyễn Hữu Đang, phụ trách kinh doanh vàng Bảo Tín - Minh Châu kể với Tiền Phong: Lượng người đến cửa hàng mua vàng không đông như đợt sốt năm ngoái nhưng có đến một nửa là những người đi rút tiết kiệm chuyển từ USD sang vàng.

Chị H, nhà ở Ngã tư Cửa Nam (Hà Nội) đang mua vàng tại đây cho hay: “Đọc báo chí, nghe các chuyên gia phân tích về sự mất giá của đồng đôla Mỹ, nên tôi hơi lo, thử chuyển từ gửi tiết kiệm bằng USD sang Euro và mua vài chục cây vàng giữ xem sao”.

Giá vàng những ngày tới có còn tăng? Các chuyên gia nhận định: Nếu giá thế giới trong một, hai ngày tới nhanh chóng vượt quá mốc 590 USD/ounce thì ngưỡng 600 USD/ounce chắc sẽ trong tầm tay.

Và như vậy, giá vàng trong nước phải tương ứng với 1,2 triệu đồng/chỉ.

Chứng khoán “nóng” - Nhà quản lý lo

Thị trường vàng và chứng khoán: Nóng! ảnh 2
Giá vàng tăng liên tục thời gian qua và vẫn chưa có dấu hiệu dừng  
Ảnh: Hồng Vĩnh

Ngày 3/4, ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đã có Công văn số 99/UBCK-PTTT gửi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đề nghị phối hợp quản lý rủi ro liên quan đến thị trường chứng khoán.

Theo UBCKNN, kể từ đầu năm 2006 đến nay, hoạt động giao dịch trên TTCK  diễn ra rất sôi động, có dấu hiệu tăng trưởng khá cao.

Chỉ số VN Index (đo sự lên xuống giá cổ phiếu của thị trường) đã tăng 216 điểm (tăng khoảng 70%) so với thời điểm đầu năm và đạt con số 523,32 điểm kết thúc vào phiên giao dịch ngày 3/4/2006.

Trước đây người ta mong từng ngày từng giờ TTCK Việt Nam mau lớn. Tại sao đến khi tăng trưởng cao, lại xuất hiện  tâm lý lo ngại?

Theo phân tích của UBCKNN (Bộ Tài chính), trong điều kiện quy mô thị trường chứng khoán còn nhỏ như hiện nay, hiện tượng tăng giá của các cổ phiếu trên thị trường xuất phát từ sự gia tăng các luồng tiền đầu tư vào thị trường chứng khoán, trong đó nguồn tín dụng từ các ngân hàng thương mại và Cty tài chính chiếm một tỷ trọng đáng kể.

Thống kê của Trung tâm giao dịch chứng khoán (TTGDCK) TP.HCM đến ngày 20/3/2006 có khoảng 13 triệu cổ phiếu các loại được cầm cố với tổng giá trị khoảng 751 tỷ đồng.

Trong số chứng khoán cầm cố nói trên, UBCKNN khẳng định: Có không ít nhà đầu tư vay tiền ngân hàng để đầu tư chứng khoán và tiếp tục cầm cố để được vay tiếp. Dấu hiệu này cho thấy hoạt động đầu tư trên thị trường chỉ mang tính ngắn hạn, hàm chứa sự rủi ro cho các nhà đầu tư trong trường hợp giá cả chứng khoán có nhiều biến động...

Giá vàng tăng cao, thị trường bất động sản đóng băng, đồng đôla Mỹ mất giá, các NHTM không còn dám vung tay tăng lãi suất tiết kiệm, chính những yếu tố này đã “cộng hưởng” tác động để thị trường chứng khoán với những yếu tố “thiên thời, địa lợi” đang sẵn có (như: các Cty niêm yết tại hai TTGDCK Hà Nội và TP. HCM phát triển tốt, các nhà đầu tư cổ phiếu nước ngoài quan tâm đến Việt Nam, tăng trưởng kinh tế tại Việt Nam được các tổ chức tài chính đánh giá cao...) tăng “nóng” thời gian gần đây.

Trao đổi với Tiền Phong, Giám đốc TTGDCK Hà Nội – Trần Văn Dũng cũng nhất trí với nhận định trên đồng thời nhấn mạnh: “Nguồn vốn dành cho thị trường chứng khoán đang lên cao. Rất nhiều nhà đầu tư ngay khi “thoát” khỏi thị trường bất động sản đã lập tức chuyển sang chứng khoán”.

Hạn chế rủi ro tiềm ẩn trên thị trường chứng khoán nói riêng và trong hệ thống tài chính - tín dụng nói chung, UBCKNN đã đề nghị NHNN quản lý chặt chẽ việc cho vay cầm cố bằng cổ phiếu để phòng ngừa những rủi ro đối với NHTM nói riêng và đối với thị trường vốn nói chung.

Trước đó, ngày 31/3, UBCKNN cũng đã yêu cầu các TTGDCK tăng cường quản lý và giám sát hoạt động giao dịch.

Theo ông Dũng, việc UBCK yêu cầu tăng cường công bố thông tin chính xác, kịp thời về tình hình các Cty niêm yết, đặc biệt là tình hình sản xuất kinh doanh, tài chính là rất hợp lý và cần thiết vì trong bối cảnh hiện tại, bất cứ thông tin nào liên quan đến nhà đầu tư đều rất nhạy cảm.

Đối với các nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư cá nhân còn ít kiến thức về chứng khoán, ông Dũng khuyến cáo: Nên xem xét thận trọng trước khi quyết định vì đã có trường hợp thấy giá lên là mua mà không cần biết giá đó có bị trả quá không. 

MỚI - NÓNG
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
TPO - Trung ương Đoàn thực hiện 3 công trình số hóa các di tích lịch sử, địa chỉ đỏ cho tỉnh Điện Biên nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, gồm: Điểm Di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng, Điểm Di tích Đồi A1 và Điểm Di tích Trung tâm đề kháng Him Lam (Đồi Him Lam), với tổng trị giá 300 triệu đồng.