Thông tư 20 chỉ có ích cho “đại gia”: Bức xúc, đề nghị bỏ

Thông tư 20 chỉ có ích cho “đại gia”: Bức xúc, đề nghị bỏ
TPO - Nhiều DN nhập khẩu ô tô và một số cơ quan nghiên cứu như Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế T.Ư (CIEM), VCCI cuối tuần qua có văn bản gửi Bộ Công Thương và Thủ tướng Chính phủ đề nghị bãi bỏ Thông tư 20 (còn được đánh giá chỉ có ích cho các “đại gia”) với lý do ban hành trái luật, chỉ mang lại lợi ích cho các doanh nghiệp (DN) nhập khẩu ô tô lớn.

Cùng nhau gửi “băn khoăn” về Thông tư 20

Trong văn bản cách đây ít ngày gửi Tổng cục Hải quan đóng góp ý kiến, Vụ Hợp tác quốc tế Bộ Tài chính cũng bày tỏ nhiều băn khoăn quanh đề xuất giữ lại Thông tư 20 của Bộ Công Thương. 

Theo đó, quan điểm cho rằng bãi bỏ Thông tư 20 sẽ dẫn đến lượng nhập khẩu ô tô tăng chưa hoàn toàn đúng. “Trên thực tế, nếu xét ở góc độ cạnh tranh bình đẳng, Thông tư 20 có phần làm hạn chế khả năng thương mại của các DN nhỏ và vừa.

Lý do phải duy trì thông tư vì các DN nhỏ nhập khẩu xe không đảm bảo chất lượng cần cân nhắc, đánh giá cụ thể hơn. Xét về góc độ người tiêu dùng, việc duy trì thông tư đã hạn chế quyền lựa chọn các sản phẩm khác nhau ở các mức giá khác nhau”, Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Tài chính nêu quan điểm.

Đại diện cơ quan của Bộ Tài chính cũng cho rằng, Bộ Công Thương cần phải phân tích lợi ích và những bất cập của thông tư một cách khách quan đứng trên góc độ của người tiêu dùng, của các DN nhập khẩu và đơn vị sản xuất lắp ráp trong nước để đề xuất kiến nghị lên Thủ tướng.  

“Trong xu thế bỏ hàng rào thuế quan của các FTA, quan điểm của Vụ Hợp tác quốc tế là cần nghiên cứu xây dựng các quy định tập trung vào hàng rào tiêu chuẩn kỹ thuật hơn là hạn chế thương mại (như quy định của Thông tư 20) để đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng”, Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Tài chính cho biết.

“Nói vì quyền lợi người tiêu dùng nên cần duy trì Thông tư 20 là không đúng. Thị trường xe nhập khẩu về bao giờ cũng có đầy đủ giấy tờ, số khung, số vin, đủ tiêu chuẩn xuất khẩu ra thị trường quốc tế, làm gì có xe giả mà cơ quan quản lý lại đi lo hộ cho người tiêu dùng là xe không đảm bảo chất lượng. Thực tế đến nay người tiêu dùng không còn lựa chọn về mẫu mã cũng như cả giá xe”, Giám đốc Công ty Thiên An Phúc, ông Nguyễn Tuấn nói.

Phải vì người tiêu dùng

Trong một diễn biến khác, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc vừa có văn bản số 1830 gửi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, đến nay Thông tư 20 không phù hợp với tinh thần của pháp luật cạnh tranh.

Bên cạnh đó, theo ông Lộc, Thông tư 20 đã phân biệt đối xử giữa các doanh nghiệp (có uỷ quyền và không có uỷ quyền), qua đó gián tiếp buộc người tiêu dùng chỉ được mua hàng hoá với một lượng doanh nghiệp nhất định, gây hạn chế cạnh tranh. 

Trong khi bản thân Bộ Công Thương là cơ quan quản lý Nhà nước về cạnh tranh đáng lẽ cần phải thúc đẩy sự cạnh tranh trên thị trường. 

“Thông tư 20 đã trao quyền cho nhà sản xuất có thể ngăn cản người khác nhập khẩu sản phẩm của mình thông qua việc không cấp giấy ủy quyền cho thương nhân khác. Như vậy, Thông tư 20 đã giúp nhà sản xuất dễ dàng thực hiện một hành vi đi ngược lại với mục đích của Điều 125.2 của Luật Sở hữu trí tuệ. Quy định nhà nước nước nên hướng đến việc bảo đảm lợi ích đông đảo người tiêu dùng, thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh, cần phải hạn chế sự can thiệp của nhà sản xuất vào quá trình phân phối, giảm vai trò chi phối thị trường chứ không phải là luật hóa các quan hệ này”, ông Vũ Tiến nói. 

Trong kiến nghị gửi Bộ Công Thương tuần qua, đại diện nhiều DN nhập khẩu nhỏ và vừa cho rằng, sau 5 năm thực hiện, những quy định của Thông tư 20 không những gây khó cho DN nhập khẩu ôtô Việt Nam mà còn vô tình tạo ra lợi thế kinh doanh độc quyền cho DN nước ngoài, khiến thị trường bị méo mó. Thông tư 20 ban hành đã khiến số DN nhập khẩu ô tô giảm từ 200 đơn vị xuống chỉ còn khoảng 20 DN.

MỚI - NÓNG