Thực chất nợ xấu ra sao?

Việc công bố các chỉ số sẽ khiến hoạt động của ngân hàng lành mạnh hơn. Ảnh: Hồng Vĩnh
Việc công bố các chỉ số sẽ khiến hoạt động của ngân hàng lành mạnh hơn. Ảnh: Hồng Vĩnh
TP - Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Văn Bình vừa ký ban hành Thông tư 35, quy định công bố thông tin về tiền tệ, hoạt động ngân hàng và ngoại hối.

> Công khai nợ xấu của ngân hàng
> Ngân hàng khép cửa vay tiêu dùng cuối năm

Trước mắt, sẽ công bố 5/12 chỉ số cốt lõi, trong đó có nợ xấu. Việc công khai thông tin sẽ góp phần định hướng dư luận, hạn chế thông tin sai lệch.

Việc công bố các chỉ số sẽ khiến hoạt động của ngân hàng lành mạnh hơn. Ảnh: Hồng Vĩnh
Việc công bố các chỉ số sẽ khiến hoạt động của ngân hàng lành mạnh hơn. Ảnh: Hồng Vĩnh.
 

Theo Thông tư 35, danh mục các thông tin được công bố bao gồm: tỷ giá bình quân liên ngân hàng, lãi suất, việc thành lập mua bán chia tách, hợp nhất các tổ chức tín dụng, diễn biến lãi suất trên thị trường liên ngân hàng, diễn biến thị trường vàng ngoại tệ; tổng số lượng và tổng số dư tài khoản tiền gửi thanh toán của cá nhân. Việc công bố thông tin sẽ được thể hiện trên webssite NHNN; tổ chức họp báo 6 tháng/lần hoặc đột xuất.

Đặc biệt, trong tình hình hoạt động của toàn hệ thống, NHNN sẽ công bố 5/12 chỉ số cốt lõi của các ngân hàng bao gồm: tỉ lệ an toàn vốn tối thiểu, tỉ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ, dư nợ của từng lĩnh vực trong tổng dư nợ, chỉ số ROA (lợi nhuận trên tài sản) và ROE (lợi nhuận trên vốn đầu tư) của hệ thống ngân hàng sẽ được công bố.

Đại diện NHNN khẳng định: các chỉ số này sẽ được công bố một cách đầy đủ, chính thức và định kỳ tháng, quý, sáu tháng, năm/lần. Việc mới công bố 5/12 chỉ số cốt lõi được xem là bước tiếp cận ban đầu do NHNN phải làm từng bước.

Theo ông Vũ Viết Ngoạn, Chủ tịch Ủy ban giám sát tài chính Quốc gia, việc NHNN sẽ công bố các chỉ số có liên quan đến các ngân hàng chắc chắn sẽ rất được dư luận quan tâm. “Bộ chỉ số của IMF mang tính cảnh báo cao và được nhiều quốc gia trên thế giới thực hiện”- Ông Ngoạn nói.

Cao thấp nợ xấu

Theo số liệu của NHNN, tính đến hết tháng 6-2011, tổng nợ xấu của hệ thống ngân hàng vào khoảng 75.000 tỷ đồng, tăng 50% so với cùng kỳ; Đến cuối tháng 7 tỷ lệ nợ xấu là 3,04% trên tổng dư nợ cho vay; hết tháng 8-2011 tỷ lệ này là 3,21%/ tổng dư nợ.

Đó là con số chung cả hệ thống, còn cụ thể, các ngân hàng thương mại lâu nay tỏ ra rất thoáng trong việc công bố kết quả lợi nhuận cũng như nhiều chỉ tiêu kinh doanh khác, nhưng lại khá dè dặt, thậm chí bí mật tỉ lệ nợ xấu. Như tháng 10-2011 chỉ một vài ngân hàng công bố tỷ lệ nợ xấu, như: Vietcombank ở mức 3,9%. Việc bí mật tỷ lệ nợ xấu, khiến người dân không biết đâu mà lần, khi chọn mặt ngân hàng gửi tiết kiệm.

Tuy nhiên, quan trọng hơn là tỷ lệ nợ xấu trên đã “tính đúng, tính đủ”? Trong một phân tích gần đây, các chuyên gia Trung tâm thông tin và dự báo kinh tế xã hội (Bộ KH&ĐT) cho biết, theo tổ chức định mức tín nhiệm Fitch Rating, tỷ lệ nợ xấu của Việt Nam là 13% trong khi con số này do NHNN tính toán chỉ là 2,37% (tính đến 20-6). Đối chiếu các tiêu chuẩn quốc tế thì cách tính tỷ lệ nợ xấu của Fitch Rating khác với cách tính của Việt Nam.

Dựa vào kinh nghiệm và quá trình theo dõi, giám sát hoạt động, việc sử dụng các khoản vay của doanh nghiệp, Fitch Rating đưa ra dự đoán khả năng trả nợ của doanh nghiệp và phân loại nợ ngay từ khâu này. Theo cách đó, việc ghi nhận các khoản nợ xấu có thể sẽ sớm hơn, và tỷ lệ nợ xấu theo cách tính quốc tế có thể cao hơn nhiều so với con số công bố của NHNN.

Bộ chỉ số lành mạnh tài chính theo chuẩn mà Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF) xây dựng gồm 40 chỉ số tài chính trong đó có 25 chỉ số phản ánh tình hình tài chính của khu vực nhận tiền gửi; 12 chỉ số cốt lõi và 13 chỉ số khuyến khích.

Theo NHNN, hiện trên thế giới có 96 quốc gia và vùng lãnh thổ đang công bố bộ chỉ số lành mạnh với định kỳ quý, 6 tháng, năm. Các nước phát triển thường công bố cả bộ 40 chỉ số, còn những nước đang phát triển và mới nổi chưa công bố được đầy đủ. Khu vực châu Á, có 11 quốc gia công bố.

 
Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG