Thông quan điện tử: Doanh nghiệp thờ ơ

Thông quan điện tử: Doanh nghiệp thờ ơ
TP - Theo Chi cục Hải quan Điện tử TPHCM, đến ngày 12/4, có 68 doanh nghiệp tham gia làm thủ tục xuất nhập khẩu điện tử, trong đó mới chỉ có 4 DN có vốn đầu tư nước ngoài (DNNN).
Thông quan điện tử: Doanh nghiệp thờ ơ ảnh 1
Công chức HQ (Chi cục HQĐT TP.Hồ Chí Minh) đang theo dõi các DN làm thủ tục HQ qua mạng

“Từ đầu năm 2006, chúng tôi gửi giấy thông báo đến 5 DNNN và đề nghị làm thủ tục đăng ký khai Hải quan Điện tử (HQĐT), nhưng đến nay chỉ  4 DN đăng ký và mới có duy nhất 1 tờ khai của Cty điện tử Sam Sung Vina, nhưng cũng chỉ mang tính chất thử nghiệm”- Ông Đỗ Hữu Toàn-Phó chi cục trưởng Chi cục HQĐT cho biết.

Theo ông Toàn, có nhiều nguyên nhân khiến các DNNN dè dặt với HQĐT. Trước nhất từ chuyện bảo mật hệ thống dữ liệu. Để vào được hệ thống khai báo HQĐT phải có mật khẩu và mật khẩu còn là tính pháp lý của tờ khai HQĐT.

Vì vậy, đối với các DNNN, mật khẩu là chuyện rất “nghiêm trọng”, chỉ một vài người có vai trò nhất định mới được nắm giữ và sử dụng. Trong khi mỗi DN chỉ có một mật khẩu, nhưng lại thường có nhiều đầu mối độc lập.

Cho nên các DNNN phải mất nhiều thời gian tính toán, cân nhắc làm thế nào để mỗi đầu mối đều có thể sử dụng mật khẩu nhưng vẫn có thể dễ dàng kiểm soát và quy trách nhiệm khi cần thiết.

Theo Chi cục HQ cửa khẩu Tân Sơn Nhất, kể từ ngày 17/4/2006, sẽ áp dụng thủ tục kê khai HQĐT đối với hàng hoá nhập khẩu qua cửa khẩu hàng không Tân Sơn Nhất. Tuy nhiên, thủ tục HQĐT mới chỉ áp dụng cho các DN đã đăng ký kê khai HQĐT; đồng thời chưa áp dụng đối với loại hàng phi mậu dịch (hàng quà biếu). Như vậy, tính đến thời điểm trên, việc kê khai HQĐT đã được áp dụng tại các loại hình cửa khẩu, từ đường thủy, đường bộ đến đường hàng không. 

Kế đến, việc làm thủ tục HQĐT hiện mới chỉ áp dụng đối với loại hình DN kinh doanh và DN đầu tư sản xuất-kinh doanh. Trong khi đó, rất nhiều DN lại vừa đầu tư sản xuất, kinh doanh, vừa làm hàng gia công xuất khẩu.

Những DN “nửa nạc nửa mỡ” này thường bị vướng về quy định làm thủ tục HQ. Ông Toàn giải thích bằng một ví dụ cụ thể: Chẳng hạn, một DN điện tử nhập 1 container hàng gồm 500 chiếc tivi. Trong đó 300 chiếc sẽ gia công để tái xuất và 200 chiếc còn lại để tiêu thụ trong nước. Như vậy là vừa có gia công, vừa có kinh doanh.

Nếu khai HQĐT toàn bộ lô (container) hàng thì không được, còn quay lại hình thức khai HQ thủ công cũng không được nốt vì DN này đã đăng ký khai HQĐT rồi nên chỉ có thể làm thủ tục HQĐT. Trong khi đó, một lô hàng thì không thể chia đôi một nửa làm thủ tục HQĐT, nửa còn lại làm thủ tục HQ thủ công; hoặc cùng một lúc làm cả hai hình thức trên.

“Mặc dù rất muốn áp dụng hình thức HQĐT nhưng vì vướng quy định nên bản thân DN chúng tôi cũng như nhiều DN khác đâm ra thờ ơ với HQĐT”- Lãnh đạo một DNNN nói.

Hiện tại rất nhiều DN làm hàng gia công, đặc biệt các DN ngành dệt may, da giày đang trông chờ việc khai HQĐT để giải phóng gánh nặng nhân lực vì số lượng hàng tạm nhập tái xuất của các DN này rất lớn.

Ông Toàn cũng cho biết, Tổng cục HQ đang tiến hành xây dựng phần mềm khai HQĐT cho loại hình hàng gia công và theo kế hoạch đến cuối năm 2006 sẽ thí điểm khai HQĐT cho loại hình này.

Sở dĩ các DN làm hàng gia công rất cần đến HQĐT nhưng phải làm sau vì tính chất phức tạp của nó hơn gấp nhiều lần một số loại hình kinh doanh khác đã triển khai.

MỚI - NÓNG