Trung Quốc đột ngột dừng nhập khẩu lợn từ Việt Nam:

Thua thiệt vì không có hợp đồng 'cứng'

Các thương lái loay hoay tìm cách chăm giữ lợn khi chưa xuất khẩu được. Ảnh: P.V.
Các thương lái loay hoay tìm cách chăm giữ lợn khi chưa xuất khẩu được. Ảnh: P.V.
TP - Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn, ông Phạm Ngọc Thưởng, nói việc các chủ hàng của ta có thói quen giao dịch với các thương lái Trung Quốc qua biên giới mở mà không có hợp đồng “cứng” với họ nên luôn ở trạng thái bị động, bất lợi nếu họ ngừng giao dịch, và điều này đã được lực lượng Biên phòng, Hải quan khuyến cáo với nhiều vụ ùn tắc nông - lâm sản từng xảy ra ở cửa khẩu.

Chiều 13/5, ông Hoàng Khánh Hòa, Cục trưởng Hải quan Lạng Sơn, xác nhận hiện tất cả các cửa khẩu tiểu ngạch (lối mở nhỏ qua biên giới) cũng ngừng giao dịch lợn hơi. Tại 8 cửa khẩu tiểu ngạch của Lạng Sơn mở sang Trung Quốc, từ Tết Nguyên đán đến nay đã có khoảng 8.000 tấn lợn được làm thủ tục Hải quan xuất sang Trung Quốc, và ngày cao điểm có tới 50 xe chở lợn được làm thủ tục. Trung bình mấy ngày qua chỉ có khoảng 3-4 xe lên đây, và “không có việc dồn ứ hàng tại biên giới, cũng như các vấn đề về môi trường do lợn ốm, chết”, ông Hòa nói.

Theo ông Hòa, mặt hàng lợn xuất khẩu chỉ đi qua các cửa khẩu tiểu ngạch, và chính lực lượng như Hải quan, Biên phòng luôn tạo điều kiện cho hàng của ta xuất sang biên giới, nhưng cũng thường cảnh báo các chủ hàng, chủ xe phải thận trọng khi hàng đang được giá thì Trung Quốc thường “giở trò” mà không rõ lý do. Việc Hải quan Lạng Sơn không thể thông báo tình hình Trung Quốc ngừng nhập hàng cho các chủ hàng hoặc vùng sản xuất dưới xuôi là vì đây là thông tin hết sức nhạy cảm, bởi chỗ này chỗ nọ vẫn xuất được” - ông Hòa nói thêm.

Doanh nghiệp của ta phải đoàn kết…

Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn Phạm Ngọc Thưởng cho biết. Nếu có hợp đồng chính tắc, chắc chắn thương lái Trung Quốc sẽ phải chịu trách nhiệm với hàng tồn đọng khi ta mang đến biên giới, cũng theo ông Thưởng, hàng chục điểm có hàng qua lại biên giới (43 địa điểm) đều được Lạng Sơn kiểm soát chặt chẽ. Hàng của ta đi sang Trung Quốc cơ bản là đúng ngạch và chính ngạch, nhưng Trung Quốc lại luôn đề phòng là hàng lậu. Câu chuyện ở đây nằm ở chỗ các doanh nghiệp của ta thường mạnh ai nấy làm và thiếu tổ chức chặt chẽ. Có ngày tới dăm bảy trăm chuyến xe hàng đưa lên, lực lượng thông quan huy động tối đa nhân lực để cho xe qua.

“Như vậy là phía ta không có sự điều tiết và đoàn kết lại để chủ động. Lạng Sơn đã khuyến cáo bà con, khuyến cáo doanh nghiệp rằng khi làm ăn với Trung Quốc cần rõ ràng về hợp đồng, chứ cứ đưa dưa hấu, thanh long, lợn, nông lâm sản đến chợ đầu mối để tìm người thu mua thì rất bị động”, ông Thưởng nói.

Tuy nhiên, chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn nhận định “Trung Quốc vẫn cần hàng nông lâm sản của Việt Nam”, nếu bà con ta, các doanh nghiệp của ta biết liên kết lại để điều tiết hàng, thì ta sẽ làm chủ cuộc chơi. Các doanh nghiệp phải ngồi lại bàn bạc thế trận, đừng doanh nghiệp nào quan niệm thắng thua, mà phải vì lợi ích chung để cùng nhau thắng. Chẳng hạn hợp đồng là chỉ 300 xe/ngày, ngày mai vẫn vậy, chứ không ùn ùn kéo lên khiến Trung Quốc lại có cơ hội làm khó cho ta, ép giá ta”, ông Thưởng cho biết.

Lào Cai: Tỉnh thông báo kịp thời nên hạn chế ảnh hưởng

Trao đổi với Tiền Phong cùng ngày, ông Đặng Xuân Phong, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai, cho biết lợn đã bị ngừng giao dịch tại các cửa khẩu tiểu ngạch tỉnh này, nhưng số lượng chịu ảnh hưởng không lớn vì tỉnh đã thông báo rõ đến cho các chủ hàng, thương lái của ta để chủ động.

Đại tá Đỗ Ngọc Tuấn, Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng tỉnh Lào Cai nói với phóng viên Tiền Phong: “Trung Quốc đã có thông báo bằng văn bản qua đường ngoại vụ đến cho UBND tỉnh Lào Cai về việc ngừng giao dịch tất cả các mặt hàng nông lâm sản qua cửa khẩu tiểu ngạch nhằm chống hàng lậu qua biên giới và chống xuất nhập cảnh trái phép (còn hoạt động xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh qua cửa khẩu quốc tế vẫn diễn ra bình thường). Phía Trung Quốc còn đào hào, đổ bê tông, rào giậu tại tất cả các điểm có lối mòn biên giới và cửa khẩu tiểu ngạch. Họ còn nắm bắt những “vùng giao dịch hàng hóa” ở các cửa khẩu nhỏ phía ta (vì ta cho phép các chủ hàng đưa hàng lên xuất thí điểm) để chủ động cấm hết phía bên họ”.

MỚI - NÓNG