Thúc đẩy làn sóng đầu tư, khởi nghiệp

Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc trao đổi với Đại sứ Israel Meirav Eilon Shahar về câu chuyện khởi nghiệp. Ảnh: Quang Sang.
Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc trao đổi với Đại sứ Israel Meirav Eilon Shahar về câu chuyện khởi nghiệp. Ảnh: Quang Sang.
TP - Thúc đẩy làn sóng đầu tư mới, khởi nghiệp mới ở Việt Nam; doanh nghiệp phải đổi mới, sáng tạo, thay vì chỉ lo lót, quan hệ… là những vấn đề gây chú ý tại Hội thảo quốc tế về nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và đổi mới, phát triển doanh nghiệp. Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế T.Ư Vương Đình Huệ chủ trì hội thảo ngày 26/3.

Đuối sức, giỏi lo lót, quan hệ

Tại hội thảo, ông Phạm Đình Đoàn, Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái, nói rằng, khối doanh nghiệp (DN) tư nhân đang đóng góp trên 50% GDP cho đất nước, nhưng phần lớn là DN nhỏ, siêu nhỏ, ít DN quy mô lớn và phát triển bền vững. “Đa số họ tập trung đầu tư vào đất đai, tài chính, ngân hàng, khai thác mỏ… là các lĩnh vực có thể tận dụng quan hệ xin-cho. Ít DN đầu tư sản xuất, dịch vụ công nghệ cao, sáng tạo, nên việc kết nối với DN có vốn đầu tư nước ngoài cũng kém”, ông Đoàn nhận định. 

Ông Đoàn cho rằng, DN tư nhân chưa được đối xử bình đẳng về tiếp cận nguồn lực. Tình trạng thương mại hoá quan hệ, với một số ưu đãi ngầm, lợi ích có được nhờ sự quan hệ thân tín với cơ quan công quyền, không từ năng lực và nỗ lực của mình sẽ làm cho DN tư nhân khó phát triển. “Nếu cứ tiếp tục loanh quanh sự ưu ái, nuông chiều như vậy, kinh tế tư nhân không thể phát triển được, còn làm tổn hại tới động lực phát triển của Việt Nam”, ông Đoàn nói. Ông Đoàn cũng cho rằng, Nhà nước cần dỡ bỏ mọi ưu đãi, thiên vị trong tiếp cận đất đai, tài nguyên, tín dụng, cơ hội mua sắm công, hoặc đối xử ưu ái trong chống độc quyền, nghĩa vụ thuế.

Theo ông Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội DN vừa và nhỏ Việt Nam, mấy năm gần đây, DN nhỏ và vừa có dấu hiệu đuối sức khi hội nhập. DN xuất hiện sự chia rẽ, phân tầng trong liên kết. “DN nào quan hệ tốt với chính quyền được tiếp cận khoáng sản và nhiều nguồn lực kinh doanh, áp đảo các DN khác, khiến nhiều DN nản chí”, ông Nam nói. Tuy nhiên, dẫn kết quả một cuộc khảo sát nhỏ gần đây, ông Nam cho hay, nếu 5-10 năm trước, khi hỏi các DN về “quan hệ”, họ nói rằng đó là việc của người khác, là “lộc” của người ta. Nhưng nay, họ nhìn nhận rằng, những DN đó chả có tài cán gì, chỉ giỏi lo lót. Đây là một sự thay đổi trong đánh giá hành vi không đúng với nguyên tắc kinh doanh.

Để có làn sóng đầu tư, khởi nghiệp

“Liệu sẽ có làn sóng đầu tư, khởi nghiệp mới ở Việt Nam hay không?”, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), dẫn băn khoăn của GS Vương Đình Huệ. Điều đó phụ thuộc vào việc “có làn sóng cải cách thể chế hay không”, ông Lộc nói. “Thể chế nào, DN đó. Ở bầu thì tròn, ở ống thì dài. Vậy nên, DN cần một thể chế, bệ đỡ tốt cho sự phát triển của mình”, Chủ tịch VCCI phát biểu. Theo ông, Chính phủ phải hành động cả “hai tay” - tạo môi trường minh bạch, thuận lợi cho DN cạnh tranh, đồng thời có chính sách hỗ trợ DN vừa và nhỏ. 

Ở Mỹ, Nhật hay Liên minh châu Âu, họ đều làm việc đó. Ông Lộc cho rằng, lâu nay, chúng ta hỗ trợ DN chưa đồng bộ, ai khó khăn, kêu nhiều thì hỗ trợ. “Ở đây là hỗ trợ DN có khả năng cạnh tranh, đang khó khăn tạm thời, cần giúp họ vươn lên, chứ không hướng vào DN dễ đổ vỡ”, ông Lộc nói. Theo Chủ tịch VCCI, ở các địa phương cần thành lập trung tâm hành chính công do DN tư nhân xây dựng, Nhà nước thuê lại. Đây là đầu mối giải quyết các thủ tục cho người dân, DN, mọi thứ đều minh bạch, rõ ràng.

“Bên cạnh Nhà nước, Chính phủ phải nỗ lực vượt lên, đáp ứng nhu cầu phục vụ, kiến tạo cho DN phát triển, thì các DN cũng phải nâng tầm mình lên, về quản trị; xây dựng sự liêm chính, minh bạch, đổi mới sáng tạo là cốt lõi, hơn là dựa trên quan hệ thân tín để tiếp cận nguồn lực”. 

Trưởng Ban Kinh tế T.Ư Vương Đình Huệ 

Ông Phạm Đình Đoàn cho rằng, cơ quan quản lý cần thay đổi tư duy quản lý sang trách nhiệm phục vụ, hướng dẫn DN phát triển, giảm sự nhũng nhiễu, thờ ơ, thiếu trách nhiệm của công chức, thực hiện khẩu hiệu “không làm được là có tội với DN và đất nước”. Theo ông Đoàn, nếu DN hội nhập bằng năng lực, sáng tạo, bằng sản phẩm, hàng hoá thì Nhà nước phải hội nhập bằng cơ chế, chính sách và tinh thần hỗ trợ DN phát triển. “Cộng đồng DN có thể phản biện, giám sát và chấm điểm các cơ quan công quyền, chính phủ để làm cơ sở đánh giá, cải thiện chất lượng dịch vụ cũng như việc cân nhắc, bộ nhiệm cán bộ”, ông Đoàn nói.

Bà Victoria Kwakwa, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, cũng cho rằng, thể chế không chỉ nằm trong khung pháp lý. Đó chính là những thủ tục rườm rà, quan liêu, thiếu minh bạch, thiếu tin cậy, không cung cấp dịch vụ phù hợp… làm hạn chế hoạt động của DN.

Phát triển vườn ươm, quỹ đầu tư mạo hiểm

Theo các chuyên gia, một trong những nguyên nhân khiến khởi nghiệp ở Việt Nam còn hạn chế là thiếu các quỹ đầu tư mạo hiểm. Dẫn ví dụ từ đất nước nhỏ bé, đất đai cằn cỗi như Israel, TS Nguyễn Quốc Toản, Phó Chánh văn phòng Ban Kinh tế T.Ư, cho hay, vốn duy nhất của họ chính là con người. “Cứ 1.844 người Israel thì có một DN, chủ yếu là DN trong lĩnh vực công nghệ và đầu tư mạo hiểm”, ông Toản nói.

Theo chia sẻ của Đại sứ Israel tại Việt Nam, bà Meirav Eilon Shahar, Israel có hơn 5.000 công ty khởi nghiệp và số lượng kỹ sư tính trên đầu người lớn hơn bất cứ nước nào trên thế giới. Bà Shahar cho biết, Israel rất thành công trong việc thiết lập tam giác liên kết giữa chính phủ với viện, trường và khối tư nhân. 

Thông qua Văn phòng Nhà khoa học trưởng, chính phủ Israel tiếp cận các đối tác tư nhân, tạo ra các nguồn vốn đầu tư mạo hiểm. Israel hiện có 19 vườn ươm kinh doanh do tư nhân quản lý và nhiều chương trình khuyến khích phát triển công nghệ, hỗ trợ kinh doanh. Mỗi năm, Văn phòng Nhà khoa học trưởng cấp khoảng 1 tỷ USD cho các vườn ươm. Bà Shahar cho biết, qua vườn ươm, có tới 85% số DN khởi nghiệp thành công. “Trường hợp khởi nghiệp không thành công, họ sẽ được tiếp tục nhận được sự hỗ trợ, khi làm ăn được, họ phải trả lại phần vay đó. Còn DN không thành công, chính phủ chịu phần chi phí rủi ro”, bà nói.

Theo TS Toản, hiện nhiều nơi trên thế giới sử dụng quỹ đầu tư mạo hiểm để hỗ trợ khởi nghiệp. Chia sẻ về câu chuyện khởi nghiệp tại Việt Nam, chuyên gia kinh tế Lưu Bích Hồ cho rằng, Nhà nước cần giữ vai trò kiến tạo, “nhóm lửa, thổi lửa”; khu vực kinh tế tư nhân chính là nền tảng, tạo thành những “bếp lửa”, “cánh đồng lửa” cho sự khởi nghiệp. Tuy nhiên, ông lưu ý, các quỹ đầu tư cần để cho tư nhân, tổ chức phi chính phủ, cộng đồng quản lý, với quy chế chặt chẽ tránh lợi ích nhóm chi phối, cản trở khởi nghiệp.

MỚI - NÓNG