Thiều Quang biển đỏ

Thiều Quang biển đỏ
TP - Những người đàn bà Xuân Thiều đang phơi lúa bên đường Nguyễn Tất Thành, con đường biển 5 sao dài nhất Việt Nam. Vụ lúa cuối cùng trước khi giao ruộng lại cho thành phố tiếp tục mở mang đô thị.

Một người đàn ông Xuân Thiều từng khoác áo lính chế độ cũ, nay là tổ trưởng dân phố, bao năm âm thầm khuyến học trẻ nghèo. Một doanh nhân gốc Bắc là rể đất Xuân Thiều, tâm huyết đầu tư vào khu du lịch 4 sao mang tên Red Beach … 

Thiều Quang biển đỏ ảnh 1

Khu đô thị lấn biển Đa Phước trên trục đường biển Nguyễn Tất Thành cách Xuân Thiều không xa đang được xây dựng (trong ảnh là phối cảnh)

Red Beach - địa danh hằn sâu trong tâm khảm những người lính Mỹ từng tham chiến ở Việt Nam và cả với vợ con họ.

Doanh nhân Hoàng Tiến Dũng - chủ Khu du lịch giải trí biển Xuân Thiều, kể: Năm ngoái, tại bãi biển này, ông tình cờ tiếp xúc một nữ du khách khoảng 40 tuổi đến từ Folorida, Mỹ.

Sau khi tha thẩn khắp bãi biển, chụp ảnh quay phim, bần thần bên tấm đá trắng Non Nước khắc nổi mấy chữ “Red Beach Resort & Spa” phía trước khu nghỉ, người đàn bà mới thổ lộ, rằng mình thay mặt người cha đã già yếu để sang Đà Nẵng – Việt Nam tìm lại nơi này.

Cha của Christin, tên người phụ nữ nọ, chính là một trong những người lính Mỹ đầu tiên đổ bộ vào Việt Nam trên bãi biển Xuân Thiều này xế trưa ngày 8-3-1965.

Cuộc đổ  bộ là phát pháo mở màn cho cuộc “chiến tranh cục bộ” khốc liệt theo lệnh của Tổng thống Mỹ Lyndon B. Johnson vào chiến trường miền Nam. Không chỉ còn là súng đạn Mỹ, mà giờ đây cuộc chiến trực tiếp bằng con người, bằng xương thịt lính Mỹ, để rồi kết thúc bằng sự ngã xuống của trên 46 nghìn quân nhân Mỹ trên mảnh đất xa lạ, hơn 30 nghìn người khác về nước với thân thể tàn phế...

Thiều Quang biển đỏ ảnh 2

Những lính Mỹ đầu tiên đổ bộ vào chiến trường miền Nam trên bãi biển Xuân Thiều sáng ngày 8-3-1965 - ảnh TL

Cha của Christin không bị thương, nhưng vết thương tinh thần khiến ông khắc khoải. Tôi hỏi ông Dũng, không biết ông đã đọc cuốn “Chiến tranh Việt Nam – Được và Mất” của sử gia người Mỹ Nigel Cawthorne Nhà xuất bản Đà Nẵng ấn hành lần đầu tại Việt Nam năm 2007 chưa.

Cuốn đó in không nhiều, chưa được đưa lên mạng, lại điệp vào vô số sách về chiến tranh Việt Nam, nên không phải ai cũng có.

Trong đó có chi tiết chưa mấy ai biết, đó là người lính Mỹ đầu tiên bỏ mạng tại Đà Nẵng ngay trong ngày đầu tiên quân đội Mỹ đổ bộ vào miền Nam trên bãi biển Xuân Thiều, lại chính bởi đạn Mỹ. Sự việc diễn ra trong một cuộc tuần tiễu đầu tiên của lính thuỷ Mỹ bên ngoài những ngọn đồi phía tây Đà Nẵng.

Trên 3.500 lính thủy quân Mỹ theo tàu há mồm ngày ấy đổ bộ lên Xuân Thiều khá chật vật trong sóng to gió lớn. Theo ông Dũng, đó có thể là  lý do khiến lính Mỹ đặt ngay cái tên cho bãi biển này là Red Beach – bãi Biển Đỏ.

Bãi biển này, thường vào buổi sáng sớm hoặc chiều tà, nhất là khi trời lạnh, thời tiết xấu có sương xuống, ánh mặt trời khúc xạ qua những rặng núi phía tây chếch hướng đối diện làm cho mặt biển đỏ rực.

“Tôi quyết định đầu tư vào đây cũng từ cái màu đỏ gắn với sự kiện lịch sử có một không hai ấy. Vợ tôi quê ở đây, mười mấy năm trước đám cưới của tôi diễn ra trên bãi biển này, khi ấy còn hoang sơ”, ông Dũng trải lòng.

Dự định ông sẽ xây dựng một khu lưu niệm nhỏ mang tên Red Beach với tầng hầm, phòng trưng bày những chứng tích, hình ảnh, bút tích của những lính Mỹ ngày ấy, bây giờ khi quay lại Việt Nam.

Ông bảo, ở Mỹ hiện có những câu lạc bộ, những trang web mang tên “Biển Đỏ” của những cựu binh một thời ...   

Ông Nghiêm Do thú thực với tôi rằng, họ Nghiêm của ông hiện ở làng Xuân Thiều này rất ít, và cũng không rành rẽ cố hương phương nào, nhưng đã ở đất này bao đời rồi.

Gương mặt hiền từ, cung cách nói năng nhẹ nhõm chuẩn mực, nhưng cuộc đời người đàn ông vừa bước qua tuổi 60 này khá nhiều thăng trầm. Đang học tú tài thì bị bắt quân dịch, sung vào lính thông tin sân bay Phú Bài ở Huế.

Hai năm ở lính, đào ngũ mấy lần không thành nên ông bị chuyển làm lính bộ binh. Năm 1972, trung sĩ Nghiêm Do đào thoát hẳn về Xuân Thiều khi ấy còn hoang vắng, nằm im ở nhà. Giải phóng về, sau đợt học tập ở địa phương 7 ngày, ông  khoác áo nông dân từ ấy, khi chưa đầy 30 tuổi.

Người lớn trẻ con trong làng khi ấy do chiến tranh loạn lạc nên thất học khá nhiều. Ít nhiều chữ nghĩa học được, ông trăn trở muốn chia sẻ với bà con xóm làng.

Thế rồi, ban ngày ra ruộng, đêm về ông đứng lớp dạy bổ túc văn hóa. Từ những năm 1978 – 1979, ông tham gia Ban nông hội, phụ trách mảng kế hoạch của HTX Nông nghiệp xã Hoà Hiệp thuộc huyện Hoà Vang.

Năm 1997, chia tách tỉnh, Hoà Hiệp trở thành một phường của quận Liên Chiểu (nay là phường Hoà Hiệp Nam), ông Nghiêm Do được bầu làm tổ trưởng tổ dân phố 11 từ bấy đến nay, kiêm thêm công tác khuyến học, xoá đói giảm nghèo ở trường và địa phương.

“Con mình mấy đứa đầu do điều kiện kinh tế khó khăn thời ấy nên sự học cũng không như ý, khiến mình day dứt. Đứa gái út đang học năm cuối đại học, thế là ổn. Giờ cùng với mấy anh em bạn bè và bà con thôn xóm làm được một số việc giúp các cháu nhỏ nhà nghèo trong xóm đừng đứt học, bỏ học là vui lắm rồi”, ông Nghiêm Do cười nhẹ nhõm.

Đoạn cuối cung đường biển Nguyễn Tất Thành sắp mở tiếp đi qua làng biển Nam Ô. Ngư dân Bùi Nhờ đang ở trần tiếp chuyện cán bộ ban đền bù trên mảnh sân ngoảnh ra biển sắp sửa thu hồi giải toả. Giá đền bù có lẽ khiến ông không thoả mãn.

Cậu nhân viên đi rồi, ông quay sang tôi, vẻ phân trần : “Dự án mở đường, dân cũng phải chịu thiệt một phần bù vào hạ tầng. Biết vậy, nhưng cũng phải nói cho rõ ra, dân sẵn sàng ủng hộ”.

Lão ngư ăn sóng nói gió này một thời bị bắt quân dịch, khi giải phóng gần tiến vào đã quẳng súng bỏ về làm biển miết từ đó đến nay. Ông còn nhớ buổi lính Mỹ đổ bộ lên bãi biển trước nhà, khi ấy 15 tuổi còn chạy ra xem.

“Ba mẹ anh chị tiếp tế cho cách mạng, còn tui thoát không được phải đi lính địa phương quân gác vành đai phi trường. Nói thiệt, bây chừ cha con tui vẫn phải bám biển kiếm sống qua ngày, không dư dả gì, nhưng mà sướng, ưng làm chi cũng được, chứ như thời chiến tranh đạn lạc, thấy mà kinh ...”.         

Thiều Quang biển đỏ ảnh 3

Bãi biển Xuân Thiều và khu du lịch giải trí Red Beach bây giờ - Ảnh: Trần Tuấn

Hòa Hiệp Nam bây giờ có 49 tổ dân phố với khoảng 3.200 hộ dân, riêng khu vực Xuân Thiều có 20 tổ. Ghé nhà cựu chiến binh Phạm Viết Mười nguyên là chủ tịch xã Hoà Hiệp, hiện đương chức chủ tịch mặt trận phường, nghe ông phác sơ qua về một bãi biển Xuân Thiều ngày sau chiến tranh hoang sơ với dương liễu, xương rồng, sân bay dã chiến và cát, chứ đâu có con đường biển đẹp như tranh cùng những dãy phố san sát nhà cửa biệt thự cao tầng như bây giờ.

Câu chuyện nối về hiện tại, khi sắp tới có đến 5 tổ dân phố của Xuân Thiều phía trong bên này đường quốc lộ phải giải toả trắng, 6 tổ khác giải toả một phần ba để nhường đất xây dựng khu dân cư Hoà Hiệp 3, Khu đô thị Thuỷ Tú, chợ Nam Ô mới...

Thiều Quang biển đỏ ảnh 4
Ảnh: Trần Tuấn

Hội chủ đình làng Xuân Thiều, cụ Huỳnh Xướng trong câu chuyện, nhắc đến hai chữ “Xuân Thiều” một cách tự hào. Cụ dẫn tôi ra đình, chỉ vào đôi câu liễn trước cổng: “Xuân thu thiên cổ lưu truyền phước – Đông hạ thiều quang chấn thổ ban”.

Xuân Thiều lấy nghĩa từ chữ Thiều Quang – ánh sáng tươi đẹp của mùa Xuân. Rồi nơi đây sẽ đổi thay nhiều nữa, khang trang, tốt đẹp hơn, hy vọng là vậy.

Khi nãy, lúc tìm đường vào xóm trong, gặp những người đàn bà Xuân Thiều đang tranh thủ nắng gió rê lúa phơi bên đường biển. Bà Nguyễn Thị Mẹo, 49 tuổi, ở tổ 17, dừng tay cho biết, đây có lẽ là vụ lúa cuối cùng của gia đình trước khi giao đất để mở mang đô thị, người cũng phải chuyển đến nơi ở mới. Nhà có 5 sào rưỡi ruộng, tần tảo cũng đủ ăn, nay phải tính đổi nghề khác.

“Chưa biết thế nào. Chỉ mong khi về chỗ ở mới, có phố xá nhà cửa đông đúc, tính cách buôn bán chắc cũng đủ sống ...”.    

Chiều muộn, mặt trời gác núi phía sau lưng, ngóng mãi ra phía biển vẫn chưa thấy hiện lên sắc đỏ. Có lẽ tiết trời hôm nay thuận, biển hiền, không sương gió.

Chợt nhớ buổi trưa trung tuần tháng Bảy cách đây 3 năm, cùng cánh nhà báo, tôi ngồi trên chiếc phà bằng thép từ từ chui vào cái bụng khổng lồ của con tàu “há mồm” USS Peleliu của hải quân Mỹ đang đậu ngay vịnh biển Xuân Thiều này.

Con tàu là một bệnh viện khổng lồ trên biển khi ấy đưa theo 120 y bác sĩ của Mỹ và 7 quốc gia châu Á – Thái Bình Dương  trong một sứ mệnh hoà bình hoạt động y tế, nhân đạo từ thiện giúp dân nghèo nhiều nơi vùng ven Đà Nẵng.

Những cái bắt tay. Những nụ cười thân thiện. Không rõ có ai trong số hải quân Mỹ trên tàu là con em của những người lính từng đổ bộ lên dải cát này 45 năm về trước ?  

Dịp ấy tôi về Hoà Quý bên biển Ngũ Hành Sơn cùng Joan Ngọc Mỹ Nguyễn, cô gái 23 tuổi gốc Vũng Tàu sinh ra lớn lên ở Little Sài Gòn           (California), để ghi lại hình ảnh cô và nhóm bác sĩ trên tàu thăm khám, chữa bệnh phát thuốc cho người già, trẻ em. Nhớ mãi câu nói tiếng Việt còn hơi nhịu của cô nha sĩ tình nguyện viên : “Người Việt mình vui quá hả anh, gặp ai em cũng thấy họ cười...”.

Tấm hình con tàu “há mồm” hoà bình trên biển Xuân Thiều, và cả Ngọc Mỹ xinh đẹp bên những bệnh nhân Việt, có lẽ tôi sẽ tặng ông Dũng để đưa vào “kho ký ức” Red Beach của ông, một khi nó hoàn thành.    

Để có thêm một thiều quang xanh thẳm, bên biển Xuân Thiều...

4 - 2010.

MỚI - NÓNG
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
TPO - Trung ương Đoàn thực hiện 3 công trình số hóa các di tích lịch sử, địa chỉ đỏ cho tỉnh Điện Biên nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, gồm: Điểm Di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng, Điểm Di tích Đồi A1 và Điểm Di tích Trung tâm đề kháng Him Lam (Đồi Him Lam), với tổng trị giá 300 triệu đồng.