Thu nhỏ quy mô dự án trên đỉnh Ngũ Hành Sơn

Thu nhỏ quy mô dự án trên đỉnh Ngũ Hành Sơn
TP - Trao đổi với phóng viên Tiền phong, ông Huỳnh Đức Thơ - Chủ tịch UBND quận Ngũ Hành Sơn cho biết, đã điều chỉnh thu nhỏ quy mô hàng loạt công trình trên đỉnh Ngũ Hành Sơn (Đà Nẵng).

Những ngày này, việc quận Ngũ Hành Sơn (TP Đà Nẵng) lập dự án xây dựng hàng loạt trạm dừng chân, nhà hàng lưu niệm, ăn uống giải khát... trên đỉnh hòn Thủy Sơn đã khiến dư luận lo lắng về sự can thiệp thô bạo của con người đối với một trong những điểm quan trọng nhất của danh thắng nổi tiếng Ngũ Hành Sơn. 

Ông Huỳnh Đức Thơ - Chủ tịch UBND (chủ đầu tư) đã có cuộc trao đổi về vấn đề này.

Thưa ông, dư luận đang bức xúc, liệu dự án vẫn tiếp tục?

Xin nói ngay, sau khi có phản hồi từ dư luận cũng như các bên liên quan, theo chỉ đạo của lãnh đạo thành phố, hiện chúng tôi đang tiến hành điều chỉnh thu nhỏ quy mô dự án, rút một số hạng mục để phù hợp hơn với không gian của thắng cảnh và di tích.

Cụ thể: Về 11 nhà chòi lục giác để làm điểm nghỉ chân, sẽ rút xuống còn 3 - 4 nhà, mỗi nhà từ 15 - 18m2, trụ ximăng giả gỗ, rui mè đòn tay bằng gỗ loại tốt, mái ngói, nền lát đá, đủ cho khoảng 40 khách dừng chân tránh mưa nắng, ngắm cảnh.

Chúng tôi cũng thống nhất để nhà chùa Tam Thai tham gia xây dựng thêm những điểm dừng nghỉ chân hợp lý; về các nhà hàng bán đồ ăn nhẹ, giải khát, hàng lưu niệm... theo dự án ban đầu, lãnh đạo thành phố đã thống nhất với chủ đầu tư là sẽ không xây dựng tại đây.

Cũng phải nói rằng hiện có khoảng 20 hộ đang bán hàng giải khát dọc lối lên các động Huyền Không, Vân Thông, trông rất nhếch nhác, chúng tôi muốn tập trung hết tại một khu, nhưng giờ phải tính cách khác.

Việc tổ chức điểm bán hàng lưu niệm trên núi nay nhìn lại cũng không thật cần thiết, vì hàng lưu niệm chủ yếu bằng đá, ít ai lên núi mua rồi bỏ sức ôm xuống, vì ngay tại chân núi đã bán rất nhiều.

Vậy, dự án sẽ còn lại những gì?

Chúng tôi đã chuyển lại cho bên tư vấn để chỉnh sửa lại thiết kế và đang chờ hồi âm. Tuy nhiên, có một số hạng mục sẽ tiến hành ngay, đó là cải tạo và làm thêm một số tuyến đường đi bộ nhỏ dành cho du khách; xây dựng một bể chứa nước ngầm vừa để cung cấp nước sạch, vừa làm nhiệm vụ phòng cháy chữa cháy; cải tạo và đưa lưới điện lên núi, vì hệ thống điện hiện nay tuy đã có nhưng còn tạm bợ; trồng cổ thụ thuộc họ danh mộc bên cạnh việc tạo những vườn hoa, cây cảnh, thảm cỏ...   

Theo dự án ban đầu đã được thành phố thống nhất chủ trương, sẽ có hàng loạt công trình được xây dựng trên khu đất diện tích 2.848m2 bên cạnh chùa Tam Thai – Di tích LSVH quốc gia với kinh phí trên 2,4 tỷ đồng (từ nguồn thu bán vé).

Cụ thể: Có 12 hạng mục, gồm 11 điểm nghỉ chân; khu nhà hàng cơm chay, bán nước giải khát, hàng lưu niệm; sân vườn, hồ nước, vườn hoa cây cảnh...    

Để giải quyết khâu giải khát cho du khách, được biết phía nhà chùa Tam Thai muốn lập một thiền trà cho khách, và khách có thể gõ chuông Minh Mạng khi thưởng trà?

Khi dừng việc mở hàng quán giải khát, chúng tôi cũng đã thống nhất để nhà chùa cung cấp nước giải khát miễn phí cho khách với hình thức phù hợp và tùy theo khả năng của mình.

Thiền trà, tôi nghĩ đó là một hình thức hay. Bước đầu là thế đã, còn sau này nếu phát sinh những khó khăn, ví dụ như khách đông, nhu cầu lớn trong khi nhà chùa đáp ứng không xuể, thì chúng tôi sẽ có phương án tiếp theo.

Chúng tôi được phản ánh đã có những bất cập trong việc quản lý tu bổ cảnh quan tại danh thắng Ngũ Hành Sơn, như việc cho nhổ bia đá Vọng Giang Đài, Vọng Hải Đài có bút tích của Vua Minh Mạng để “nhốt” vào nhà bia lục giác lót gạch Bát Tràng, hoặc khi xóa những dòng chữ thiếu văn hóa của một số du khách đã xóa luôn cả những bài thơ cổ chữ Hán hàng mấy trăm năm khắc ghi tại các hang động...? 

Việc “nhốt” bia vào nhà bia thế nào tôi không rõ, vì tôi mới về đây được khoảng 1 năm. Cũng chưa nghe ai đề xuất về việc này, còn Vọng Giang Đài, Vọng Hải Đài đúng là có lịch sử của nó, cần tôn trọng. Còn việc xóa cả những bài thơ cổ, theo tôi là không có, vì mới – cũ nhìn vào là biết ngay, không ai lại đi làm điều đó cả...

Cảm ơn ông!

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.