Thịt lợn siêu thị giảm giá, chợ truyền thống vẫn ở mức cao

Giá lợn tại chợ truyền thống tại Hà Nội đi ngang dù lợn hơi đã giảm
Giá lợn tại chợ truyền thống tại Hà Nội đi ngang dù lợn hơi đã giảm
TPO - Giá thịt lợn hơi sau ngày nghỉ tết dương lịch tiếp tục giảm giá. Tuy nhiên, chỉ có thịt lợn thương phẩm tại siêu thị giảm giá theo còn chợ dân sinh vẫn đi ngang mức giá cao.  

Những ngày cuối của năm 2019, giá lợn hơi tuột mốc 100.000 đồng/kg. Đầu năm 2020, giá lợn hơi các tỉnh trên cả nước tiếp đà giảm giá, có nơi xuống đến mức 80.000 đồng/kg. Cụ thể, giá heo hơi xuất chuồng tại Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Hà Nội giảm nhẹ  xuống mức 86.000 - 90.000 đồng/kg.

Tại các tỉnh miền Trung, giá heo hơi giảm 2.000 - 4.000 đồng/kg. Giá heo hơi hôm nay tại miền Trung được thương lái thu mua tại chuồng là từ 80.000 - 90.000 đồng/kg.

Tại Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa thiên Huế giá heo hơi hôm nay cùng giảm 2.000 đồng/kg, xuống 81.000 đồng/kg. Trong khi đó, Bình Thuận ghi nhận mức giá heo giảm mạnh nhất, tới 4.000 đồng/kg, xuống 84.000 đồng/kg. Khu vực Tây Nguyên có Lâm Đồng giảm 2.000 đồng/kg, còn 87.000 – 88.000 đồng/kg.

Sau những ngày đạt mức giá kỷ lục, tại Đồng Nai, Long An, Hậu Giang..., giá heo hơi hôm nay cũng đã giảm còn khoảng trên dưới 82.000 đồng/kg, có nơi chủ trang trại chỉ xuất chuồng heo hơi với giá 81.000 đồng/kg.

Một chủ chuồng trại tại Thái Nguyên chia sẻ: “3 hôm nay giá heo giảm nên nhiều người nuôi heo lo lắng. Hiện giá lái buôn mua tại chuồng khoảng 82.000 đồng đến 83.000 đồng/kg loại đẹp.Thời điểm này nhà nào có lợn cũng lo nên cứ nuôi to, được trọng lượng trên dưới 120kg/con là xuất chuồng một phần vì lo giá hạ, phần nữa lo dịch vẫn chưa hết”.

Tại một số siêu thị, thịt lợn bắt đầu giảm giá khoảng 10.000- 20.000 đồng/kg. Cụ thể, tại siêu thị Big C Thăng Long, giá thịt đùi heo còn 131.000 đồng một kg, giảm 14.000 đồng so với tuần trước đó. Sườn non heo, thịt ba rọi, nạc dăm cũng lần lượt giảm 10.000-15.000 đồng một kg xuống 180.000 đồng, 170.000 đồng, 165.000 đồng.

Tại siêu thị Coopmart Hà Đông, ba rọi heo ở mức 167.000 đồng một kg, cốc lết 119.000 đồng một kg, chân giò 114.000 đồng một kg, nạc đùi, nạc dăm ở mức 140.000 đồng.

Trong khi đó, nhiều chợ truyền thống tại Hà Nội, giá thịt lợn vẫn duy trì ở mức cao. Tại chợ Hôm (Hai Bà Trưng, Hà Nội), giá lợn thành phẩm 140.000–170.000 đồng/kg tuỳ loại. Khi được hỏi vì sao giá lợn tại chợ chưa giảm giá khi lợn hơi đã giảm, chị Minh Thu, tiểu thương tại chợ Hôm cho biết: “Gía lợn hơi giảm có chút nhưng giờ không có lợn bán nên giá thành phẩm vẫn cao. Từ giờ đến Tết Nguyên đán vẫn có khả năng tăng tiếp”, chị Thu nói.

Hơn 12h trưa nay tại một khu chợ Kim Liên (Đống Đa, Hà Nội) thịt lợn vẫn còn khá nhiều. Một tiểu thương chia sẻ, gần đây giá thịt lợn cao nên tiêu thụ chậm, người tiêu dùng mua lượng ít đi hoặc chuyển sang các sản phẩm khác như cá, thịt gà... Tiểu thương chợ này cho biết, giá thịt lợn thành phẩm so với đầu tuần đứng giá chưa có dấu hiệu giảm giá.

Theo Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT), hiện đàn lợn cả nước khoảng 25 triệu con, đàn nái là 2,7 triệu con cơ bản đáp ứng được nguồn cung con giống cho sản xuất.  Nhiều cơ sở chăn nuôi đã tái đàn từ tháng 7/2019 và vẫn duy trì thường xuyên tăng đàn và tái đàn, nhiều mô hình chăn nuôi an toàn sinh học được duy trì và phát triển.

Đến nay, tình hình kiểm soát dịch bệnh ngày càng chủ động, đảm bảo duy trì được tổng đàn lợn có mặt thường xuyên từ nay đến Quý I/2020 ở mức 25-25,5 triệu con.

Nguồn thịt chủ yếu ở các công ty, trang trại và hộ chăn nuôi lớn. Đây là những cơ sở này có đủ điều kiện áp dụng chăn nuôi an toàn sinh học và kiểm soát tốt dịch bệnh.

 Theo Cục Chăn nuôi, hiện nhiều địa phương, cơ sở chăn nuôi không xảy ra dịch, đã chủ động tăng đàn, tái đàn rất tốt như Bắc Giang, Phú Thọ, Bình Định, Đồng Nai....,nhiều tỉnh chuyển đổi, tăng cường các vật nuôi khác như Bắc Giang, Hòa Bình, Bến Tre…

Ngoài ra, một số địa phương tổ chức dự trữ các mặt hàng thiết yếu, trong đó có nguồn thực phẩm cho nhu cầu cuối năm và Tết Canh Tý.

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.