Thu tiền tỷ sau những 'bầm dập'

Anh Lê Văn Tuấn trở thành tỷ phú với mô hình sản xuất rau mầm hữu cơ.
Anh Lê Văn Tuấn trở thành tỷ phú với mô hình sản xuất rau mầm hữu cơ.
TP - Lê Văn Tuấn và Nguyễn Trung Hiếu làm giàu từ nông nghiệp, tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương, là hai trong số 85 gương thanh niên sẽ nhận giải thưởng Lương Định Của năm 2016. Một người đạt doanh thu tiền tỷ từ trồng rau mầm; một người kiếm tiền tỷ từ nuôi cá lăng nha.

Tỷ phú rau mầm

Lê Văn Tuấn (SN 1987) là chủ Công ty TNHH Sản xuất Công nghệ HB - chuyên sản xuất rau mầm hữu cơ, đạt doanh thu 4,3 tỷ đồng/năm, lợi nhuận thu về gần 1,6 tỷ đồng/năm. Giải quyết việc làm cho 15 lao động với mức thu nhập trung bình 5 triệu đồng/người/tháng.

Hiện nay, diện tích khu ươm trồng rau mầm của anh Tuấn ở xã Xuân Thới Sơn (huyện Hóc Môn) mở rộng hơn 1.400m2 so với trước đây là 400m2; có nhiều chủng loại rau mầm như: củ cải, muống, hướng dương, khổ qua, đậu đỏ, đậu đen. Anh Tuấn cho biết, các chủng loại rau chỉ gieo trồng trong nhà lưới kín, che chắn côn trùng, chăm bón bằng phân hữu cơ sinh học do Cty tự sản xuất theo tiêu chuẩn nghiêm ngặt đã quy định.

“Hiện nay, trung bình mỗi ngày Cty tôi cung cấp ra thị trường hơn 3 tạ rau mầm các loại. Sắp tới, hướng tới ký kết đưa rau vào một số siêu thị”, anh Tuấn nói. Bên cạnh việc mở rộng quy mô sản xuất, thị trường, anh Tuấn đang nghiên cứu thiết kế ba loại máy sàng, máy gieo và máy phân loại hạt để thay thế sức người, nâng cao năng suất, hạ giá thành sản xuất, tăng tính cạnh tranh cho sản phẩm.

“Điều thôi thúc tôi gắn bó, phát triển mô hình sản xuất rau mầm hữu cơ là cung cấp được nguồn rau sạch góp phần tạo sự an tâm, sức khỏe cho cộng đồng. Điều này xuất phát từ thực tế, bà nội tôi mỗi lần lên thành phố lại lo âu về chất kích thích khi mua rau ngoài chợ”. 

Anh Lê Văn Tuấn

“Mát tay” với rau mầm, nhưng ít người biết anh Tuấn là kỹ sư chăn nuôi, từng lao đao, thua lỗ khi thử sức nuôi lợn. Ý tưởng khởi nghiệp trồng rau mầm hữu cơ có sau lần trồng ít cải mầm sạch phục vụ gia đình. Anh Tuấn kể: “Những lứa đầu tiên rau phát triển thuận lợi, tôi chợt nghĩ tại sao không rẽ sang trồng rau hữu cơ bán ra thị trường, không đòi hỏi nhiều vốn lại có chu kỳ thu hoạch liên tục”. Quyết là làm, anh Tuấn khăn gói đến các trang trại trồng rau mầm xin học nghề và tham khảo kiến thức từ sách báo, mạng internet, rồi thuê đất hoang ở Hoóc Môn dựng trại trồng rau.

“Hai năm thử nghiệm trồng rau là hai năm đều đặn bỏ rau sạch cho bò ăn. Có lúc tưởng chừng sạt nghiệp, rau trồng ra chẳng ai mua, đi cho có người còn xua tay” - anh Tuấn kể. 

Nhiều lần nhận cái lắc đầu từ chối, anh Tuấn không nản chí. Cùng với những mời chào dùng miễn phí, anh Tuấn mời các chủ cửa hàng, các mối lấy sỉ đến trang trại tham quan mô hình trồng rau hữu cơ tạo niềm tin cho khách hàng. Từ đó, có thêm nhiều khách hàng trở thành mối quen. Tiếp đó, anh thành lập cty, mở website giới thiệu thông tin, quy trình sản xuất rau mầm sạch để khách hàng tìm hiểu. Ngoài ra, anh Tuấn còn đăng ký gian hàng tại các hội chợ nông sản để quảng bá các loại rau mầm.

Thu tiền tỷ sau những 'bầm dập' ảnh 1

Anh Nguyễn Trung Hiếu làm giàu thành công với mô hình sản xuất cá lăng  giống.

Đào ao thả cá thu tiền tỷ

Với mô hình nuôi cá lăng nha thương phẩm và cho sinh sản nhân tạo, anh Nguyễn Trung Hiếu (SN 1986) - ngụ xã Trung Lập Hạ, huyện Củ Chi, đang rất thành công, mang lại doanh thu lớn. Chỉ riêng 5 tháng đầu năm 2016, anh Hiếu đạt tổng doanh thu 1,8 tỷ đồng, mỗi tháng lãi từ 50-60  triệu đồng. Đồng thời, tạo việc làm thường xuyên cho 5 người lao động với thu nhập 5-6 triệu đồng/người/tháng và 10 lao động thời vụ với thu nhập 2,5-3 triệu đồng/người/tháng.

Để đạt được hiệu quả kinh tế cao, anh Hiếu dày công tìm tòi, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật công nghệ mới trong quy trình sản xuất giống cá lăng nha với việc tìm ra phương tiện sản xuất - ương cá giống phù hợp nhất (cách cho cá ăn hiệu quả, theo dõi quy luật và tần suất sinh trưởng, sinh sản của cá bố mẹ, nhiệt độ thích hợp…). Với quy trình sản xuất giống cá lăng nha này, mỗi đợt sản xuất thu được 1-2 triệu con giống/10 ngày, thay cho 100-200 nghìn con/10 ngày trước đây; tương đương 3-5 triệu con giống mỗi tháng. Từ diện tích nuôi 7.000m2 ban đầu, anh Hiếu mở thêm cơ sở thứ hai rộng hơn 15.000m2. Khách hàng mua cá giống của anh Hiếu đến từ nhiều tỉnh thành trong Nam, ngoài Bắc.

Kể về chặng đường khởi nghiệp, anh Hiếu cho hay, tốt nghiệp ĐH Nông lâm liền xin vào làm cho trại cá giống ở miền Tây để học hỏi kinh nghiệm. Vì điều kiện gia đình, anh trở lại TPHCM để khởi nghiệp chăn nuôi từ số vốn gần 60 triệu đồng và có lời ngay lứa đầu tiên. Tiếp đó, là những tháng ngày bầm dập “ngụp lặn” khi đầu tư mở rộng quy mô, cơ sở vật chất nuôi cá lăng. Số vốn hàng tỷ đồng được tích góp từ tiền bản thân và tiền vay mượn người thân, bạn bè lần lượt mất tăm theo từng mẻ cá “hên xui”. “Khi đó, mọi người đều khuyên tôi bỏ cuộc vì thấy số tiền nợ quá lớn. Tôi không nản mà quyết theo đuổi con đường mình đã chọn” - anh Hiếu nói.

Hiện anh Hiếu vẫn tiếp tục tìm tòi nghiên cứu, ứng dụng kỹ thuật để tăng sản lượng con giống. “Muốn làm hiệu quả phải tăng được sản lượng, chất lượng con giống và chi phí thấp, để cạnh tranh trên thị trường”, anh Hiếu cho hay.

MỚI - NÓNG