Thời của tiền điện tử đang tới?

Thời của tiền điện tử đang tới?
Internet bùng nổ dẫn đến sự xuất hiện và phát triển như vũ bão của thương mại điện tử (e-commerce) đã khiến không ít người chợt nghĩ: một ngày nào đó tiền giấy sẽ không còn hiện hữu trong những phiên giao dịch.

Tiền điện tử được bắt đầu sử dụng từ những năm cuối của thập kỉ 90, nhưng loại tiền này vẫn còn quá ít so với việc sử dụng thẻ tín dụng. Được sử dụng với mục đích chính là giao dịch trực tuyến, các loại tiền này được phát hành bởi các công ty như Beenz.com, Flooz.com và một số các công ty khác.

Tuy nhiên, vào thời kì suy thoái năm 2000, rất nhiều công ty "dot-com" được thành lập, nhưng đã nhanh chóng bị đổ vỡ và trở thành công ty "dot- bom". Do đó, tiền điện tử còn là vấn đề cần phải cân nhắc và xem xét lại một cách kĩ lưỡng, cẩn thận hơn.

Nhật Bản: Tiền điện tử phát triển mạnh

Khái niệm "Tiền điện tử"

Tiền điện tử (e-money hay còn được gọi là digital cash) là một hệ thống cho phép người sử dụng cho có thể thanh toán khi mua hàng hoặc sử dụng các dịch vụ nhờ truyền đi các con số từ máy tính này tới máy tính khác.

Giống như serial trên tiền giấy, số serial của tiền điện tử là duy nhất. Mỗi "tờ" tiền điện tử được phát hành bởi một ngân hàng và được biểu diễn cho một lượng tiền thật nào đó.

Tính chất đặc trưng của tiền điện tử cũng giống như tiền giấy thật, nó vô danh và có thể sử dụng lại. Tức là, người mua hàng sẽ trả một số tiền nào đó cho người bán hàng và không sẽ có bất cứ phương thức nào để lấy thông tin về người mua hàng. Đó cũng là một đặc điểm khác biệt giữa tiền điện tử và hệ thống thanh toán thẻ tín dụng.

Tiền điện tử bắt đầu được sử dụng tại Nhật cách đây 4 năm dưới hình thức trả tiền vé tháng khi đi tàu xe. Ngày nay, chúng được tích hợp trong thẻ thông minh và ĐTDĐ để mua sắm từ những gian hàng nhỏ, những cửa hàng lớn, những nhà hàng, cho tới siêu thị, những cửa hàng bán lẻ...

Năm ngoái, NTT DoCoMo - hãng truyền thông lớn nhất Nhật Bản đã bán ra 3,34 triệu thiết bị cầm tay được trang bị công nghệ FeliCa kể từ tháng 4/2005. Trong năm 2005, số tiền thu được từ giao dịch điện tử tăng lên gấp đôi. Một số siêu thị lớn của Nhật đã thông báo rằng 40% những cuộc mua bán của họ sử dụng tiền điện tử.

Theo Viện nghiên cứu của Nhật Bản thì tới năm 2008, sẽ có tới 1/3 tổng số dân nước này sẽ sử dụng tiền điện tử.

Mỹ sử dụng tiền điện tử thế nào?

Chuyên viên phân tích cao cấp của Yankee Group, ông Joe Levine hoài nghi rằng tiền giấy hay tiền xu sẽ sớm "biến mất".

"Tạo ra một xã hội Mĩ mà chỉ sử dụng điện thoại di động và thẻ thông minh cần một sự cố gắng, đóng góp rất lớn từ những nhà cung cấp thẻ tín dụng, nhà cung cấp dịch vụ ĐTDĐ, các nhà máy và những cửa hàng bán lẻ...

Nhật Bản sở dĩ có thể tiến được những bước tiến lớn như vậy bởi vì những công ty như DoCoMo chiếm thị phần rất lớn trong ngành công nghiệp này. Chẳng hạn như DoCoMo chỉ cần đầu tư 900 triệu USD để đạt được 34 % vốn vào Sumitomo Mitsui Card- hãng thẻ tín dụng lớn thứ 2 của Nhật. Sau đó, hãng cung cấp thẻ tín dụng này đã bắt đầu phát triển những máy thanh toán tiền và ATM được sử dụng với các thiết bị cầm tay của DoCoMo."

Charles Goldfinger, nhà tư vấn cao cấp về tài chính, cũng đồng tình: "DoCoMo dường như nắm thế độc quyền về thị trường này và hãng này có tới gần 50 triệu thuê bao khiến cho tiền điện tử rất thành công tại Nhật Bản. Thị trường viễn thông của Mĩ hoàn toàn khác. Trên thực tế thì thị trường viễn thông của Mĩ  bị chi phối bởi vài nhà cung cấp viễn thông. Chính vì vậy, sự triển khai tiền điện tử trở thành chuẩn không hề đơn giản."

"Tạm biệt" tiền giấy ?

Tuy nhiên, nâng cấp hệ thống thanh toán sẽ tiêu tốn chi phí đầu tư của những hãng kinh doanh. Những nhà kinh doanh thường "bất đắc dĩ " mới đầu tư vào công nghệ nhằm đem lại sự tiện lợi cho khách hàng. Còn khách hàng thì lại luôn dè dặt khi sử dụng những công nghệ mới.

Chính điều này đã làm cho  sự thành công và sự ủng hộ cho tiền điện tử còn chưa cao. Cũng giống như trường hợp tiền giấy vẫn sẽ tồn tại sau khi séc được đưa ra. Vì vậy, khả năng tiền giấy sẽ cùng song song tồn tại với tiền điện tử. Đặc biệt, tiền điện tử cũng không thể loại bỏ hoàn toàn thẻ tín dụng (credit-card) và thẻ nợ (debit-card).

Tiền điện tử cũng sẽ cần thêm thời gian để thực sự trưởng thành. Khi những công ty cung cấp viễn thông chuyển sang công nghệ 3G, chúng sẽ là cơ sở hạ tầng cần thiết và vững chắc để hỗ trợ những phiên giao dịch, thanh toán trực tuyến bằng ĐTDĐ. Lúc đó, tiền điện tử sẽ thực sự "cất cánh", là điểm tựa vững chắc cho thương mại điện tử.

Theo Vietnamnet

MỚI - NÓNG