Tờ International Herald Tribune:

Thử thách đối với Việt Nam

Thử thách đối với Việt Nam
TP- Trong bài viết “Test for Vietnam” (Thử thách đối với Việt Nam) đăng trên tờ International Herald Tribune (IHT) của Pháp, nhà báo Philip Bowring cho rằng, nền kinh tế Việt Nam đang đối mặt với nhiều rủi ro, nhưng cũng có những điểm sáng lạc quan.

Giới đầu tư từng đặt niềm tin ở Việt Nam đang tự hỏi rằng nền kinh tế này sẽ bị tổn thương ra sao sau 1 thập kỷ đạt mức tăng trưởng trung bình 7,5% và liệu có giữ được tỷ lệ tăng trưởng 8,5% như gần đây? Liệu những biến động thị trường quốc tế và trong nước có gây tổn hại đến nền kinh tế?

Có những dấu hiệu rõ ràng của những rủi ro. Nguồn tài chính từ nước ngoài đổ vào Việt Nam năm ngoái góp phần tạo ra bong bóng trên thị trường chứng khoán nay đang bị sụt giảm với mức giá chỉ bằng một nửa so với thời kỳ đỉnh cao.

Trong khi đó, việc nợ tín dụng gần đây tiếp tục tăng lên mức đỉnh 35% thể hiện bất ổn trong quá trình “bong bóng” chứng khoán chuyển sang bất động sản. Cũng như những nơi khác trên thế giới, lạm phát ở Việt Nam vọt lên gần 15% chủ yếu do giá năng lượng, thực phẩm, nhưng càng tồi tệ hơn do nguồn tiền dồi dào.

Những biện pháp thắt chặt tín dụng được áp dụng đã đẩy tỷ lệ lãi suất lên cao và tạo ra sự căng thẳng trong hệ thống ngân hàng. Các ngân hàng tư nhân thiếu nhân tài, kinh nghiệm và đối mặt với sự cạnh tranh của nước ngoài trong tương lai gần có thể bị phá sản...

Những yếu tố trên có thể cho thấy Việt Nam cũng bị tổn thương khi kinh tế Mỹ và thế giới suy thoái. Tuy nhiên, đây chỉ là một nửa của câu chuyện.

Điểm sáng

Bong bóng chứng khoán và bất động sản đã thể hiện rõ nhưng chúng cũng có ảnh hưởng tích cực. Ngay cả khi đã sụt giảm, quy mô thị trường chứng khoán với mức vốn hoá 15 tỷ USD cũng gấp 10 lần so với cách đây 2 năm. Trong khi bong bóng bất động sản giúp thúc đẩy ngành xây dựng để đáp ứng nhu cầu lớn về văn phòng, nhà ở và khách sạn.

Với mức nợ nước ngoài chỉ bằng 30% GDP, vẫn còn “room” để cho vay, đầu tư trực tiếp và viện trợ phát triển. Người nước ngoài vẫn mua chứng khoán của Việt Nam và đầu tư trực tiếp vẫn mạnh mẽ. Mặc dù viễn cảnh toàn cầu không sáng sủa, nhưng với nhu cầu lớn từ các thị trường chính của Việt Nam trong lĩnh vực sản xuất, Việt Nam tiếp tục mang đến nguồn lợi cho các nhà sản xuất Hàn Quốc, Đài Loan đang chuyển địa bàn kinh doanh khỏi Trung Quốc do chi phí tăng và cần phân tán bớt rủi ro. Việt Nam cũng tiếp tục gặt hái nguồn lợi lớn khi giá cả các mặt hàng chủ lực như dầu thô, than, gạo, cao su, cà phê, thủy sản tăng cao và sản lượng các mặt hàng nông nghiệp chất lượng cao cũng tăng nhanh.

Mặt khác Việt Nam có thể tiếp tục hưởng lợi thêm vài năm nữa từ việc gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Việc tự do hóa nhanh với lĩnh vực dịch vụ - bao gồm cả ngân hàng - và hàng hoá nước ngoài sẽ gây ra một số vấn đề cho các doanh nghiệp địa phương, nhưng sẽ mang tới nhiều nguồn tài chính và kích thích sản xuất. Sự yếu kém về đường sá, cảng và năng lượng tiếp tục là thách thức. Việc thiếu lao động có kỹ năng kéo lùi sự tăng trưởng. Tuy nhiên, Chính phủ nói chung được đánh giá có khuynh hướng “thân thiện với kinh doanh” và ít quan liêu hơn trước đây.

Các điều kiện trên toàn cầu dường như đang khó khăn hơn đối với Việt Nam hiện nay so với Trung Quốc cách đây 1 thập kỷ và Thái Lan vào những năm 1980. Về ngắn hạn có thể vẫn còn tổn thương cho nên kinh tế. Về dài hạn, có thể tỷ lệ tăng trưởng không được như kỳ vọng khi thị trường xuất khẩu và tài chính ngày càng khó khăn hơn. Tuy nhiên, có thể nói rằng hình ảnh của Việt Nam vẫn tốt đẹp và vẫn còn câu chuyện lạc quan để kể.

D.H (Lược dịch) 

MỚI - NÓNG