Thị trường viễn thông vào cuộc đua mới

Thị trường viễn thông vào cuộc đua mới
Thị trường viễn thông VN đang có những bước chuyển biến tích cực với việc EVN Telecom và Hanoi Telecom chuẩn bị nhập cuộc. Giá cước được dự báo sẽ tiếp tục giảm...
Thị trường viễn thông vào cuộc đua mới ảnh 1

Theo nhận định của các chuyên gia viễn thông, năm 2006, giá cước sẽ tiếp tục giảm mạnh khi thị trường có thêm 2 nhà cung cấp dịch vụ mới là Hanoi Telecom và EVN Telecom.

Tuy chưa tiết lộ mức cước dịch vụ là bao nhiêu, song Giám đốc Cty Thông tin Viễn thông Điện lực (EVN Telecom) Nguyễn Mạnh Bằng cũng khẳng định, mức cước đối với mạng điện thoại di động 096 - E-Mobile sẽ đảm bảo thấp hơn các nhà cung cấp đi trước.

Ông Bằng nhận định, xu hướng trong thời gian tới, giá cước dịch vụ sẽ do người tiêu dùng quyết định. Khi ấy, họ sẽ căn cứ vào chất lượng dịch vụ và chế độ chăm sóc khách hàng và "mặc cả" về giá thành. "Dịch vụ di động khi ấy sẽ trở lên bình dân và dân chủ hơn với mọi người" - Ông nói.

Thị trường viễn thông sẽ cân bằng quân số giữa hai "phe" GSM và CDMA. 3 doanh nghiệp sử dụng công nghệ GSM là VinaPhone, MobiFone, Viettel và 3 nhà cung cấp sử dụng công nghệ CDMA gồm S-Fone, EVN Telecom và Hanoi Telecom.

Khi ấy, nói như Chủ tịch phụ trách chiến lược của Tập đoàn Viễn thông Hàn Quốc SK Telecom Dong Seob Jee thì: "Công nghệ nào phát huy tính ưu việt sẽ thắng thế".

S-Fone tại VN hiện đang triển khai CDMA 2000 1X, tức chỉ là giai đoạn đầu của một hệ thống 3G hoàn chỉnh. Song theo ông Roy Joon - Giám đốc Chiến lược S-Fone tại VN - Cty mẹ SK Telecom không hài lòng về những gì đang diễn ra với dự án của S-Fone tại VN.

Ban giám đốc S-Fone vừa tuyên bố về những kế hoạch "chấn động" trong năm 2006 để đảo ngược tình hình, trong đó có những giải pháp như phủ sóng toàn quốc, dự kiến áp dụng cách tính cước block tới 1 giây...

S-Fone sẽ tiến hành nâng cấp mạng CDMA 2000-1X lên công nghệ thế hệ 3 (3G) CDMA 2000-1X EVDO để khách hàng Việt Nam sớm được tận hưởng các dịch vụ giá trị gia tăng cao cấp trên nền băng thông rộng như dịch vụ xem video theo yêu cầu đầu năm 2006.

Năm 2006 cũng được dự báo là năm "bùng nổ" các dịch vụ giá trị gia tăng trên mạng di động khi mà các nhà cung ứng chính thức khai thác công nghệ EDGE và 3G.

Thêm vào đó, sự phát triển mạnh của ngành công nghiệp nội dung cũng sẽ góp phần làm thay đổi quan hệ giữa nhà khai thác và khách hàng. Con số dự báo về số thuê bao di động mới sẽ phát triển được trong năm 2006 sẽ đạt con số gần 10 triệu.

Hiện tại, VinaPhone đang có trong tay 3,9 triệu thuê bao, MobiFone 3,7 triệu, Viettel khoảng 2,2 triệu và S-Fone với 400.000 thuê bao.

Nhận xét về thị trường viễn thông, ông Nguyễn Mạnh Bằng cho rằng, thời gian qua, giá cước không còn là vấn đề chính mà cái lớn hơn là chất lượng dịch vụ.

"Chính vì muốn mang lại cho khách hàng dịch vụ tốt mà mãi chúng tôi vẫn chưa dám tuyên bố ra mắt dịch vụ khi chưa phủ sóng được toàn quốc" - Ông nói.

Phó Tổng Giám đốc Tổng Cty Viễn thông Quân đội Nguyễn Mạnh Hùng cũng thừa nhận, chưa bao giờ chất lượng dịch vụ lại trở thành vấn đề nổi cộm như năm 2005.

Tuy nhiên, với tốc độ đầu tư nhanh như hiện nay, chất lượng mạng di động của năm 2006 sẽ đảm bảo dễ thở hơn. "Điều này có thể thấy rõ nhất trong dịp Tết vừa qua. Không thể nói là hết nghẽn, nhưng tình hình đã sáng sủa hơn rất nhiều so với những năm trước. Trong đó, tỷ lệ cuộc gọi thành công và rớt mạng vẫn ở ngưỡng cho phép" - Ông Hùng nói.

Năm 2005, thị trường viễn thông chứng kiến một cuộc "so găng" của các nhà cung cấp dịch vụ. Người tiêu dùng "nghẹt thở" với những vụ nghẽn mạch, trục trắc kết nối.

Theo Thứ trưởng Bộ Bưu chính Viễn thông Trần Đức Lai, năm 2006, Bộ sẽ quản lý chặt hơn giá cước và chất lượng dịch vụ. Trong đó, các doanh nghiệp bắt buộc phải niêm yết công khai chất lượng đồng thời, hằng tháng phải báo cáo Bộ về chất lượng mạng lưới.

Các cuộc kiểm tra chất lượng mạng sẽ diễn ra thường xuyên hơn. Khi ấy, doanh nghiệp nào không đảm bảo chất lượng sẽ bị xử phạt theo đúng quy định hiện hành.

Theo Hồng Anh
Vnexpress

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.