Thu ngân sách thiếu vững chắc

Thu ngân sách thiếu vững chắc
TP - Theo báo cáo của Chính phủ, tổng số thu cân đối ngân sách Nhà nước (NSNN) năm 2011 là 962.982 tỷ đồng (bao gồm cả thu chuyển nguồn từ năm 2010 sang năm 2011, thu kết dư ngân sách địa phương năm 2010, thu hồi vốn ngân sách cho vay, thu huy động đầu tư của ngân sách địa phương theo quy định của Luật NSNN).

> Khai mạc trọng thể Kỳ họp thứ Năm của Quốc hội

Trong đó, thu theo dự toán Quốc hội giao năm 2011 là 721.804 tỷ đồng, vượt 126.804 tỷ đồng (21,3%), tăng cao hơn nhiều so với mục tiêu tại Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ (tăng thu NSNN 7 - 8% so với dự toán đã được Quốc hội phê duyệt).

Ủy ban Tài chính - Ngân sách đánh giá đây là kết quả tích cực trong bối cảnh kinh tế đất nước gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, dù cả 4 nguồn thu chủ yếu của NSNN đều tăng, nhưng số thu vượt dự toán chủ yếu bắt nguồn từ yếu tố khách quan, chiếm tỷ trọng lớn là do giá cả tăng, điều chỉnh tăng thuế nhập khẩu mặt hàng không khuyến khích nhập khẩu, tăng thu từ tài nguyên (dầu thô), các khoản về nhà, đất.

“Điều đó phản ánh thu NSNN tuy tăng cao nhưng thiếu vững chắc, chưa bắt nguồn từ nội lực của nền kinh tế” - Báo cáo thẩm tra nhận định.

Tổng số chi cân đối theo báo cáo của Chính phủ năm 2011 là 1.034.244 tỷ đồng (bao gồm cả chi chuyển nguồn từ năm 2011 sang năm 2012).

Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội đánh giá, chi cân đối NSNN năm 2011 đã bảo đảm các yêu cầu chi theo dự toán, nhưng tổng chi cân đối NSNN vẫn tăng lớn (61.954 tỷ đồng), vượt 8,5% so với dự toán, trong đó chủ yếu là do tăng chi đầu tư phát triển (56.306 tỷ đồng).

Kết quả kiểm tra cho thấy, số dự án triển khai dở dang, chậm tiến độ khá nhiều, gây lãng phí, khối lượng nợ đọng đầu tư xây dựng tăng cao, các vi phạm trong đầu tư xây dựng xảy ra ở tất cả các khâu gây thất thoát, lãng phí lớn cho NSNN.

Tiền của dân chi vào đâu phải rõ

Phân tích báo cáo kiểm toán, ĐB Đỗ Mạnh Hùng (Thái Nguyên) cho rằng, quản lý không tốt thì ngân sách sẽ là mảnh đất tạo điều kiện cho tham nhũng, tiêu cực phát triển.

“Đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét để phiên thảo luận về ngân sách được truyền hình trực tiếp để người dân giám sát, bởi ngân sách là tiền của dân” - ông Hùng phát biểu.

Một số đại biểu cho rằng cách Quốc hội thảo luận và phê chuẩn NSNN cần thực chất hơn. Bởi Quốc hội thảo luận về số tiền đã chi tiêu từ gần 2 năm trước! Cần phải đổi mới cách làm, để đánh giá hiệu quả sử dụng ngân sách chính xác hơn.

Theo ĐB Võ Thị Dung (TPHCM), kỷ luật, kỷ cương, trách nhiệm trong quản lý sử dụng ngân sách chưa nghiêm minh, thất thoát ngày càng tăng.

“Ngân sách là tiền của của nhân dân đóng góp, Quốc hội, Chính phủ cần xác định địa chỉ cụ thể để xử lý nghiêm minh những ai làm thất thoát nguồn lực quốc gia” - ĐB Dung nói và kiến nghị Chính phủ trình Quốc hội sớm sửa đổi Luật NSNN.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.