Thị trường xăng dầu: Phải có sự tham gia của tư nhân

Thị trường xăng dầu: Phải có sự tham gia của tư nhân
Giá xăng dầu trong nước dù đã được xem là “thả nổi” theo giá thị trường, nhưng trên thực tế vẫn không “bắt nhịp” những biến động từ giá thế giới. Với người tiêu dùng, điều họ cần là một thị trường minh bạch.
Thị trường xăng dầu: Phải có sự tham gia của tư nhân ảnh 1
Quyền lợi người tiêu dùng phải đặt lên hàng đầu -Ảnh: Thanh Đạm

Các chuyên gia đã nêu ý kiến để giải quyết vấn đề này, từ nhiều góc nhìn khác nhau.

Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành: Đẩy nhanh cổ phần hóa

Thật khó lý giải tại sao các doanh nghiệp cùng im lặng, không giảm giá trong khi không phải doanh nghiệp nào cũng nhập số lượng xăng dầu dự trữ như nhau. Hiện người tiêu dùng chưa thể kiểm tra được các lý do “neo” giá xăng dầu trong nước.

Chỉ biết rằng khi giá cao cũng như xuống thấp, VN vẫn mua vào. Nước ngoài họ không làm cứng nhắc như vậy. Khi giá có xu hướng xuống, họ thường áp dụng biện pháp giao dịch theo ngày để có thể điều chỉnh linh hoạt.

Sự linh hoạt này thường thấy ở các doanh nghiệp tư nhân. Họ dám làm và khi làm thì dám đầu tư mua thông tin phân tích, dự báo uy tín, kinh nghiệm đảm bảo thành công.

Hiện thị trường xăng dầu VN vẫn “nửa nạc nửa mỡ”, 11 doanh nghiệp đầu mối thực chất vẫn là doanh nghiệp nhà nước. Petrolimex đang giữ vai trò điều phối thị trường và thực tế thời gian qua luôn là người quyết định giá.

Trong cam kết gia nhập WTO, VN có loại trừ chưa cho các doanh nghiệp nước ngoài tham gia thị trường phân phối xăng dầu.

Tuy vậy, như đã thấy ở thị trường bán lẻ, chúng ta đã mở hơn cả những cam kết đã ký. Doanh nghiệp bán lẻ 100% vốn nước ngoài đã được vào sớm hơn, kết quả là người dân được hưởng giá rẻ, dịch vụ phân phối tốt hơn. Vậy hoàn toàn có thể tính lại ở phân phối xăng dầu, với lợi ích người tiêu dùng là trên hết.

Trước mắt, theo tôi, để tăng tính cạnh tranh cho các doanh nghiệp xăng dầu, có thể cho xuất hiện vốn tư nhân trong các doanh nghiệp xăng dầu bằng cách cổ phần hóa mạnh, đồng loạt. 11 doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu, kinh doanh xăng dầu là nhiều, nhưng có lẽ chưa đủ cho một thị trường cạnh tranh nếu thiếu yếu tố nước ngoài hoặc tư nhân làm đối trọng.

Cần lập kho dự trữ xăng dầu quốc gia
(Ông Võ Trí Thành - Trưởng ban hội nhập kinh tế quốc tế, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương)

Để tăng tính thị trường, đặc biệt là thị trường xăng dầu, có nhiều cách thức. Thứ nhất là phải có cơ chế công bố thông tin, thứ hai là cơ chế giám sát, thứ ba là tạo cơ chế cho doanh nghiệp tham gia các nghiệp vụ giao dịch hiện đại và cho hình thành mạng lưới dự trữ xăng dầu quốc gia.

Xăng dầu là loại hàng hóa đặc biệt, đòi hỏi vốn và hệ thống phân phối lớn nên khó có thể có nhiều doanh nghiệp tham gia. Vì vậy trên lý thuyết, rất dễ hình thành độc quyền nhóm. Nên bên cạnh công cụ giám sát đặt tại các cơ quan chức năng, Nhà nước vẫn cần tạo lập và tăng mức độ cạnh tranh giữa các doanh nghiệp, không để chúng luôn cùng chung lợi ích và trong thế có thể thỏa hiệp. Muốn vậy, chúng ta cần những tiêu chí cụ thể để đánh giá và lượng hóa hành vi liên kết độc quyền.

Một công cụ rất quan trọng mà các nước vẫn dùng để điều tiết thị trường xăng dầu là lập kho dự trữ xăng dầu quốc gia. Với lượng dự trữ đủ mạnh, khi giá tăng, thấy cần thiết, Nhà nước có thể bán dầu từ kho dự trữ.

Đây là cách làm hiệu quả, thực tế ở nhiều nước đã thấy chúng có thể giúp giảm giá một cách tiết kiệm hơn là bỏ tiền trực tiếp bù lỗ cho các doanh nghiệp. Giá giảm mà Nhà nước vẫn thu được tiền, thậm chí có lãi.

Tất nhiên, không phải muốn là có thể lập ngay kho dự trữ vì chi phí rất cao. Đây là bài toán cần được giải giữa chi phí và lợi ích. Với một thị trường gần 100 triệu dân, tốc độ tiêu thụ dầu mỏ tăng chúng ta lại sắp lọc được xăng dầu thì đã đến lúc VN nên tính đến công cụ hiện đại trên nhằm đảm bảo an ninh năng lượng.

Chưa có động lực cho giảm giá

(Ông Vũ Đình Ánh - viện phó Viện Nghiên cứu khoa học, thị trường giá cả):

Đã là cơ chế thị trường thì giá phải theo đúng quy luật chung của thế giới. Không lẽ gì 100% xăng dầu VN nhập từ nước ngoài mà nước ngoài giảm mạnh, VN chỉ… nhúc nhích.

Về nguyên lý, doanh nghiệp có thể giảm giá vì lượng nhập dự trữ của họ không lớn. Nhưng phải nhìn ra vai trò chi phối của Petrolimex. Với hệ thống phân phối mỏng hơn, các doanh nghiệp nhỏ không dại gì giảm giá trước vì có giảm giá, chưa chắc đã bán được nhiều hơn, đủ bù cho khoản lợi nhuận giảm do giảm giá.

Hơn nữa, ngoài cạnh tranh, các doanh nghiệp còn phải hợp tác với nhau. Chỉ ví dụ một khả năng nhập hàng về chưa kịp, doanh nghiệp có thể phải đi vay. Các doanh nghiệp nhỏ vì thế càng không dại gì đứng ở vị thế đối đầu với doanh nghiệp lớn đầy tiềm lực, lợi chưa thấy đâu, hại đã ở ngay trước mắt.

Vì vậy, có thể nói các doanh nghiệp chưa có động lực để giảm giá.

Theo tôi, cách điều hành giá xăng dầu của tổ giám sát liên bộ Tài chính - Công thương cần có sự thay đổi. Không thể áp cơ chế xin phép tăng giá và giảm giá như nhau được.

Tăng giá, doanh nghiệp có động lực để xin và hành động mạnh mẽ. Giảm giá mà bắt họ tự nguyện thì… quá khó. Ít nhất, thời điểm không thể kịp thời như đáng ra phải thế hoặc họ sẽ đợi các bộ ngành nghiên cứu, họp, trao đổi xong, ra văn bản rồi mới giảm.

Sức ép giảm giá phải ngang bằng động lực tăng giá mới giúp người dân VN được hưởng giá xăng dầu như các nước khác một cách nhanh chóng và bền vững.

Theo Cẩm Văn Kình
Tuổi Trẻ

MỚI - NÓNG