Thổ Tang - Làng đi buôn

Thổ Tang - Làng đi buôn
Không có chính sách hỗ trợ nào của Chính phủ, nhưng người dân làng Thổ Tang (Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc) vẫn ngày đêm miệt mài tìm hướng tiêu thụ nông sản cho nông dân làm giàu cho bản thân và quê hương.
Thổ Tang - Làng đi buôn ảnh 1
Sơ chế chè xuất khẩu ở Cty Thương mại Hoà Bình (Thổ Tang)

Một lần đi chợ bò Mèo Vạc (Hà Giang) tôi gặp mấy anh lái bò người Thổ Tang, nghe qua những lam lũ của nghề rồi hứa hẹn một lần về Thổ Tang cho biết. Dân quanh đây vẫn quen gọi Thổ Tang là phố, dù chẳng ai công nhận.

Mà đúng phố thật! Từ quốc lộ 2 theo đường tỉnh lộ 34 khoảng 4 cây số, Thổ Tang sầm uất không kém bất kỳ phố thị nào. Hai bên đường nhà cao tầng san sát, lộn nhộn với ô tô, thùng, sọt (dụng cụ đóng hàng), nông sản. Chỉ có khác là nơi đây chẳng có cảnh đi dạo phố. Phụ nữ Thổ Tang đã quá quen với cảnh “Ăn với chồng nửa bữa - Ngủ với chồng nửa đêm”.

Thoáng ngỡ ngàng khi đứng trước trụ sở ba tầng khang trang không kém trụ sở của UBND huyện, một anh bạn đồng nghiệp đi cùng tôi chỉ vào gara ô tô: “Cậu xem kìa, chính quyền xã có 3 cái ô tô. Chuyện  hiếm có ở miền Bắc đấy!”.

Tại phòng tiếp dân, gần chục người đang chờ xin chữ ký, đóng dấu. Vị cán bộ xã nói  vọng ra: “Nhà báo chờ một lát nhé!”, rồi lại lúi húi ký, đóng dấu. Tưởng anh là cán bộ văn phòng, hóa ra là Chủ tịch xã Đỗ Xuân Tiến.

Tạm dừng công việc, anh phân bua: “Nhà nông có mùa có vụ, dân chúng tôi mùa vụ quanh năm. Bà con cần vốn đi buôn, chúng tôi tạo mọi điều kiện thuận tiện nhất để họ vay tiền ngân hàng. Làm 8 tiếng/ngày mà vẫn không hết việc. Phó chủ tịch xã và tôi thường trực ở cái bàn này ( trong phòng tiếp dân) để tiện giải quyết, đỡ nhiêu khê cho bà con. Có ngày ký cả trăm chữ ký, tay mỏi nhừ”.

Hỏi đến nghề buôn như đụng đến “bài tủ”, anh Tiến cung cấp thông tin một cách rành mạch, đầy đủ rồi kết luận: “Bọn mình làm tròn công việc chính quyền, không nói ngoa, một phần nhờ các bà xã ở nhà đi buôn đấy”.

Nói về truyền thống buôn bán, tuy không có thuận lợi (cận thị, cận giang) như nhiều địa phương khác nhưng từ thế kỷ 13 Thổ Tang đã được coi là vùng Kẻ Giang – Kẻ Chợ có tiếng. Và người đầu tiên học trường  Cao đẳng Thương mại Đông Dương (của Pháp) là nhà cách mạng nổi tiếng Nguyễn Thái Học, chính  người Thổ Tang.

Thổ Tang - Làng đi buôn ảnh 2
Thu mua hàng nông sản ở “phố” Thổ Tang

Buôn bán là nghề không dễ hình dung như nghề mộc, nghề xây, hay bất kỳ nghề nào khác. Vậy mà cứ đời này qua đời khác, cha truyền con nối. Nó khắc vào bản chất con người Thổ Tang đức tính chịu thương chịu khó, tần tảo, chi ly, tham công việc, tiếc thời gian.

Đàn ông Thổ Tang chẳng còn thời gian để cờ bạc, rượu chè, mà phải bôn ba để mưu sinh. Thổ Tang có 2786 hộ, 14.000 nhân khẩu, thì có tới 781 hộ kinh doanh buôn chuyến với doanh số hoạt động  từ một vài trăm triệu đến hàng tỷ đồng; 1500 hộ buôn bán vặt và nông sản thực phẩm.

Những tỷ phú “ chân đất”

Những ông chủ “chân đất” ở làng Thổ Tang lý lịch bao đời nay đều gắn với hai chữ “bần nông”, trình độ văn hoá chưa hết THPT, vậy mà trong tính toán làm ăn kinh tế và tính thích nghi với thị trường thì nhiều người “có học” cũng phải thua.

Hàng loạt các Cty do những ông chủ “chân đất” làng Thổ Tang thành lập như Cty Thương mại Hoà Bình, Doanh nghiệp bao bì Anh Mỹ, Doanh nghiệp Hải Cường... đều có doanh thu  vài chục tỷ đồng/năm. 

Đến thăm Cty Thương mại Hoà Bình, một doanh nghiệp tư nhân chuyên xuất khẩu chè, chúng tôi thực sự bất ngờ vì cơ ngơi bề thế của doanh nghiệp này. Anh Nguyễn Xuân Tửu, từ một nông  dân “chân đất”  chỉ biết nghề làm ruộng  với hai bàn tay trắng, nay đã là giám đốc Cty, doanh thu mỗi năm  vài chục tỷ đồng.

Năm 2004, Cty Hoà Bình xuất khẩu 5000 tấn chè sang ấn Độ, Ba Lan... Còn ông giám đốc của doanh nghiệp Hải Cường, Chử Văn Cường thì lại khiêm tốn: “Việc chúng tôi làm đã có gì đáng nói đâu”. Năm 2004, doanh nghiệp Hải Cường thu mua hơn 2000 tấn chè khô để xuất khẩu. Để có nguồn hàng ổn định đạt chất lượng, Giám đốc Cường đã ký hợp đồng và ứng tiền sản xuất cho  bà con nông dân ở Yên Bái, Hà Giang rồi thu mua chè.

 Đến thăm ông Đỗ Trung Kiên, một thương gia chuyên buôn hàng khô. Ông Kiên vừa chỉ đạo thợ lao động gom nốt số lạc loại vào góc kho vừa nói: “Tôi vừa đóng hết hàng, kiểm kê kho nên mới có thì giờ tiếp mọi người”.  “Buôn nông sản khó không bác?” – tôi hỏi. Ông Kiên cười lớn: “Thì cũng như nông dân cày ruộng thôi. Khác là họ cày bằng trâu thật còn chúng tôi cày bằng “trâu sắt”. Cày trên đường nhựa chắc dễ ngã hơn”.

Rồi ông Kiên bắt đầu kể về những rủi ro: “Dân chúng tôi buôn bán gia truyền nên khi bắt đầu bước vào thương trường là người ta tính toán cẩn thận lắm. Nhưng cũng không vì thế mà không gặp rủi ro. Hộ anh Lê Văn Kỳ trên đường vận chuyển trâu vào Nam, qua đèo Ngang bị đổ một xe, chết mất 11 con, đi toi vài chục triệu đồng; có người tin khách hàng bị lừa hàng trăm triệu tiền gạo; nhiều gia đình phải đổ cả xe mận đi vì tiêu thụ không kịp... Tất nhiên mỗi rủi ro sẽ là bài học cho họ và cho cả làng”.

Câu ví của ông Kiên khiến người ta dễ hình dung  cung cách làm ăn của người Thổ Tang. Con “trâu sắt” ở đây đa dạng lắm từ cái xe đạp, xe máy đến ô tô. Ông Kiên cũng bắt đầu từ chiếc xe Sim Son, ngay sau khi nghỉ chế độ năm 1985. Ông buôn bán tất cả những mặt hàng mà thị trường cần như ngô, sắn, gừng, nghệ, cau khô và bây giờ nhiều nhất là lạc nhân. 

Từ một nhà buôn nhỏ, gom hàng khắp các vùng giờ ông Kiên thành một đại gia chuyên làm công việc na ná như của một đại lý cấp I. Bà con trong xã  đi mua hàng ở các địa phương khác về bán lại cho ông. Ông thuê nhân công phân loại, sấy hàng theo đúng tiêu chuẩn, đóng gói rồi đóng công ten nơ chuyển đến các doanh nghiệp có tư cách xuất khẩu.

Người Thổ Tang như con nhện khéo đan mạng lưới thương trường ở khắp mọi miền đất nước và cả ở nước ngoài. Trong khi nhiều người trong số hơn 2700 hộ với  14.000 người ở Thổ Tang không biết đến Quyết định 80 của Chính phủ (tiêu thụ nông sản thông qua hợp đồng) là gì nhưng  họ lại đang miệt mài như những chú ong thợ làm cái việc mà nhiều doanh nghiệp Nhà nước luôn kêu  khó  để “xin” hỗ trợ. 

Năm  2004 Thổ Tang tham gia xuất khẩu 4000 tấn chè búp khô, 2000 tấn lạc nhân... hàng chục nghìn tấn vật liệu xây dựng; đây là con số không nhỏ giúp tiêu thụ nông sản hàng hóa cho nông dân.

MỚI - NÓNG