Thông tin trái chiều về nền kinh tế Mỹ

Thông tin trái chiều về nền kinh tế Mỹ
Không còn phản ánh một bức tranh toàn màu xám, kinh tế Mỹ đã có những tín hiệu tích cực tác động tới triển vọng phục hồi kinh tế của nước này và toàn cầu. Tuy nhiên, những thông tin xấu bên cạnh đó vẫn đang đặt ra nhiều thách thức...

>> Chứng khoán toàn cầu tăng mạnh trước cuộc họp G-20

Thông tin trái chiều về nền kinh tế Mỹ ảnh 1
Niềm lạc quan đã trở lại với Wall Street. Ảnh : AP

Những tín hiệu tích cực

Dân Mỹ vẫn lạc quan

Kết quả cuộc thăm dò do kênh truyền hình Mỹ CNN thực hiện trong hai tuần qua và công bố ngày 11/3 cho thấy 61% ý kiến ủng hộ Tổng thống Obama

Thị trường chứng khoán tụt dốc cũng không làm xói mòn sự tin tưởng của người dân Mỹ đối với vị tổng thống da màu trẻ tuổi. Phần đông số người được hỏi không đổ lỗi cho ông Obama về cuộc khủng hoảng tài chính-kinh tế.

Có tới 75% ý kiến tin tưởng ông Obama sẽ đưa ra các quyết định kinh tế đúng đắn, giúp đất nước thoát khỏi suy thoái. Nhà phân tích chính trị hàng đầu của CNN Bill Schneider kết luận: "Người Mỹ cho rằng suy thoái sẽ chấm dứt trong hai năm tới, và họ tin vào khả năng thay đổi tình thế của ông Obama”.

Ngày 12/3, một loạt thông tin nóng hổi và tích cực trong lĩnh vực ngân hàng, ngành công nghiệp sản xuất ô tô và dự trữ tiền mặt đã được công bố, khiến thị trường chứng khoán Mỹ có sự khởi sắc hiếm hoi trong suốt 4 tháng qua.

"Đại gia" ô tô General Motors cho biết đã thông báo với chính quyền Tổng thống Mỹ Barack Obama rằng họ sẽ không cần khoản trợ cấp 2 tỷ USD của chính phủ trong tháng này do kế hoạch cắt giảm chi phí của họ bắt đầu có hiệu quả.

Giám đốc điều hành Bank of America Kenneth Lewis cũng thông báo có thể ngân hàng này sẽ không cần khoản hỗ trợ tài chính bổ sung từ chính phủ. Trong khi đó, Bộ Thương mại thông báo doanh số bán lẻ, ngoại trừ ô tô, chỉ giảm 0,1% trong tháng 2 vừa qua, thấp hơn nhiều so với dự kiến.

Ngân hàng dự trữ liên bang Mỹ (FED) cũng thông báo trong tuần kết thúc ngày 11/3, các ngân hàng thương mại và công ty đầu tư mượn ít tiền hơn từ chương trình cho vay khẩn cấp của FED.

Cụ thể, các ngân hàng thương mại vay trung bình 63,5 tỷ USD, giảm so với gần 66 tỷ USD trong tuần trước đó. Các công ty đầu tư vay trung bình 19,7 tỷ USD, thấp hơn so với 23,8 tỷ USD của tuần kết thúc ngày 4/3.

Những tin vui trên đẩy chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng gần 240 điểm lên 7.170 điểm, vượt ngưỡng 7.000 điểm lần đầu tiên trong tháng này. Chỉ số này đã tăng 623 điểm kể từ ngày 10/3, mức tăng mạnh nhất kể từ cuối tháng 11 năm ngoái.

Và cả những tín hiệu xấu

Các nhà kinh tế hoài nghi chính sách của Tổng thống Obama

Theo một cuộc khảo sát của tờ Journal of Wall Street, Tổng thống Barack Obama và Bộ trưởng Tài chính Timothy Geithner của Mỹ đạt mức điểm đánh giá khá thấp về những nỗ lực hồi phục nền kinh tế số một thế giới.

Kết quả thăm dò cho thấy đại đa số trong 49 nhà kinh tế được hỏi ý kiến tỏ ra không hài lòng với các chính sách kinh tế của chính quyền Obama. Ông Obama đạt mức điểm trung bình 59/100 và ông Geithner chỉ nhận được mức điểm trung bình 51.

Các nhà kinh tế chỉ trích đội ngũ kinh tế của chính quyền chủ yếu ở sự chậm trễ trong việc tiến hành những phần chủ chốt trong kế hoạch giải cứu ngân hàng. Các nhà kinh tế cũng dự đoán kinh tế Mỹ sẽ chấm dứt suy thoái vào khoảng tháng 10 năm nay, kéo dài hơn hai tháng so với những dự đoán trước đó.

Tuy nhiên, cùng ngày, Bộ Lao động Mỹ cũng thông báo số người nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp đã tăng lên 654.000 người trong tuần kết thúc vào ngày 7/3, do các tập đoàn và công ty của Mỹ tiếp tục làn sóng cắt giảm nhân công nhằm tiết kiệm chi phí và thúc đẩy sản xuất.

Số người nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu trong tuần qua tăng thêm 9.000 người so với tuần trước. Hiện tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ đang ở mức 8,1%, mức cao nhất trong 25 năm qua.

Trong thông báo ngày 11/3, Bộ Tài chính Mỹ cho biết thâm hụt ngân sách liên bang trong 5 tháng đầu của năm tài chính 2009 (từ tháng 10/2008 đến hết tháng 2/2009) lên tới 765 tỷ USD, so với mức thâm hụt của cả năm tài chính 2008 là 454,8 tỷ USD.

Riêng trong tháng 2/2009, thâm hụt ngân sách đạt xấp xỉ 193 tỷ USD, cao hơn 10% so với cùng kỳ năm ngoái và là con số kỷ lục tính theo tháng.

Trong khi đó, một số hãng vận chuyển hàng không của Mỹ đã phải giảm bớt các chuyến bay và cắt giảm lao động nhằm tránh thua lỗ.

Do nhu cầu đi lại bằng đường hàng không của du khách Mỹ và du khách quốc tế đang tiếp tục suy giảm, hãng Delta Air Lines dự kiến cắt giảm 10% số ghế trên các tuyến bay quốc tế, sau khi đã quyết định cắt giảm 8% khả năng vận chuyển trong năm nay, đồng thời tiếp tục cắt giảm lao động sau khi đã cắt giảm 7.000 lao động của hãng hồi năm ngoái.

United Airlines quyết định giảm 14,5% khả năng vận chuyển hành khách quốc tế trong quí I/2009 và dự kiến cắt giảm 5,5% khả năng vận chuyển khách quốc tế trong năm nay.

Theo TTXVN

MỚI - NÓNG