Thời của golf đang đến

Thời của golf đang đến
Lượng khách du lịch nước ngoài đến chơi golf tăng lên trong thời gian gần đây đã mở ra triển vọng mới cho ngành kinh doanh vẫn được coi là “quý tộc” ở Việt Nam.
Thời của golf đang đến ảnh 1

Các nhà đầu tư hy vọng rằng, nếu phí chơi golf thấp hơn, Việt Nam có thể cạnh tranh được với các nước trong khu vực ở lĩnh vực còn khá mới này. 

Tại Việt Nam, golf đang trở thành một sản phẩm du lịch mới. Theo ông Phạm Từ, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, khách du lịch từ Hàn Quốc đến Việt Nam trong mấy năm qua đã gia tăng đột biến, đạt hơn 300.000 lượt trong năm 2005.

Cứ với đà tăng trưởng như vậy, lượng khách từ “xứ sở kim chi” sẽ không lâu nữa đạt con số 500.000. Ông Từ cho biết, rất nhiều khách du lịch Hàn Quốc đến để chơi golf, vì Việt Nam là điểm du lịch hấp dẫn và rẻ.

Khách du lịch đến Việt Nam chơi golf là một xu hướng hoàn toàn mới. Trước đây, golf là môn chơi “quý tộc” dành chủ yếu cho các nhà đầu tư nước ngoài, các quan chức ngoại giao sống và làm việc tại Việt Nam, cộng thêm một số ít ỏi thành viên người Việt.

Tập đoàn Danao Holding đã xây dựng hai sân golf ở hai địa điểm du lịch nổi tiếng là Phan Thiết và Đà Lạt, nhưng kinh doanh không tốt do khách chơi ít.

Giờ đây, với dự báo lượng khách du lịch tiếp tục tăng trưởng cao, số lượng người Việt chơi golf tăng lên khi đời sống được cải thiện, nhiều nhà đầu tư đang đổ vốn vào lĩnh vực này.

Trên cả nước đã có 9 sân golf đi vào hoạt động và hàng chục dự án khác đang trong quá trình triển khai.

Hàng trăm tỷ đồng đang đổ vào các sân golf 18 và 36 lỗ ở Đồ Sơn (Hải Phòng), Móng Cái, Tuần Châu (Quảng Ninh), Đại Lải, Đầm Vạc (Vĩnh Phúc), Hòn Tre (Nha Trang), South Fork, Sea Links (Bình Thuận), Sài Gòn (TP.HCM). Theo quy hoạch được Chính phủ phê duyệt, đảo Phú Quốc sẽ xây dựng 4 sân golf.

Các nhà đầu tư nước ngoài cũng không chịu đứng ngoài cuộc. Một công ty Hàn Quốc đang đầu tư 22 triệu USD để xây dựng sân golf lớn nhất châu Á, với 54 lỗ, ở Lương Sơn (Hoà Bình).

Một công ty khác của Hàn Quốc đang xúc tiến dự án sân golf 36 lỗ tại Hà Tây, với tổng vốn đầu tư 22 triệu USD.

Mới đây, VinaCapital cũng đã ký kết với Đà Nẵng để đầu tư 100 triệu USD xây dựng sân golf 36 lỗ và tổ hợp biệt thự, khách sạn cao cấp.

Nhiều sân golf hơn cũng có nghĩa là cạnh tranh để thu hút khách chơi sẽ quyết liệt hơn.

Tuy nhiên, đối với ông Jeff Puchalski, Phó chủ tịch Tập đoàn Danao, đây lại là một tín hiệu đáng mừng. Nếu có thêm nhiều sân golf, sẽ dễ dàng hơn để quảng bá Việt Nam là điểm đến cho khách du lịch chơi golf.

Số lượng sân golf ở Việt Nam hiện còn quá khiêm tốn so với số lượng hàng trăm sân ở Thái Lan, Trung Quốc và Nhật Bản.

Danao đã và đang tích cực quảng bá Việt Nam ở thị trường Mỹ, trong đó có môn golf. Điểm thuận lợi hiện nay là, theo ông Jeff Puchalski, Việt Nam đang được thế giới và người Mỹ chú ý đến. Rất nhiều khách du lịch nước ngoài tỏ ra ngạc nhiên khi họ biết ở Việt Nam có sân golf.

Tuy nhiên, ông Jeff Puchalski nhận xét, mặc dù có rất nhiều dự án sân golf đã được cấp phép, nhưng không phải nhà đầu tư nào cũng tích cực triển khai dự án.

Nhiều nhà đầu tư còn chần chừ đợi số lượng người chơi golf tăng lên. Hiện nay, cả nước mới có khoảng 4.000 người chơi golf, trong đó, chỉ có khoảng 1.000 người chơi thường xuyên.

Phí chơi đắt là nguyên nhân làm lượng người Việt chơi golf còn ít. Người chơi phải bỏ ra hàng trăm triệu đồng để mua thẻ hội viên, sắm bộ đồ chơi golf.

Theo ông Jeff Puchalski, để kích thích các nhà đầu tư xây dựng sân golf cũng như nâng cao hơn nữa số lượng người Việt chơi golf, điều quan trọng trước tiên là phải thay đổi quan niệm về golf, coi đây là môn thể thao thông thường, hơn là một thú chơi xa xỉ.

Đồng thời, để giảm phí chơi cũng như để cạnh tranh với các nước trong khu vực nhằm thu hút khách du lịch chơi golf, thuế đánh vào golf phải giảm xuống.

Trước đây, golf bị đánh thuế tiêu thụ đặc biệt ở mức 20%. Hiện nay, thuế tiêu thụ đặc biệt đối với golf là 10%, cộng thêm 10% VAT. Trong khi đó, golf không bị đánh thuế ở Singapore và tại Thái Lan, chỉ phải chịu thuế VAT 7%.

“Để Việt Nam có thể cạnh tranh được, mức thuế đánh vào golf cũng nên ngang bằng Singapore và Thái Lan”, ông Jeff Puchalski đề xuất.

Theo Đầu tư

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.