Thỏa thuận gia nhập WTO với Mỹ: Sẽ công bố chi tiết

Thỏa thuận gia nhập WTO với Mỹ: Sẽ công bố chi tiết
Sau khi ký kết chính thức thoả thuận kết thúc đàm phán song phương với Hoa Kỳ sẽ công bố toàn bộ nội dung cam kết gia nhập WTO. Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển đã cho biết như thế trong cuộc họp báo sáng nay (22/05).
Thỏa thuận gia nhập WTO với Mỹ: Sẽ công bố chi tiết ảnh 1
Bộ trưởng Trương Đình Tuyển tại cuộc họp báo sáng 22/5.

Theo Bộ trưởng, sở dĩ chưa công bố cam kết là do chưa kết thúc đàm phán hoàn toàn.

Theo ông Tuyển, về việc công bố đàm phán, Bộ Thương mại sẽ chủ trì cùng một số Bộ ngành trình Chính phủ một chương trình công bố cho các doanh nghiệp. Việc công bố sẽ được thực hiện sớm nhất có thể.

- Thưa Bộ trưởng, được biết, trong Hội Nghị Bộ trưởng Thương mại đầu tháng 6 tới, Giám đốc Cơ quan Đại diện Thương mại Hoa Kỳ sẽ không tham dự mà chỉ có quan chức Phó đại diện. Vậy việc ký kết thoả thuận kết thúc đàm phán WTO Việt Nam - Hoa Kỳ có diễn ra như mong đợi không?

- Hiện nay, nhân sự của Đại diện Thương mại Hoa Kỳ đang ở tình thế, quan chức lãnh đạo cao nhất chuẩn bị nghỉ, nhân vật mới được bổ nhiệm thay thế lại chưa được Quốc hội Hoa Kỳ phê chuẩn. Mà chỉ khi nào được Quốc hội phê chuẩn mới chính thức được công nhận là Đại diện Thương mại Hoa Kỳ. Tuy nhiên, tôi nghĩ bà Susan Swchab, người sẽ nắm giữ chức vụ Giám đốc Đại diện thương mại Hoa Kỳ đang có sự chuẩn bị tích cực cho chuyến đi sang Việt Nam.

Trong thông báo trước đây đã cho thấy, hai bên chuẩn bị để đi đến ký kết chính thức trong tương lai gần. Tôi nghĩ, phía Hoa Kỳ cũng đã có sự chuẩn bị, phía Việt Nam đã và đang chuẩn bị thực hiện những việc đã cam kết và phải làm ngay. Hai bên trực tiếp trao đổi qua email về những vấn đề đã thoả thuận. Nhìn chung, công việc trao đổi rất thuận lợi. Hai bên đang chuẩn bị khẩn trương để ký kết.

Tôi không thể nói chính xác 100% vào ngày nào sẽ ký kết nhưng chắc chắn hai bên sẽ ký kết sớm.

Có phải Mỹ đã xuống thang để sớm kết thúc đàm phán? Ông có hài lòng về kết quả đàm phán Việt - Mỹ

Hoa Kỳ không xuống thang, họ vẫn đỏi hỏi rất cao. Vấn đề là chúng ta chấp nhận cái gì và không chấp nhận cái gì. Đây là cuộc đàm phán căng thẳng nhưng cũng có nhiều điều rất thú vị.

Đây là thoả thuận mà hai bên còn nhiều điểm không hài lòng. Tôi không hài lòng và phía Mỹ cũng không hài lòng. Đơn giản vì có những điều cả hai mong muốn mà chưa đạt được.

- Đầu tháng 6, Việt Nam sẽ tổ chức Hội nghị các Bộ trưởng thương mại APEC, đây hẳn là cơ hội để Việt Nam vận động, tạo thuận lợi cho tiến trình gia nhập WTO sắp tới?

- Tôi xin nói rằng, tất cả các hội nghị APEC trong thời gian qua đều ủng hộ Việt Nam sớm trở  thành thành viên WTO. Tôi nghĩ, tại hội nghị này chắc chắn sự ủng hộ sẽ mạnh mẽ hơn. Vì quá trình đàm phán của Việt Nam cũng sắp kết thúc rồi. Riêng về PNTR là vấn đề riêng của Việt Nam và Hoa Kỳ, cả hai phía đang nỗ lực vận động Quốc hội Mỹ về vấn đề này.

Trong chuyến đi sang Hoa Kỳ với tư cách là đặc phái viên của Thủ tướng vừa qua, tôi đã gặp gỡ nhiều nghị sỹ và điều mà tôi cảm nhận được từ những nhận vật tôi gặp gỡ đều có xu thế ủng hộ Việt Nam.

- Sau khi kết thúc đàm phán song phương, quá trình đàm phán đa phương tiếp theo dự kiến diễn thời gian nào? Trong đàm phán đa phương chúng ta đang có những thuận lợi và khó khăn gì?

- Tiến trình đàm phán gia nhập WTO của Việt Nam theo hai kênh. Đàm phán song phương về mở cửa thị trường với 28 đối tác. Cho đến 3 giờ sáng ngày 12/5 chúng ta đã kết thúc đàm phán với đối tác cuối cùng là Hoa Kỳ.

Đàm phán Đa phương là đàm phán cam kết thực hiện các quy định của WTO. Chúng ta đã đàm phán 12 phiên. Dự kiến phiên tiếp theo sẽ tổ chức trong tháng 7 này và hy vọng đây là phiên đàm phán cuối cùng. Nếu còn phải gặp gỡ thêm một phiên nữa cũng sẽ tổ chức sớm để đạt được thoả thuận

Chúng ta xem xét mức độ mở cửa thị trường của các quốc gia gia nhập WTO sau; đánh giá sức chịu đựng của nền kinh tế Việt Nam. Cách tiếp cận của Việt Nam là cả gói. Vì vậy, nếu xét từng lĩnh vực chúng ta sẽ không có cái nhìn tổng thể được.

Có những lĩnh vực chúng ta mở cửa khá mạnh vì lĩnh vực đó chúng ta cạnh tranh tốt. Nhưng có những cái nhạy cảm có thể chúng ta mở không mạnh bằng các nước khác.

Trong đàm phán đa phương có thuận lợi cũng nhiều khó khăn. Điều thuận lợi là chúng ta đã có 20 năm đổi mới và ngày càng tiếp cận đầy đủ hơn với nền kinh tế thị trường. Đặc biệt, cuối năm ngoái, Quốc hội Việt Nam đã thông quan một loạt văn bản luật quan trọng như: Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư. Luật Sở hữu trí tuệ, trước đó chúng ta đã có Luật Thương mại sửa đổi và Luật Cạnh tranh... Điều này, tạo ra một sự đồng bộ cho nền kinh tế thị trường ở Việt Nam, là cơ sở cho Việt Nam thực hiện cam kết của mình trong gia nhập WTO.

Tuy nhiên, trong đàm phán đa phương cũng vấp phải những khó khăn mà có thể nhìn nhận trên hai khía cạnh. Thứ nhất, các nước càng gia nhập sau thi tiêu chuẩn càng cao hơn. Nếu so sánh với các nước gia nhập WTO trong giai đoàn 1995 - 2000 thì cam kết của Việt Nam đều ở mức độ cao hơn. Thứ hai, đối với những nước đang phát triển là không có sự công bằng giữa quyền lợi và nghĩa vụ: nghĩa vụ nặng nề nhưng quyền lợi lại không tương xứng.

Theo quan điểm của cá nhân tôi, cái quyết định là cải cách trong nước để tạo ra môi trường đầu tư kinh doanh tốt, huy động mọi nguồn lực trong nước cũng như thu hút đầu tư nước ngoài. Còn vào WTO chỉ là cái giấy chứng nhận mà thôi.

- Kết thúc đàm phán với Hoa Kỳ, cơ hội vào WTO trong năm 2006 là rất lớn. Theo Bộ trưởng, việc gia nhập WTO sẽ mang lại những lợi ích nào trực tiếp, có tác động ngay đến nền kinh tế đối với các nước thành viên?

- Nhìn một cách trực tiếp, khi trở thành thành viên WTO, cái mà các nước có thể "đút túi" ngay được khi gia nhập WTO chỉ có hai cái. Một là bỏ quota dệt may cho các thành viên WTO. Cái thứ 2 mà các nước có thể bỏ túi ngay nhưng Việt Nam lại chưa được vì các nước chưa công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường.

Nhưng cái lớn nhất là tạo tiền đề cho thương mại và đầu tư phát triển. Gia nhập WTO sẽ tạo ra một môi trường ổn định và tiên đoán được, tạo ra một hệ thống chính sách minh bạch và dễ dự đoán để các nhà đầu tư yên tâm làm ăn. Đây chính là cái được lớn nhất.

Theo Phước Hà
VietnamNet

MỚI - NÓNG
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến (bên phải) trao Quyết định cho bà Nguyễn Vũ Bích HIền.
Thành ủy Hà Nội trao quyết định về công tác cán bộ
TPO - Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội quyết định chuẩn y bà Nguyễn Vũ Bích Hiền (SN 1975), Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Khối các trường Đại học, Cao đẳng Hà Nội, tham gia Ban Thường vụ, giữ chức vụ Phó Bí thư Đảng uỷ Khối các trường Đại học, Cao đẳng Hà Nội, nhiệm kỳ 2020 - 2025.