'Thiền chứng khoán'

'Thiền chứng khoán'
Đã xuất hiện một số ngôn từ mới của dân chơi CK như “ngồi đồng”. Nhưng “ngồi đồng” chỉ là một trạng thái tĩnh vừa phải, trong khi người ta lại có thể ví von sự tập trung mãnh liệt của các nhà đầu tư (NĐT) nhỏ lẻ vào bảng điện tử như một trạng thái “thiền chứng khoán”.
'Thiền chứng khoán' ảnh 1
Ảnh: PhạmYên

Không khí nhộn nhạo của các sàn giao dịch chứng khoán (CK) đã vượt quá ngưỡng. Vào cuộc đấu giá cổ phiếu (CP), có hàng ngàn người chen chúc nhau để có thể kịp nộp phiếu đăng ký đấu giá, vì nếu chậm sẽ mất cọc. Quả là ít khi nào đám đông vừa đồng thuận vừa mâu thuẫn nhiều đến như thế. Tất cả mọi người đều hướng đến cùng một mục đích, nhưng lại giống như người đời bình phẩm “Nhà đầu tư chứng khoán giao du nhiều nhưng không đánh bạn với ai”.

Màu xanh

Chẳng mấy chốc, sàn giao dịch chính thức và không chính thức trở thành cục nam châm khổng lồ hút nguồn nhân lực và chất xám từ các văn phòng, công sở, trường học... đến hội tụ ở đó. Sự dịch chuyển dòng “tri thức” này thoạt đầu chỉ lác đác, tập trung vào một số người mới biết chơi CK. Nhưng dần dần, tâm lý đám đông phát huy tác dụng tổng lực của nó và kéo theo hàng ngàn người khác.

“Chế độ” ra sàn lúc đầu chỉ vào một đợt giao dịch trong phiên, nhưng sức hút đầu tư (hay đầu cơ) ngắn hạn đã khiến cho nhiều NĐT nhỏ lẻ buộc phải “bám trụ”, theo dõi thường xuyên các chỉ số CK, ít ra cũng trong buổi sáng. Vì thế, từ vài chục phút ra sàn, nhiều người đã bỏ cả buổi làm việc để nghiền ngẫm về hoạt động kinh doanh CK. Cũng chẳng mấy chốc, giám đốc các văn phòng và công ty phải khổ sở vì chuyện theo dõi và ngăn ngừa nhân viên của mình trốn việc đi chơi CK.

Để đối phó, một số nhân viên văn phòng tự tổ chức theo dạng “tổ tự quản”, phân công từng người thay phiên “trực” tại sàn CK để nếu có biến động gì thì kịp thời “báo cáo” cho anh em biết. Nhưng đến một lúc nào đó, cái hình thức “hợp tác xã” ấy có vẻ như thừa thãi, bởi ngay cả một số giám đốc công ty cũng tự nguyện giao lại công việc kinh doanh của mình cho cấp dưới hoặc người thân, còn mình dành thời gian để “trực” ở sàn.

Tình hình “bám sàn” cần mẫn như vậy tất đã dẫn đến một hệ quả rất đáng nghiên cứu về tâm lý. Đó là tâm lý “ghiền chứng khoán”. Ở nước ta, ngay cả một số đại gia cũng chưa luyện được thói quen sử dụng đội ngũ nhân viên môi giới để thay mình theo dõi giao dịch tại sàn, mà cứ phải trực tiếp quan sát và “ra lệnh” ngay tại sàn thì mới cảm thấy yên tâm.

Thế là ngồi riết đâm quen, từ quen đến ghiền, ngày nào không ra sàn chịu không nổi, từ đại gia đến các NĐT nhỏ lẻ cả buổi sáng cứ thao láo nhìn vào bảng màu điện tử không biết chán.

Với lại, không khí trong sàn cũng khá vui vẻ, đặc biệt vào những ngày “xanh”, thế nên bà con ở đây có thể chia sẻ với nhau được niềm vui thắng lợi. Bởi thế, có những người “ngồi đồng” buổi sáng chưa đã, buổi chiều vẫn lò mò bước chân vào sàn dù chiều không có giao dịch, chỉ để “phân tích kỹ thuật”.

Còn với những dân chơi CK chuyên nghiệp, thời gian dành để tính toán giá cả lên xuống của CP chiếm gần hết trong ngày, mà cứ phải ngồi ở sàn mới suy ngẫm có cảm xúc được, thế nên nếu Nhà nước có mở đến hai phiên giao dịch mỗi ngày, thậm chí tăng ca cả vào buổi tối thì có lẽ sức khỏe của họ cũng chẳng bị ảnh hưởng là bao, có khi còn được lên tinh thần là đằng khác.

Màu đỏ

Thị trường không thể cứ lên mãi được! Một lúc nào đó, trên các sàn giao dịch, màu đỏ đã thay thế cho tất cả các loại đồng hồ bấm giờ. Các NĐT nhỏ lẻ và cả các đại gia đến sàn không phải với ý chí ngùn ngụt phấn khích, mà thường với tâm trạng của kẻ bị hành xác.

Vào khoảng thời gian này, các sàn giao dịch trầm lắng một cách khác thường. Cứ hằng ngày, người ta lại tụ tập để bàn luận về những diễn biến mới nhất của TTCK và cố gắng dự đoán về những khả năng có thể xảy ra. Tự dưng cũng hình thành những câu lạc bộ không tên của các NĐT, phân chia theo thứ hạng và đẳng cấp rõ rệt, như nhóm của các NĐT ruồi, nhóm trung lưu, và nhóm của các đại gia - những người chuyên đầu tư cho loại cổ phiếu hạng sang blue chip. Tựu trung toàn là những gương mặt bí ẩn và những lời thì thầm bí mật.

“Thị trường vô lý!” - một NĐT nhà đầu tư chuyên nghiệp, đường đường là giám đốc một công ty CK thốt lên. Những ngày qua, ông ta thú nhận là chẳng biết TTCK biến thiên theo quy luật nào. Mà hình như cũng chẳng có quy tắc nào để các NĐT định chuẩn cho mình.

Không ngoài lý do đó, nhiều người bất chợt cảm thán về sự ma quái của thị trường. “Thích thì nó lên, buồn thì nó xuống, chẳng biết đường nào mà tính”. Thật thế, đã có những trường hợp NĐT có học vị tiến sĩ, giáo sư, nhưng càng tính càng nát, càng sa vào rừng rậm không có lối ra. Thà cứ tính như mấy bà nội trợ có khi còn có độ tin cậy cao hơn.

Thế đấy, TTCK vốn là một nghịch lý! Vì vào lúc chín muồi để người ta tin là nó “lên” thì nó lại “xuống”, còn khi người ta cầm chắc nó sẽ “xuống” hoặc không thể “lên” được thì đột nhiên nó lại vùng dậy. Hy vọng mới lóe ra, đã tưởng nó hồi phục thì nó lại quay ra “nằm ngang”...

Tuy vậy, tình trạng khá tệ hại của TTCK cũng làm cho một số người trở nên đỏ da thắm thịt vì không còn phải thức đêm mà được ngủ nướng đến 9h sáng. Trước đó vào giai đoạn nóng sốt, họ trở thành những chú lính chì vô cùng cần mẫn túc trực cả ngày lẫn đêm bên sàn CK.

Ngày thì ngồi “thiền” trong phòng giao dịch, đêm lại chong mắt trên màn hình vi tính để theo dõi giá cả của các CP trên thị trường OTC. Có nhiều trường hợp cả hai vợ chồng đều chơi CK nên họ đã lập ra một chế độ “trực đêm luân phiên”, cứ người này ngủ thì người kia thức và ngược lại.

Còn giờ đây, khi chẳng thể quyết định được mua gì và bán gì, họ đành án binh bất động, ngủ bù cho khỏe, lấy lại khoảng thời gian và sức lực đã bị tiêu hao nhiều sau những trận “xáp lá cà” cách đó không lâu. Cũng vì thế, vào thời gian này tỉ lệ cao huyết áp và tim mạch của những NĐT đó đã giảm hẳn.

Theo CAND

Nhắn tin để biết thị trường chứng khoán

Công ty Cổ phần phát triển Công nghệ Hà Thành và báo Tiền phong phối hợp thực hiện dịch vụ nhắn tin qua đầu số 8209 để biết 9 thông tin cơ bản trên thị trường chứng khoán.

9 thông tin đó gồm: 1. Kết quả giao dịch; 2. Chỉ số thị trường TP HCM; 3. Chỉ số thị trường Hà Nội; 4. 5 chứng khoán tăng giá mạnh nhất;5.  5 chứng khoán giảm giá mạnh nhất; 6. 5 chứng khoán giao dịch nhiều nhất; 7. Thống kê giao dịch theo tuần; 8. Thống kê giao dịch theo tháng; 9. Thống kê giao dịch theo năm.

Bạn đọc soạn tin theo cú pháp như hướng dẫn của bảng dưới đây rồi gửi đến số 8209. Mức cước phải trả là 2.000 đồng/bản tin.

'Thiền chứng khoán' ảnh 2

Báo Tiền phong – Cty CPPTCN Hà Thành

MỚI - NÓNG
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
TPO - Kiểm toán Nhà nước (KTNN) chỉ ra những thiếu sót, bất cập, đồng thời đưa ra khuyến nghị giúp các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoàn thiện, nâng cao hiệu quả quản lý tài chính công, tài sản công. Đáng chú ý, KTNN cũng cảnh báo một số doanh nghiệp có dấu hiệu mất an toàn về tài chính.
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.