Thống đốc Bình: Lắng nghe phản ánh của ngư dân để kịp thời có biện pháp tháo gỡ

Thống đốc Bình: Lắng nghe phản ánh của ngư dân để kịp thời có biện pháp tháo gỡ
Thống đốc Bình: Lắng nghe phản ánh của ngư dân để kịp thời có biện pháp tháo gỡ
“Trong tình hình phức tạp trên Biển Đông hiện nay, các ngư dân tham gia khai thác hải sản ở các vùng biển xa phải đoàn kết, liên kết với nhau để vừa khai thác vừa hỗ trợ lẫn nhau để mang lại hiệu quả kinh tế cao nhất và góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo”, Thống đốc Bình nhấn mạnh.

Cam kết cho ngư dân vay trên 190 tỷ đồng

Hôm nay 7/3, tại Quảng Ngãi, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) phối hợp với Đảng ủy khối doanh nghiệp Trung ương, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi tổ chức Hội nghị “Sơ kết hơn 01 năm triển khai Nghị định 67/2014/NĐ-CP ngày 07/7/2014 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản”.

Thông tin tại cuộc họp cho thấy: Đến nay, sau hơn 1 năm triển khai thực hiện, các ngân hàng thương mại đã ký hợp đồng tín dụng để đóng mới, nâng cấp 385 tàu (đóng mới 365 tàu, nâng cấp 20 tàu) với tổng số tiền gần 4.000 tỷ đồng. Mức cho vay theo nhu cầu của khách hàng từ 60% - 95% tổng giá trị đầu tư đóng mới, nâng cấp con tàu; tài sản bảo đảm là chính con tàu vay vốn đóng mới, nâng cấp. Giải ngân và dư nợ đến thời điểm báo cáo đạt gần 2.000 tỷ đồng.

Từ tháng 6/2015 đến nay, việc ký kết các hợp đồng tín dụng của ngư dân đã tăng lên đáng kể (số lượng hợp đồng tín dụng được ký kết tăng gấp 5 lần so với thời điểm 30/6/2015). Đến nay, đã có 84 tàu cá đóng mới và 12 tàu nâng cấp được hạ thủy đi vào hoạt động.

Tại hội nghị lần này, 14 hợp đồng tín dụng nữa được ký kết giữa các ngân hàng thương mại và ngư dân để đóng mới thêm 14 con tàu công suất lớn, hiện đại với số tiền các ngân hàng cam kết cho vay đợt này là trên 190 tỷ đồng.

Tiếp tục đưa thêm nhiều con tàu “67“ vươn khơi

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, ông Nguyễn Văn Bình - Ủy viên Bộ Chính trị - Thống đốc NHNN chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương cần bám sát chỉ đạo của Chính phủ, phối hợp rà soát, tháo gỡ các khó khăn của ngư dân trong việc tiếp cận các chính sách hỗ trợ của Nhà nước trong Nghị định 67. Vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định 89 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 67 và các bộ, ngành cũng đã kịp thời ban hành các văn bản hướng dẫn tháo gỡ cơ bản những vướng mắc của người dân, nhưng vẫn phải tiếp tục rà soát, lắng nghe phản ánh của ngư dân để kịp thời có biện pháp tháo gỡ.

Trong tình hình phức tạp trên Biển Đông hiện nay, các ngư dân tham gia khai thác hải sản ở các vùng biển xa phải đoàn kết, liên kết với nhau để vừa khai thác vừa hỗ trợ lẫn nhau để mang lại hiệu quả kinh tế cao nhất và góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo. Các địa phương nghiên cứu và tổng kết các mô hình tổ đội, hợp tác xã liên kết khai thác trên biển để hướng dẫn ngư dân tham gia. Thống đốc Bình cũng khuyến khích các mô hình liên kết theo tổ, đội khai thác trên biển có sự tham gia của các tàu hậu cần nghề cá, các cơ sở chế biến nhằm mang lại hiệu quả kinh tế cao nhất cho người dân.

Thống đốc cũng khẳng định Nghị định 67 là một chương trình, không phải là chính sách nhất thời, mà là chương trình xuyên suốt.

Tại hội nghị, hàng loạt các biện pháp đã được đề xuất để tiếp tục triển khai chính sách có hiệu quả như: Các NHTM tiếp tục cải cách trình tự, thủ tục thẩm định dự án, phương án vay vốn đóng mới, nâng cấp tàu của ngư dân theo Nghị định 67 theo hướng đơn giản, phù hợp với quy định của pháp luật và trình độ của khách hàng, không chồng chéo với thủ tục phê duyệt danh sách ngư dân đủ điều kiện vay vốn của UBND các tỉnh, thành phố. Tiếp tục chủ động tiếp cận với ngư dân được UBND tỉnh, thành phố phê duyệt để hướng dẫn ngư dân hoàn thiện hồ sơ đề nghị vay vốn.

Theo yêu cầu của Thống đốc, trong quá trình thẩm định hồ sơ cho vay nếu thấy ngư dân chưa đáp ứng đủ điều kiện vay phải có văn bản trả lời rõ ràng lý do không cho vay, đồng thời báo cáo Ban chỉ đạo triển khai Nghị định 67 của địa phương. Trong trường hợp ngư dân gặp khó khăn trong hoàn thiện hồ sơ đề nghị vay vốn, ngân hàng thương mại báo cáo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố, Ban chỉ đạo triển khai Nghị định 67 của tỉnh để được xem xét, giải quyết kịp thời.

Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh 28 tỉnh, thành phố tiếp tục chỉ đạo các ngân hàng thương mại trên địa bàn đẩy mạnh hơn nữa việc cho vay; thường xuyên cập nhật việc tiếp cận chủ tàu, việc tiếp nhận và tiến độ xử lý hồ sơ đề nghị vay vốn của ngư dân, phản ánh những khó khăn, vướng mắc vượt thẩm quyền cho Ban chỉ đạo triển khai Nghị định 67 của địa phương, các bộ, ngành liên quan, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho ngư dân trong quá trình cho vay.

Theo Theo Dân trí
MỚI - NÓNG