Thiếu chủ động, thị trường gas tiếp tục hụt hàng

Thiếu chủ động, thị trường gas tiếp tục hụt hàng
Thị trường gas tiếp tục rối loạn trong những ngày gần đây do thiếu hàng, sau khi Nhà máy lọc dầu Dung Quất đột ngột tuyên bố tạm ngừng sản xuất để khắc phục sự cố vào ngày 8-8.

> Gas đồng loạt tăng 52.000 đồng/bình 

Giao nhận gas tại một cửa hàng trên đường Phan Đình Phùng, Q.Phú Nhuận, TP.HCM - Ảnh: Tuổi Trẻ
Giao nhận gas tại một cửa hàng trên đường Phan Đình Phùng, Q.Phú Nhuận, TP.HCM - Ảnh: Tuổi Trẻ.

Nhiều đại lý cho biết đã bị các hãng gas cắt hàng khiến nguồn cung bị “đứt” và bị người tiêu dùng phản ứng.

Thị trường gas đã có dấu hiệu thiếu hụt nguồn cung cuối tháng trước do Nhà máy lọc dầu Dung Quất ngừng sản xuất gần hai tháng để bảo dưỡng và chỉ hoạt động trở lại vào ngày 8-7, một số đơn vị đã tranh thủ khi giá gas thế giới tăng cao thực hiện việc gom hàng, đẩy giá bán lẻ lên cao.

Tuy nhiên, chỉ sau đúng một tháng hoạt động trở lại, Nhà máy lọc dầu Dung Quất lại ngừng đột ngột nên càng ảnh hưởng đến thị trường nội địa.

Đại diện Hiệp hội Gas Việt Nam cho biết, Nhà máy lọc dầu Dung Quất tạm dừng sản xuất để khắc phục sự cố diễn ra khá đột ngột, do đó việc thiếu hụt gas là điều khó tránh khỏi, đặc biệt với một số đơn vị chỉ mua lượng gas sản xuất từ Dung Quất mà không nhập khẩu.

Theo số liệu từ đại diện Nhà máy lọc dầu Dung Quất, hiện nay lượng gas cung cấp từ nhà máy chiếm gần 30% thị trường trong nước (khoảng 400.000 tấn/năm).

Do đó theo tính toán, lượng gas thiếu hụt do nhà máy tạm ngưng hoạt động từ ngày 8 đến 16-8, thời điểm nhà máy này hoạt động trở lại, vào khoảng 9.000 tấn gas.

Tuy nhiên theo Hiệp hội Gas, việc thị trường gas gặp xáo trộn một phần cũng do công tác dự trữ theo quy định (nghị định 107) không được các công ty gas thực hiện chặt chẽ.

Hiện nay, có gần 30 công ty gas đủ điều kiện nhập khẩu gas, tuy nhiên chỉ có khoảng 20 công ty nhập khẩu thường xuyên cung cấp cho thị trường trong nước. Do đó các công ty gas nhỏ (chiếm khoảng 70% số lượng các công ty gas) thiếu vốn, kho bãi... không thể chủ động dự trữ theo quy định sẽ bị thiếu hụt.

Trong khi đó, đại diện các đơn vị nhập khẩu và cung cấp gas như PVgas, Saigon Petro, Petrolimex, Shell Gas khẳng định đơn vị vẫn đảm bảo lượng hàng đưa ra thị trường.

Một lãnh đạo Công ty Kinh doanh sản phẩm khí (KDK) - thuộc Tổng công ty Khí VN (PVgas) - cho biết, ngày 18-8, đơn vị mới có thể tiếp nhận lượng gas nhập khẩu khoảng 40.000 tấn theo định kỳ để cung cấp cho thị trường.

Đối với lượng gas thiếu hụt từ Nhà máy Dung Quất, đơn vị đang chủ động tìm kiếm thêm các nguồn hàng khác từ Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc để giúp hạn chế thị trường xáo trộn.

Tuy nhiên, vị này cũng cho rằng phía Dung Quất đã không có cảnh báo sớm cho các doanh nghiệp để họ chủ động thị trường, trong khi đó các đối tác nước ngoài đã nắm thông tin khá chính xác tình hình này nên tranh thủ đẩy giá lên khá cao, tăng 70-80 USD/tấn đối với các hợp đồng mua gas đột xuất.

Theo L.Sơn
Tuổi Trẻ

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG