Thủ tướng: Xây dựng 'thánh địa' sâm Ngọc Linh

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại hội nghị Đầu tư phát triển sâm Ngọc Linh và các dược liệu khác tại TP. Kon Tum.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại hội nghị Đầu tư phát triển sâm Ngọc Linh và các dược liệu khác tại TP. Kon Tum.
TPO - Sâm Ngọc Linh là cây đặc hữu chỉ có ở Kon Tum và Quảng Nam và có giá trị kinh tế rất lớn.

Ngày 6/9, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự hội nghị Đầu tư phát triển sâm Ngọc Linh và các dược liệu khác tại TP. Kon Tum, Kon Tum do  Bộ Y tế, Bộ NN&PTNT và UBND tỉnh Kon Tum phối hợp tổ chức.

Tại hội nghị, nhiều báo cáo tham luận của các bộ, ngành Trung ương, doanh nghiệp, nhà khoa học được trình bày, đều đánh giá cao tiềm năng, lợi thế phát triển dược liệu của Kon Tum; làm rõ những tồn tại, bất cập cũng như đề xuất những giải pháp mà tỉnh Kon Tum cần quan tâm để hiện thực hóa mục tiêu đưa Kon Tum thành vùng dược liệu trọng điểm quốc gia.

Ông Lê Ngọc Tuấn – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum cho biết: Theo kết quả điều tra của Viện Dược liệu - Bộ Y tế về đa dạng sinh học, trên địa bàn tỉnh có khoảng 853 loài cây thuốc và nấm làm thuốc; 35 loài, thuộc 27 họ thực vật thuộc diện quý hiếm cần được bảo tồn.

Cây sâm Ngọc LinhCây sâm Ngọc Linh

Xác định được tầm quan trọng, những năm qua công tác bảo tồn, nghiên cứu và phát triển các loại dược liệu được tỉnh Kon Tum tập trung trồng nghiên cứu, thực nghiệm, phát triển cây dược liệu thế mạnh. Trọng tâm là địa bàn 3 huyện Tu Mơ Rông, Đắk Glei và Kon Plông, được trồng nhiều loài dược liệu quý (sâm Ngọc Linh, đảng sâm, đương quy, ngũ vị tử, sa nhân tím, lan kim tuyến,…). Đặc biệt, sâm Ngọc Linh là cây đặc hữu chỉ có ở Kon Tum và Quảng Nam, giá trị kinh tế rất lớn. Đến nay, tỉnh Kon Tum đã có 9 xã ở 2 huyện Tu Mơ Rông, Đắk Glei được cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý sâm Ngọc Linh. Sâm Ngọc Linh cũng đã được công nhận sản phẩm quốc gia.

Đến nay, tỉnh Kon Tum đã thu hút được 17 dự án đầu tư phát triển dược liệu, tổng vốn đầu tư hơn 11 nghìn tỉ đồng trên quy mô 7.800 ha. Tỉnh phấn đấu trở thành vùng dược liệu trọng điểm quốc gia vào năm 2030 với diện tích vùng trồng đạt 25.000 ha, trong đó có 10.000 ha sâm Ngọc Linh.

Củ sâm Ngọc LinhCủ sâm Ngọc Linh

Phát biểu chỉ đạo, Thủ tướng nhấn mạnh, sâm Ngọc Linh là “quốc bảo”. Cần đưa “quốc bảo” này thành loài cây “quốc kế dân sinh”.

Theo Thủ tướng, việc đưa ra thị trường quốc tế phải chú trọng bảo hộ được giá trị thương hiệu của sâm Ngọc Linh. Đây là thương hiệu quốc gia Việt Nam chứ không đơn thuần là thương hiệu một sản phẩm thuần túy, hay của doanh nghiệp. Việc di thực sâm Ngọc Linh phải được các cơ quan chức năng giám sát chặt chẽ. Mở rộng diện tích hay chế biến sâm Ngọc Linh trước hết phải được tiến hành ở núi Ngọc Linh, đảm bảo chất lượng sâm, hàm lượng saponin cũng như các hoạt chất có trong sâm. Phải bảo tồn bằng được giống sâm quý Ngọc Linh, trước khi trồng phải kiểm tra giống; không du nhập giống; không lai tạo để biến đổi gen; không cấy ghép.

Thủ tướng lưu ý, để xây dựng được “thánh địa” sâm Ngọc Linh cần phải làm nhiều việc, cần sớm hành động nghiêm túc, bài bản, không để cho từng địa phương như Kon Tum, Quảng Nam hoạt động manh mún, “tự bơi” trong việc triển khai.

Để làm được điều này phải tiếp cận phát triển đúng; vừa bảo tồn vừa phát triển; hướng mục tiêu phát triển sâm Ngọc Linh đến những giá trị cao hơn, không chỉ về mặt kinh tế mà còn đối với nền y học, để cải thiện sức khỏe người Việt Nam; khi đã có điều kiện về sản lượng, qui mô, thương hiệu sâm Ngọc Linh vượt khỏi biên giới Việt Nam thì cần có chiến lượng đại chúng và đa dạng hóa sản phẩm như cách Hàn Quốc đã làm; cần nghiên cứu thêm về lịch sử của sâm Ngọc Linh, việc có một lịch sử rõ ràng sẽ làm tăng giá trị đáng kể cho sâm; tối quan trọng là phải bảo vệ được nguồn gen. Thủ tướng gọi ngọn núi Ngọc Linh chính là “thánh địa” của sâm Ngọc Linh .

Kết thúc hội nghị, Thủ tướng đồng ý cho tỉnh Kon Tum nghiên cứu, lập đề án hình thành khu công nghiệp sản xuất chế biến dược liệu quy mô lớn, đề nghị các bộ ngành liên quan phối hợp xây dựng. Đồng thời, cho phép tỉnh Kon Tum thực hiện thí điểm sử dụng môi trường rừng, đất dưới tán rừng trồng dược liệu. Qua đó, yêu cầu Bộ Y tế rà soát lại trên phạm vi toàn quốc bộ máy năng lực quản lý nhà nước về dược liệu, y học cổ truyền báo cáo lại Chính phủ để quản lý, tránh trường hợp "Việt Nam đứng trên đống thuốc mà chữa bệnh không đúng cách”.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm vườn chè trên trăm tuổi

Kết thúc chuyến công tác 3 ngày tại tỉnh Kon Tum, chiều 6/9, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ghé thăm vườn chè tạo công ăn việc làm cho 7.000 lao động trên địa bàn tỉnh Gia Lai.

Báo cáo Thủ tướng, ông Bùi Pháp- Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đức Long Gia Lai cho biết, vườn chè 101 tuổi này có diện tích hơn 1,1 nghìn ha. Vườn chè đã giải quyết công ăn việc làm cho 7.000 lao động tại địa phương. Nhà máy đang sản xuất, chế biến 40 tấn/ngày, sản phẩm được xuất khẩu chủ yếu sang nước Nga và nhiều nước khác.

Tại đây, Thủ tướng yêu cầu chủ đầu tư là Công ty Cổ phần Tập đoàn Đức Long Gia Lai phải phát triển vườn chè theo hướng hữu cơ, đảm bảo đời sống công nhân. Ngoài việc lợi ích của doanh nghiệp, chủ đầu tư phải đặc biệt quan tâm đến đời sống công nhân. Để phát triển bền vững, cần phải đảm bảo quan tâm đầu tư bằng sản phẩm hữu cơ, đảm bảo tiêu chuẩn VietGAP. Đặc biệt, chế biến phải đảm bảo an toàn thực phẩm, trong thời gian tới phải phát triển thị trường mạnh mẽ theo hướng xuất khẩu sang cả các nước Châu Âu.

MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.