Thịt bò Kobe bị loại khỏi thực đơn

Thịt bò Kobe
Thịt bò Kobe
TP - Dù chưa cấp phép cho đơn vị nào nhập khẩu thịt bò Nhật Bản vào Việt Nam, nhưng phía Nhật cho rằng, Việt Nam là nước nhập khẩu thịt bò của nước này lớn thứ hai trên thế giới. Hiện các địa điểm kinh doanh, ăn uống thực phẩm có thịt bò Kobe ở Hà Nội “án binh bất động”.

> Thanh tra nguồn gốc thịt bò Kobe

Thịt bò Kobe
Thịt bò Kobe.

Lặn mất tăm

Ngày 27-12, chúng tôi đến khách sạn Vườn Thủ đô (số 4 Hoàng Ngọc Phách, Hà Nội) nơi từng bán phở thịt bò Kobe với giá 850 nghìn đồng/bát. Theo quan sát, menu trên bàn ăn của nhà hàng không còn ghi có phở bò Kobe. Một quản lý nhà hàng cho biết, trước đây, họ bán thịt bò Kobe, nhưng nay không bán nữa. Phía Cty nhập thịt bò cũng ngừng cung cấp.

Trên menu của nhà hàng giờ ghi có phở bò Mỹ giá 130 nghìn đồng/bát (giá đắt nhất), bò Úc 85 nghìn đồng/bát, còn phở nạm bò Mỹ 80 nghìn đồng/bát. Khi được hỏi nhà hàng dừng bán phở thịt bò Kobe từ bao giờ, chị này nói “cũng lâu rồi”.

Tiếp tục lần theo trang mạng www.thibonhapkhau.com (có địa chỉ ở 67 ngõ Thịnh Quang, quận Đống Đa, Hà Nội) nơi trước đó có rao giá thịt bò Kobe Nhật 3,5 triệu đồng/kg, thì trang này vẫn rao thịt bò Kobe Nhật Bản nhưng đã rút đơn giá.

Trao đổi với chúng tôi, bà Nguyễn Thị Thu Hà, nhân viên bán hàng của trang mạng cho biết, trang mạng này là của Cty CP thực phẩm Thiên Vương. Hiện cửa hàng chỉ bán thịt bò Kobe của Mỹ, Úc, giá cao nhất là thịt bò Kobe Mỹ 800 nghìn đồng/kg, thịt bò Úc 500-600 nghìn đồng/kg: “Thịt bò Mỹ, Úc tiêu thụ không nhiều, và chúng tôi cũng chỉ bán một hai tháng lại đây. Còn thịt bò Kobe của Nhật chúng tôi không bán, mà chỉ đưa lên mạng để mọi người tham khảo”- bà Hà nói. Tuy nhiên, một nhân viên của cửa hàng cho biết, nếu khách hàng muốn mua thịt bò Kobe “chính hiệu” sẽ giới thiệu.

Theo chỉ dẫn của một số khách hàng từng mua thịt bò Kobe, chúng tôi tiếp tục tìm đến cửa hàng Akuruhi, chuyên kinh doanh các loại thực phẩm nhập từ Nhật Bản. Khi hỏi mua thịt bò Kobe Nhật xịn làm quà biếu, một nhân viên của cửa hàng cho biết, “cũng dừng bán hơn một tháng nay”.

Theo nhân viên này, trước đây cửa hàng bán với giá khoảng 2,5-2,8 triệu đồng/kg: “Nhưng gần đây, cơ quan chức năng làm dữ quá, nên không nhập về được. Bán được cân thịt lãi vài trăm nghìn, nhưng khi bị bắt thì mất toi tiền vốn. Nhưng anh muốn mua, tuần sau cứ trở lại xem sao”.

Trao đổi với Tiền Phong, ông Nguyễn Đắc Lộc, Phó chi cục trưởng Quản lý thị trường Hà Nội cho biết, hiện không có đường nhập khẩu chính thống thịt bò Kobe từ Nhật Bản vào nước ta. Qua kiểm tra một số điểm kinh doanh buôn bán liên quan thịt bò Kobe trên địa bàn Hà Nội (52, 54 Lý Thường Kiệt), chỉ thấy thịt bò Mỹ, Úc… chứ không phải thịt bò Kobe Nhật. Tuy nhiên, nếu có thịt bò Kobe Nhật phải có giấy tờ, đặc biệt là chứng thư kiểm dịch. Nếu là giấy tờ giả, sẽ tịch thu tiêu hủy.

Bò Kobe vào Việt Nam bằng đường nào?

Chiều 27-12, ông Hoàng Văn Năm, Quyền Cục trưởng Thú y (Bộ NN&PTNT) cho biết, Cục Thú y chưa cấp phép kiểm dịch nhập khẩu thịt bò từ Nhật Bản cho bất cứ đơn vị nào. Thịt bò Nhật lâu nay vào Việt Nam là bằng chứng thư giả.

Theo lãnh đạo Cục Thú y, thịt bò Kobe Nhật xuất hiện ở Việt Nam có thể qua ba con đường, là thịt bò Kobe đóng trong container hàng tạm nhập tái xuất (hàng tạm nhập tái xuất không phải kiểm dịch), nên có thể bằng cách nào đó, hàng đó lại quay vòng, hoặc qua một nước thứ ba, thẩm lậu vào Việt Nam qua tiểu ngạch.

Thứ nữa, với các lô hàng thuộc diện kiểm dịch để nhập (chẳng hạn như thủy sản từ Nhật Bản), nhưng trong đó, có thể có vài tạ thịt bò Kobe núp bóng. Đây là vấn đề kiểm dịch ở cửa khẩu phải làm.

Mặt khác, hiện Cục Thú y cấp phép cho nhập khẩu thịt bò từ một số nước như Mỹ, Úc, Canada, New Zealand… Giống bò Kobe lại được nuôi ở một số nước đó, vì vậy, hình thức thịt bò giống bò Kobe về màu sắc, chất lượng có thể kém hơn thịt xịn, nhưng nhà nhập khẩu lại lập lờ, quảng cáo đây là loại thịt bò Kobe chính hiệu để lòe người tiêu dùng.

Theo Cục Thú y, để kiểm soát nhập khẩu thịt bò Kobe từ Nhật, ở cửa khẩu, các bộ phận liên quan gồm hải quan, thú y, kiểm dịch phải ngăn chặn. Còn lọt vào trong nước, thì cơ quan quản lý thị trường phải có trách nhiệm kiểm tra, xử lý. Được bán hay không, nguồn gốc như thế nào, thì đó là trách nhiệm của quản lý thị trường.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Chưa nghỉ lễ đã 'cháy' tour du thuyền vịnh Hạ Long
Chưa nghỉ lễ đã 'cháy' tour du thuyền vịnh Hạ Long
TPO - Những chuyến du thuyền ngắm vịnh Hạ Long đã được đặt kín từ 2-3 tháng trước nên dự báo không đủ sức cung ứng cho dịp 30/4-1/5 cho khách nội địa. Do đó, đại diện một số doanh nghiệp lữ hành chia sẻ rằng liên tục phải từ chối hàng chục cuộc gọi đặt tour này mỗi ngày trong thời gian gần đây.