Thoát nợ - Cách nào?

Thoát nợ - Cách nào?
TP - Thị trường BĐS đóng băng không chỉ gây khó khăn cho các doanh nghiệp BĐS mà còn ảnh hưởng tới thanh khoản của các tổ chức tín dụng bởi đồng hành với tồn kho, nợ xấu trong BĐS cũng tăng cao.

> Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng nói gì về gói 30.000 tỷ hỗ trợ BĐS?
> Người nước ngoài mua nhà: Đừng chối bỏ một nhu cầu

Diễn đàn kinh tế mùa xuân 2013 mới đây, Viện Kinh tế Bộ xây dựng đã công bố những con số dù không mới nhưng đủ khiến cả người trong và ngoài cuộc đều phải “nóng” mình.

Theo đó, năm 2011, tổng dư nợ cho vay BĐS là 348.000 tỷ đồng, con số này vượt hơn 1,8 lần so với con số đã được các ngân hàng công bố trước đây, tức khoảng xấp xỉ 200.000 tỷ đồng (theo Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia).

Cũng tài liệu trên, BIDV đã trở thành ngân hàng dẫn đầu về dư nợ cho vay xây dựng - hơn 42.000 tỷ đồng. Tiếp theo đó là Vietinbank - 41.000 tỷ đồng. Cả hai ngân hàng này đều có tỷ lệ cho vay BĐS và xây dựng chiếm 14% trong tổng dư nợ. ACB và Sacombank cũng nằm trong danh sách “top 10”.

Nhưng chiếm tỷ lệ cao hơn hẳn trong tổng dư nợ lại là những ngân hàng nhỏ như Phương Nam, Phương Tây, Đông Á - 26%. Còn SHB cũng có tỷ lệ cho vay xây dựng và BĐS chiếm đến 18% tổng dư nợ cho vay.

Rõ ràng, những tỷ lệ trên không thể được coi là an toàn so với điều mà các ngân hàng thường tuyên bố - tỷ lệ an toàn cho phép chỉ từ 3-5%. Theo đó, có khả năng đến 50% nợ BĐS và xây dựng đang có nhiều triển vọng trở thành nợ khó đòi.

Cũng trong báo cáo của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, tổng giá trị các khoản cho vay vào hai lĩnh vực BĐS và xây dựng của 10 ngân hàng có số dư nợ lớn nhất được thống kê là 147 nghìn tỷ đồng, bằng khoảng 73% dư nợ BĐS được các ngân hàng báo cáo cuối năm 2011.

Nếu so với con số điều chỉnh của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, tỷ lệ này chiếm 42%. Như vậy, nếu tính đúng và đủ trên cơ sở con số 348.000 tỷ đồng dư nợ BĐS mà Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia công bố, khoản dư nợ BĐS của 10 ngân hàng trên phải là 254.000 tỷ đồng, chứ không chỉ là 147.000 tỷ đồng theo báo cáo của ngân hàng.

Nợ xấu BĐS tại Việt Nam đến từ đâu? Một cách thẳng thắn: Nó bắt đầu từ việc thị trường này phát triển quá nóng, trong khi các chủ đầu tư không đủ tiềm lực tài chính, dựa quá nhiều vào nguồn vốn vay ngân hàng.

Khi thị trường BĐS chững lại, thanh khoản chậm và giảm giá mạnh, khả năng nợ BĐS trở thành nợ xấu rất cao. Nhưng trong bối cảnh khó khăn của nền kinh tế và sự tắc nghẽn của dòng vốn, giấc mơ sớm giải phóng được khối nợ xấu này, dường như thật mịt mờ.

Theo ông Đặng Đức Thành (Phòng Thương mại và Công nghiệp VN), tín dụng BĐS bị siết, khiến nhiều dự án bị ngưng trệ, nhà đầu tư rất khó vay tiền để mua nhà.

Nhiều doanh nghiệp đứng trước nguy cơ phá sản. Hệ thống ngân hàng cũng đang phải đối phó với một tình huống “lưỡng nan”.

Ngân hàng buộc phải thu hồi vốn cho vay đầu tư BĐS trong khi đó các doanh nghiệp lại đang gặp khó khăn và không có khả năng chi trả. Hiện các doanh nghiệp đều mong muốn “thoát” khỏi thị trường BĐS nhưng hàng không bán được, mà phá sản cũng không ai cho.

Thậm chí, nhiều doanh nghiệp còn muốn được ngân hàng “siết” nợ BĐS với giá bằng giá trị đã định giá trước đó, vì trước đó ngân hàng đã… lỡ định giá quá cao.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG