Thời khốn khó, đua nhau nuôi 'lợn tiết kiệm'

Thời khốn khó, đua nhau nuôi 'lợn tiết kiệm'
"Học hỏi các mẹ, nhà em bắt đầu nuôi lợn và sau một năm sáu tháng mổ ra được 6,6 triệu", một bà mẹ mừng rỡ chia sẻ trên diễn đàn.

Thời khốn khó, đua nhau nuôi 'lợn tiết kiệm'

> Ồ ạt khuyến mại, hạ lãi suất cho vay

"Học hỏi các mẹ, nhà em bắt đầu nuôi lợn và sau một năm sáu tháng mổ ra được 6,6 triệu", một bà mẹ mừng rỡ chia sẻ trên diễn đàn.

Chiêu tiết kiệm bằng ống heo đang là mốt trong thời buổi thắt lưng buộc bụng, lãi suất ngân hàng đi xuống
Chiêu tiết kiệm bằng ống heo đang là mốt trong thời buổi thắt lưng buộc bụng, lãi suất ngân hàng đi xuống.

Trào lưu nuôi lợn tiết kiệm đang thu hút nhiều chị em. Trên một diễn đàn dành cho các bậc làm cha mẹ, "Hội nuôi heo đất" đã được lập từ giữa năm 2012. Mỗi ngày các thành viên vào "báo cáo" xem hôm nay nhà mình đút lợn được bao nhiêu tiền, hôm nào mổ lợn được ít hay nhiều cũng vào khoe với những người khác, hoặc so sánh lợn nhà này "còi", lợn nhà kia "ăn cám tăng trọng".

Mục đích nuôi lợn của mỗi nhà một khác. Có gia đình nhét cả năm trời, đến cuối năm mổ ra lấy tiền sắm Tết. Cũng có gia đình mổ lợn hàng tháng, dùng tiền đó đóng hóa đơn điện, nước, Internet và truyền hình cáp. Bên cạnh đó, không ít người quyết định nuôi lợn lâu dài để "làm vốn" cho con, sau này lấy tiền đóng học phí.

Tuy nhiên, tất cả đều có một điểm chung, họ chọn nuôi lợn thay vì đến ngân hàng vì số tiền tích cóp mỗi ngày đều là những khoản nhỏ, không đáng để lọ mọ ra ngân hàng hoặc chuyển khoản bằng dịch vụ trực tuyến. Bên cạnh đó, lãi suất tiết kiệm ngày càng giảm tại các ngân hàng, mua vàng thì giá ngày một hạ không còn hấp dẫn các ông bố, bà mẹ.

Chị Thanh Thúy, một thành viên của câu lạc bộ nuôi heo chia sẻ kinh nghiệm, cứ mỗi lần có tờ tiền mệnh giá nhỏ nào dư ra không dùng đến lập tức chị đút ngay vào lợn, từ tờ 10.000 đến 100.000 đồng. Thỉnh thoảng có tờ 200.000 đến 500.000 đồng chị cũng cố gắng đút vào nhanh "kẻo tiêu hết".

Hoặc vợ chồng anh Hiếu, chị Diệp chia sẻ, từ khi mới sinh con, anh chị đã bắt đầu dành riêng một con lợn cất tiền họ hàng, bạn bè đến chơi mừng tuổi con. Khi nào được một món kha khá, chị lại mang đi đổi ra USD. Đến khi con 3 tuổi, chị "xuất chuồng" cho heo và thu được 1.200 USD.

Tiền lẻ mệnh giá nhỏ, khi tích lại vẫn có thể thành một khoản tương đối
Tiền lẻ mệnh giá nhỏ, khi tích lại vẫn có thể thành một khoản tương đối.

Nhờ nuôi heo, nhiều chị em cho biết họ học tập được tính tiết kiệm. Những khoản tiền lẻ tẻ nếu trước đây không để ý, có thể tiêu vèo cho những món đồ, dịch vụ không cần thiết thì nay đút vào heo và tiền vẫn còn nguyên. Chị Hồng ở Cầu Giấy nêu ví dụ, trước đây chị thường dành thời gian buổi trưa để đi gội đầu ngoài hàng, hết 30.000 đến 50.000 đồng, nay chị đút tiền vào lợn và tự gội ở nhà. Ngoài ra, trước đây chị thường không lấy lại tiền lẻ 2.000, 3.000 đồng mỗi khi đi taxi. Tuy nhiên sau khi nuôi lợn, chị thấy rằng kể cả tiền lẻ thì tích lại vẫn sẽ thành một khoản tương đối.

Cũng nhờ phong trào nuôi lợn, mặt hàng lợn các loại cũng vì thế mà bán đều đều. Phổ biến nhất vẫn là mặt hàng lợn đất, lợn làm từ thạch cao bán ở các quầy lưu niệm với giá từ 30.000 đến 80.000 đồng. Kỳ công hơn, nhiều người mua những con lợn mẫu mã đẹp, sơn vẽ cầu kỳ giá cả trăm nghìn đồng. Lợn nhựa tuy giá rẻ, nhưng ngày càng hiếm trên thị trường.

Để đỡ phí tiền khi đập heo, nhiều người nghĩ ra sáng kiến tận dụng ngay hộp sữa đã dùng của con, chỉ cần khoét rãnh ở trên nắp là các ông bố bà mẹ có ngay một ống tiết kiệm. Ngoài ra, trên thị trường cũng có những loại lợn có nắp ở dưới đáy hoặc ở mũi, chỉ cần xoáy ra là có thể lấy tiền. Tuy nhiên, những người "chuyên nghiệp" khuyên rằng ai thiếu kiên trì không nên nuôi loại lợn này. "Cứ mỗi lần cần tiền tươi để thanh toán khoản gì đó, họ lại mở lợn ra. Loại lợn này thì vỗ mãi sẽ chẳng bao giờ béo nổi", chị Hồng ở Cầu Giấy khuyên.

Theo Thanh Bình
VnExpress

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG