Thu hút 11 - 12 tỷ USD vốn ODA trong giai đoạn 2006 - 2010

Thu hút 11 - 12 tỷ USD vốn ODA trong giai đoạn 2006 - 2010
TP - Hôm qua (13/10), Bộ KH&ĐT tổ chức hội thảo “Đưa cam kết Hà Nội vào cuộc sống”. Vậy Cam kết Hà Nội là gì, có ý nghĩa như thế nào đối với Việt Nam?
Thu hút 11 - 12 tỷ USD vốn ODA trong giai đoạn 2006 - 2010 ảnh 1
Ông Hồ Quang Minh - Vụ trưởng Kinh tế đối ngoại (Bộ KH&ĐT)

Tiền phong có cuộc trao đổi với ông Hồ Quang Minh - Vụ trưởng Kinh tế đối ngoại (Bộ KH&ĐT). Ông Minh cho biết:

Cam kết Hà Nội về hiệu quả viện trợ (Cam kết Hà Nội) là những thoả thuận giữa Chính phủ Việt Nam và các nhà tài trợ cùng hợp tác để thực hiện những hoạt động trong lĩnh vực hợp tác phát triển nhằm nâng cao hiệu quả viện trợ góp phần thực hiện Kế hoạch 5 năm phát triển kinh tế xã hội 2006-2010.

Việt Nam và các nhà tài trợ đã phát triển tốt mối quan hệ đối tác vì sự phát triển trên nhiều lĩnh vực và nhất trí: Đi đôi với việc gia tăng nguồn vốn ODA để phục vụ phát triển kinh tế xã hội, cần nâng cao hơn nữa chất lượng và hiệu quả sử dụng nguồn vốn ODA

Những lĩnh vực nào sẽ được ưu tiên thu hút và sử dụng ODA trong thời kỳ 2006-2010, thưa ông?

Chính phủ Việt Nam luôn xác định cần phải tranh thủ nguồn vốn ODA để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn các công trình, các dự án đã được ký kết; xây dựng chiến lược thu hút và sử dụng vốn ODA, tập trung vào kết cấu hạ tầng kỹ thuật ở các trung tâm kinh tế và các vùng có điều kiện kinh tế, xã hội khó khăn.

Dự kiến, nguồn vốn ODA thực hiện trong thời kỳ 2006-2010 đạt khoảng 11-12 tỷ USD, đóng góp gần 9% cho nhu cầu tổng vốn đầu tư toàn xã hội.

Những lĩnh vực ưu tiên sử dụng vốn ODA là: Phát triển nông nghiệp và nông thôn kết hợp xoá đói giảm nghèo; xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế đồng bộ theo hướng hiện đại; xây dựng kết cấu hạ tầng xã hội (y tế, giáo dục, đào tạo); bảo vệ môi trường và các nguồn tài nguyên thiên nhiên; tăng cường năng lực thể chế và phát triển nguồn nhân lực, chuyển giao công nghệ, nâng cao năng lực nghiên cứu, triển khai...

Hiện nay có bao nhiêu nhà tài trợ đang hoạt động tại Việt Nam, chính sách chung của các nhà tài trợ là gì?

Hiện, ở Việt Nam có khoảng 50 nhà tài trợ quốc tế song phương và đa phương đang hoạt động. Chính sách chung của các nhà tài trợ tại Việt Nam là hỗ trợ thực hiện các mục tiêu phát triển ưu tiên của Chính phủ Việt Nam trong các lĩnh vực kinh tế, xã hội; xoá đói giảm nghèo.

Tuy nhiên, mỗi nhà tài trợ quốc tế đều có điểm nhấn riêng trong chính sách hỗ trợ phát triển của mình đối với Việt Nam tuỳ thuộc vào quan hệ hợp tác nhiều mặt với Việt Nam, quy mô viện trợ cũng như định hướng chính sách tài trợ ưu tiên trong từng thời kỳ.

Trong thời kỳ 1993-2005, các nhà tài trợ đã cam kết ODA dành cho Việt Nam khoảng hơn 32 tỷ USD. Ngoài ra, có khoảng 600 tổ chức phi chính phủ nước ngoài (NGO) đang hoạt động tại Việt Nam với số tiền viện trợ hàng năm khoảng 100 triệu USD.

Vì thế, thực hiện tốt Cam kết Hà Nội không những tận dụng được các khoản viện trợ từ các nhà tài trợ nói trên mà còn giúp quản lý và sử dụng hiệu quả nguồn vốn ODA.

Cảm ơn ông.

Phong Cầm
(thực hiện)

MỚI - NÓNG