Thời trang hàng hiệu ồ ạt 'Bắc tiến'

Thời trang hàng hiệu ồ ạt 'Bắc tiến'
Nếu trước đó, TP.HCM được "nhắm" đến như một thị trường đầy hứa hẹn của các nhãn hàng thời trang cao cấp thế giới thì nay các hãng đều ồ ạt tiến quân ra Hà Nội. Phải chăng, họ nhận ra, đây mới là miếng bánh béo bở?
Thời trang hàng hiệu ồ ạt 'Bắc tiến' ảnh 1

Các thương hiệu mỹ phẩm, thời trang quốc tế ồ ạt tiến về Hà Nội - Ảnh: VietNamNet

Tiến về Hà Nội!

Ngoại trừ các tên tuổi đã có mặt cách đây khoảng 10 năm như Milano, Louis Vuitton, kể từ năm 2006 đến nay, thị trường thời trang cao cấp tại Hà Nội trở nên rất sôi động với sự xuất hiện liên tục của nhiều thương hiệu có tiếng khác.

Ngay trong khu mua sắm của khách sạn Sofitel Metropole trên đường Ngô Quyền, một loạt nhãn hiệu đẳng cấp như Salvatore Ferragamo, Bally, Chopard, Mont Blance, Cartier… đã cùng về làm “láng giềng” với Louis Vuitton.

Trong khi đó, trên các trục đường xung quanh bờ hồ Hoàn Kiếm, khu vực đường Lý Thái Tổ, đối diện Nhà hát lớn Hà Nội, các nhãn hàng từ Longchamp, Nine West, Clinique, Dunhill... đến những loại hàng hiệu phổ thông hơn như Zara, Esprit, Levi’s, Energie, Miss Sixty... đều đã định vị cho mình một chỗ đứng.

Nếu như Esprit và Nine West - thương hiệu nổi tiếng của Mỹ về giày dép và phụ kiện trang sức - đã khai trương cửa hàng đầu tiên tại Hà Nội thì thời trang Mango, sau vài năm kinh doanh hiệu quả tại TP.HCM, cũng tìm đường ra Hà Nội ngay từ tháng 2/2007.

Không chịu kém, đầu tháng 8 vừa qua, thời trang Lacoste của Pháp, do Công ty TNHH Danh Giá phân phối, cũng đã ra mắt cửa hàng đầu tiên tại tòa nhà Pacific trên đường Lý Thường Kiệt, sau nhiều tháng có mặt tại thị trường TP.HCM.

Cuối tháng 8, Boutique của Burberry - nhãn hiệu thời trang cao cấp nước Anh - cũng đã được Công ty Thời trang Duy Anh chính thức khai trương tại Trung tâm Opera, đường Tràng Tiền.

Trong khi đó, C.T Group, nhà phân phối các mặt hàng hiệu Calvin Klein, Tony Wear, Lancel... từ nhiều tháng nay đã gây ấn tượng bằng các tấm băng-rôn: “Opening soon” bao trùm cả mặt trước và sau của toà nhà đoạn đầu phố Đinh Tiên Hoàng, hứa hẹn sự xuất hiện rầm rộ của nhiều “hàng hiệu” nữa sắp tới…

Hà Nội - miếng bánh béo bở!

Thời trang hàng hiệu ồ ạt 'Bắc tiến' ảnh 2

Hà Nội có nhiều ưu thế để thị trường thời trang cao cấp phát triển. Ảnh: VietNamNet.

“Mọi người đánh giá thị trường TP.HCM cao hơn thị trường Hà Nội, nhưng đối với Lacoste thì không phải. Thị trường Hà Nội thực ra rất lớn!”, bà Thanh Hà - Giám đốc Công ty Danh Giá, nhà phân phối chính thức các sản phẩm của Lacoste tại Việt Nam khẳng định.

Bằng kinh nghiệm qua nhiều năm làm trong lĩnh vực mỹ phẩm, thời trang hàng hiệu và hoạt động kinh doanh từ 2 cửa hàng của Lacoste tại TP.HCM, bà Hà nêu lên thực tế: “Sau 2 tháng, chúng tôi khai trương trong Sài Gòn, thì gần như 70% khách hàng từ miền Bắc, đặc biệt là người Hà Nội vào mua".

Điểm khác biệt khách quan của thị trường Hà Nội so với TP.HCM, theo anh Lê Văn Sơn - Quản lý kinh doanh Salvatore Ferragamo - nhãn hàng nổi tiếng của Ý về da thuộc, đó chính là khí hậu. Hà Nội có 2 mùa thu, đông mà TP.HCM không có, trong khi lượng hàng bán theo mùa lại rất chạy.

Bên cạnh đó, với mức giá dao động từ hơn trăm đến vài nghìn USD cho một sản phẩm, đa số khách thuộc hàng thượng lưu như doanh nhân, quan chức… đều đến từ Hà Nội.

“Lúc trước, họ chỉ cần nghe trong TP.HCM có hàng mới về là sẵn sàng chi 1 khoản tiền máy bay vào mua rồi về. Còn giờ đây, có kênh phân phối trực tiếp tại Hà Nội thì rất tốt, họ mua luôn tại đây”, anh Sơn cho biết.

Trong khi đó, tại TP.HCM, chị Lan, phụ trách kinh doanh một hệ thống công ty chuyên phân phối mỹ phẩm, thời trang hàng hiệu, cho hay, nếu xét về lượng tiêu thụ thì sức mua trong Nam vẫn chiếm 60%, nhưng lượng tiền mua sắm, chi trả của dân Bắc lại lớn hơn.

Chị lấy ví dụ: “10 người trong Nam vào shop, có thể 8 người mua, song 10 người ngoài Bắc vào, chỉ có 2 người mua thôi nhưng mỗi chuyến họ mua giá trị lớn hơn hẳn số khách trong Nam".

Không chỉ sành điệu, chịu chơi, giới kinh doanh còn nhận định rằng, khách hàng ngoài Bắc thường khắt khe, chọn lọc, “gout” thẩm mỹ ưa phong cách, cá tính chứ không “dễ tính, thoải mái” như khách trong Nam.

Điều này phần nào lý giải tại sao, những thương hiệu thời trang càng cao cấp càng “nhắm” tới thị trường Hà Nội. Bởi, hàng trung cấp, giá bán trung bình yêu cầu về số lượng hơn, còn cao cấp, lượng bán ra tuy ít nhưng doanh thu cũng sẽ gấp 3, 4 lần mức bình thường - một nhà kinh doanh chia sẻ.

Cuộc đổ bộ còn tiếp diễn

Thời trang hàng hiệu ồ ạt 'Bắc tiến' ảnh 3
Còn nhiều thương hiệu sắp đổ bộ vào VN thời gian tới - Ảnh: VietNamNet.

Giám đốc Kinh doanh của Công ty An Trần, nhà nhập khẩu và phân phối kính mắt của nhiều thương hiệu từ hơn chục năm nay, anh Lê Văn Dứt, dự đoán: “Từ năm 2005, lượng tiêu thụ mắt kính hàng hiệu đã tăng gấp đôi so với trước đó, nhưng sắp tới, thị trường này vẫn sẽ phát triển thêm 25 - 30% nữa. Do đó, chúng tôi sẽ tiếp tục đưa nhiều thương hiệu mới như Byblos, Prada… vào Việt Nam.”

Đại diện các nhà phân phối mỹ phẩm, thời trang hàng hiệu như: Danh Giá, Phương Phát, C.T Group, Duy Anh, Thanh Bắc Đông Dương… cũng không che giấu dự định phân phối tiếp nhiều nhãn hàng thời trang thế giới vào Việt Nam.

Song, bên cạnh những triển vọng và dự báo tốt đẹp của thị trường, một số nhà phân phối hiện còn khá dè dặt vì thực tế, ngoài các vị trí “đắc địa” đã khá đông đúc hiện nay, Hà Nội vẫn chưa phong phú các trung tâm thương mại, các toà building sang trọng để đáp ứng được bước chân rộn rã cũng như các tiêu chuẩn theo đúng nghĩa “hàng hiệu” của thời trang cao cấp.

Theo Nguyễn Nga
VietNamNet 

MỚI - NÓNG
Tỉnh ủy Tuyên Quang công bố quyết định về công tác cán bộ
Tỉnh ủy Tuyên Quang công bố quyết định về công tác cán bộ
TPO - Ban Thường vụ Tỉnh ủy Tuyên Quang bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Việt - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giữ chức vụ Giám đốc Sở Nội vụ và kiêm nhiệm Phó Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy; bổ nhiệm ông Nguyễn Mạnh Tiến - Ủy viên Uỷ ban Kiểm tra Tỉnh ủy giữ chức vụ Phó Trưởng ban Dân tộc tỉnh.
Lý do giá vàng thế giới biến động mạnh
Lý do giá vàng thế giới biến động mạnh
TPO - Dù đang trên đà giảm, giá vàng thế giới có mức tăng nhẹ trong phiên giao dịch ngày 24/4. Khi tình hình chính trị ở Trung Đông chưa có thêm căng thẳng thì dữ liệu kinh tế Mỹ, lộ trình lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ lại tác động giá vàng.