Thu hút FDI: Mục tiêu 6,5 tỷ USD sẽ cán đích

Thu hút FDI: Mục tiêu 6,5 tỷ USD sẽ cán đích
TP - Lượng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam 6 tháng đầu năm chỉ đạt 2,4 tỷ USD (đạt 40%) trong khi mục tiêu đặt ra cho cả năm là 6,5 tỷ USD.
Thu hút FDI: Mục tiêu 6,5 tỷ USD sẽ cán đích ảnh 1
Ông Nguyễn Anh Tuấn

Liệu mục tiêu thu hút vốn FDI năm 2006 có đạt được? Ông Nguyễn Anh Tuấn - Phó cục trưởng Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT) trả lời phỏng vấn Tiền phong.

Đúng là thu hút FDI 6 tháng đầu năm có xu hướng giảm sút, nhưng điều đó không có gì phải lo ngại bởi thu hút đầu tư là một quá trình, không thể phân ra thành từng ngày, từng tháng được. Hơn nữa, những tín hiệu về luồng vốn này đang rất tích cực, đó mới là yếu tố quyết định.

Hiện, đang có rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài lớn muốn đầu tư vào Việt Nam. Thời gian gần đây, nhiều nhà đầu tư, tập đoàn lớn đã tiến hành hàng trăm chuyến khảo sát tại Việt Nam.

Bên cạnh các nhà đầu tư lớn đến từ Nhật Bản, Hoa Kỳ, còn có cả những nhà đầu tư khá mới đến từ Tây Ban Nha. Họ đều đánh giá cao môi trường đầu tư Việt Nam.

Một tập đoàn Hàn Quốc cũng đang mong muốn triển khai xây dựng nhà máy đóng tàu lớn nhất khu vực tại Khánh Hòa. Các nhà đầu tư Mỹ, sau sự kiện Tập đoàn Intel đầu tư hơn 600 triệu USD vào Việt Nam, đã có một số nhà đầu tư khác theo vào cùng triển khai dự án (DA).

Một động thái mới nhất là các nhà đầu tư vừa và nhỏ đi liền với các nhà đầu tư lớn vào Việt Nam khá nhiều. Nên có thể khẳng định rằng, mục tiêu thu hút 6,5 tỷ USD vốn FDI năm 2006 vẫn đạt được.

Thưa ông, hiện Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp đã có hiệu lực (từ 1/7/2006), nhưng nhiều nhà đầu tư vẫn phải chờ hướng dẫn cụ thể để quyết định đầu tư?

Đúng là các nhà đầu tư đang có ý chờ những hướng dẫn cụ thể mới quyết định đầu tư vào Việt Nam. Nhưng có thể khẳng định rằng, luật mới đã gửi đến các nhà đầu tư những thông điệp rất rõ ràng về ưu đãi đầu tư, mở cửa thị trường...

Tất cả đã được quy định rất rõ trong luật và được các nhà đầu tư đánh giá rất tích cực. Hiện, Bộ KH&ĐT đang triển khai nhanh chóng xây dựng các nghị định hướng dẫn; đặc biệt là Nghị định hướng dẫn Luật Đầu tư.

Hiện, Việt Nam đang mong muốn đầu tư vào hạ tầng nhưng kết quả chưa được cao, nguyên nhân của thực tế này là gì, thưa ông?

Đúng là lĩnh vực này Việt Nam đang khuyến khích, nhưng nhà đầu tư nước ngoài vào VN vẫn chưa nhiều. Nguyên nhân có thể do pháp luật về các công trình hạ tầng còn những điểm chưa hoàn chỉnh.

Trong danh mục các DA thu hút đầu tư 2006-2010 đang trình Chính phủ có nhiều DA hạ tầng. Trong đó có 84 DA hạ tầng lớn.

Sau khi Thủ tướng ban hành danh mục DA kêu gọi đầu tư, chúng ta sẽ tiếp tục vận động đối với nhà đầu tư cụ thể và từng DA cụ thể.

Trong thời gian tới Chính phủ sẽ ban hành quy chế khuyến khích tư nhân trong nước và ngoài nước tham gia xây dựng hạ tầng.

Xin cảm ơn ông.

Trong 6 tháng đầu năm, thu hút đầu tư nước ngoài có một số điểm đáng chú ý: Số lượng các DA công nghệ cao, công nghiệp chế tạo tăng lên. Các DA của tập đoàn xuyên quốc gia, những DA của các tập đoàn trong top 500 thế giới đến VN ngày càng nhiều.

Nếu như trước đây, vốn thực hiện hàng năm chỉ tăng khoảng 4 - 5%/năm và dao động ở mức 2,5 - 2,7 tỷ USD/năm, thì đến nay đã vượt lên khoảng 3,5 tỷ USD/năm.

Vấn đề trọng tâm hiện nay là tạo điều kiện để các DA triển khai nhanh chóng và đạt mục tiêu khoảng 3,7 tỷ USD trong năm nay; trong những năm tới tốc độ giải ngân sẽ tăng 15-20%/năm.

 Ông Nguyễn Anh Tuấn

Nguyễn Phong Cầm
Thực hiện

MỚI - NÓNG