Thu hút FDI sẽ đạt 14,5 tỷ USD năm 2008

Thu hút FDI sẽ đạt 14,5 tỷ USD năm 2008
TP - Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch & Đầu tư) Phan Hữu Thắng cho biết như vậy trong buổi trao đổi với phóng viên Tiền phong.
Thu hút FDI sẽ đạt 14,5 tỷ USD năm 2008 ảnh 1
Ông Phan Hữu Thắng

Bộ KH&ĐT vừa công bố báo cáo ước thực hiện đầu tư nước ngoài năm 2007 và dự báo năm 2008. Theo đó, dự kiến đến hết năm 2007, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) sẽ đạt con số kỷ lục từ trước đến nay 13 tỷ USD.

Theo đà tăng trưởng, Bộ KH&ĐT cũng đưa ra dự báo năm 2008 sẽ thu hút thêm khoảng 14,5 tỷ USD vốn FDI, tăng 11,5% so với năm 2007.

Về vấn đề này, ông Thắng cho biết: Đến hết tháng 9/2007, cả nước đã thu hút được thêm 9,6 tỷ USD vốn FDI. Tổng vốn FDI thực hiện cũng đạt 3,3 tỷ USD, tăng 19,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Với đà tăng trưởng này, chúng ta hoàn toàn có thể tin tưởng sẽ đạt 13 tỷ USD vốn FDI trong năm 2007.

Điểm nhấn thu hút vốn FDI 9 tháng đầu năm có thể nói là số dự án quy mô lớn được cấp giấy chứng nhận đầu tư đã tăng hơn 50% so với cùng kỳ năm trước. Riêng 15 dự án có quy mô vốn đầu tư lớn đã chiếm 45,7% tổng vốn đăng ký cả nước trong 9 tháng đầu năm.

Những dự án lớn này tập trung đầu tư vào những lĩnh vực nào thưa ông?

Ngoài một số dự án lớn đầu tư vào công nghiệp nặng, đa số các dự án quy mô vốn lớn đầu tư trong hoạt động kinh doanh bất động sản (khách sạn, văn phòng, căn hộ cho thuê…). Quy mô vốn đầu tư trung bình đạt 8 triệu USD/dự án.

Số liệu thống kê cho thấy, vốn đầu tư đăng ký tập trung vào lĩnh vực công nghiệp đạt 4,17 tỷ USD, chiếm 50,4%; lĩnh vực dịch vụ vẫn tiếp tục đón nhận sự chuyển dịch của luồng đầu tư với số vốn đăng ký 3,9 tỷ USD, chiếm 47,6%; số vốn đầu tư còn lại thuộc lĩnh vực nông - lâm - ngư nghiệp.

Ông có thể cho biết, trong con mắt của các nhà đầu tư nước ngoài, môi trường đầu tư - kinh doanh Việt Nam đã được cải thiện thế nào?

Môi trường đầu tư - kinh doanh Việt Nam tiếp tục được cải thiện, phù hợp với cam kết quốc tế của Việt Nam. Việt Nam đang trở thành điểm hấp dẫn đầu tư nhất ở khu vực châu Á. Cộng đồng doanh nghiệp quốc tế đánh giá cao về môi trường kinh doanh Việt Nam (đứng sau Trung Quốc và Thái Lan) thể hiện qua kết quả điều tra thường niên của Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO).

Các tập đoàn lớn của Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan… đã bắt đầu làn sóng đầu tư mới vào Việt Nam. Các rào cản trước đây của các dự án đầu tư nước ngoài như: tỷ lệ nội địa hóa, tỷ lệ xuất khẩu sản phẩm… đã được dỡ bỏ.

Việc áp dụng thống nhất Luật Đầu tư đối với cả đầu tư trong nước và đầu tư ngoài nước đã tạo sự cạnh tranh bình đẳng cho các doanh nghiệp, loại hình doanh nghiệp được mở rộng, đa dạng, dễ dàng cho nhà đầu tư lựa chọn phù hợp với ý định kinh doanh của mình. Tình hình thu hút đầu tư nước ngoài trên địa bàn một số địa phương (Hà Tây, Hậu Giang, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh…) có nhiều chuyển biến tích cực.

Việc tăng cường phân cấp đã giúp các địa phương chủ động trong vận động, quản lý hoạt động đầu tư nước ngoài. Thời gian cấp giấy chứng nhận đầu tư được rút ngắn; quy trình, thủ tục cũng như quản lý doanh nghiệp đơn giản, dễ dàng hơn so với trước đây, phát huy được tính tự chủ và tự chịu trách nhiệm của doanh nghiệp.

Thu hút vốn FDI năm 2007 có khả năng sẽ đạt con số kỷ lục 13 tỷ USD. Vậy, với đà tăng trưởng này, năm 2008 mục tiêu cụ thể về thu hút vốn FDI thế nào thưa ông?

Năm 2007 cũng là năm có thể khẳng định được về cơ hội mới trong thu hút vốn FDI đối với Việt Nam do có một làn sóng đầu tư mới với nhiều dự án quy mô lớn mang tính đột phá trong các lĩnh vực quan trọng như: công nghệ cao (sản xuất máy tính xách tay, thiết bị tin học, viễn thông…); bất động sản (xây dựng các khu đô thị đa chức năng); khai khoáng…

Trên cơ sở tình hình thực hiện vốn FDI 9 tháng đầu năm 2007 cũng như dự báo tình hình thực hiện các tháng còn lại của năm 2007, có thể dự báo một số chỉ tiêu cụ thể: Về thu hút đầu tư mới (bao gồm cả tăng vốn mở rộng sản xuất kinh doanh): đạt 13 tỷ USD, tăng 8,3% so với năm 2006, trong đó các khu công nghiệp và khu chế xuất thu hút khoảng 5,8 tỷ USD, tăng 9,8% so với năm 2006.

Doanh thu khu vực đầu tư nước ngoài sẽ đạt 32,25 tỷ USD, trong đó doanh thu của các doanh nghiệp FDI trong các khu công nghiệp và khu chế xuất khoảng 16 tỷ USD, tăng 17% so với năm 2006. Nộp 1,55 tỷ USD vào ngân sách nhà nước và tạo việc làm cho 15 vạn người lao động.

Với đà tăng trưởng như hiện nay cùng với những thuận lợi trong bối cảnh Việt Nam đã hội nhập sâu vào nền kinh tế khu vực và thế giới, dự báo trong năm 2008, thu hút vốn đầu tư mới sẽ đạt mức kỷ lục từ trước đến nay là 14,5 tỷ USD, tăng 11,5% so với năm 2007.

Trong đó, tiếp tục chú trọng thu hút các dự án lớn, trọng điểm, sử dụng công nghệ cao và có khả năng tạo ra các sản phẩm có sức cạnh tranh. Theo đó, doanh thu năm 2008 có thể sẽ đạt 38,75 tỷ USD, tăng 16,5% so với năm 2007.

Cảm ơn ông!

Phong Cầm
Thực hiện

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.