Thực hư chuyện mở room

Thực hư chuyện mở room
Hai ngày gần đây, trên một số diễn đàn CK rộ lên thông tin tỉ lệ sở hữu (room) trong lĩnh vực ngân hàng có thể được tăng từ 30% lên 35%. Những thông tin trên cũng được ghép nối với diễn biến giao dịch mạnh khá bất thường của NĐTNN.
Thực hư chuyện mở room ảnh 1
Vấn đề mở "room" là chuyện khá cũ và có thể đang được diễn giải nhầm bối cảnh.

Tuy nhiên, theo những nguồn tin đáng tin cậy, vấn đề mở "room" là chuyện ũ và có thể đang được diễn giải nhầm bối cảnh.

Vẫn là kiến nghị

Theo một số nguồn tin riêng, chuyện mở room nóng trở lại những ngày qua là do được khơi lên đúng thời điểm cuối năm 2008, còn vấn đề đó tiến triển đến đâu lại là chuyện khác. Đây thực chất là một vấn đề khá cũ.

Thời điểm thị trường bi quan khoảng giữa năm 2008, hàng loạt giải pháp được kiến nghị, trong đó có khả năng tăng thêm tỉ lệ sở hữu của NĐTNN trong lĩnh vực NH từ 30% lên 35%. Một số tổ chức như Hiệp hội các NĐT Tài chính (Vafi) cũng có văn bản kiến nghị về vấn đề này và cũng nóng lên trên các phương tiện truyền thông đại chúng một thời.

Thị trường hai ngày gần đây rộ lên tin về khả năng mở room NH theo hướng trên. Thực chất, đề xuất này từ lâu đã được UBCKNN kiến nghị nhiều lần trong các cuộc họp liên quan, thậm chí liên tục đặt lại vấn đề nhưng vẫn chưa có quyết định cuối cùng.

"Kiến nghị các giải pháp là trách nhiệm của cơ quan quản lý thị trường nhưng thẩm quyền quyết ở các cấp cao hơn. Thậm chí nhiều lúc có kiến nghị tưởng đã được mà cuối cùng lại không được, chẳng hạn chuyện thuế thu nhập từ đầu tư CK", một nguồn tin cho biết.

Việc tin đồn xuất hiện gần đây trên TTCK khá nhiều, đặc biệt trong thời điểm thị trường đang có xu hướng tự điều chỉnh bằng giá trị của DN niêm yết. Những thông tin như vậy có thể gây ra nhiều hiệu ứng trái chiều.

Theo ý kiến từ phía Vafi: "Chỉ khi nào có quyết định chính thức thì mới có thể chắc chắn. Hiện tại, bất kỳ động thái kiến nghị cải thiện môi trường đầu tư nào cũng tích cực và đáng hoan nghênh. Tuy nhiên, thông tin có thể được thị trường diễn giải trong thời điểm khác so với văn cảnh của phát ngôn cũng có thể gây ra sự hụt hẫng nếu kiến nghị đó không được thực thi".

Theo quan điểm cá nhân của một quan chức cao cấp trong UBCKNN, việc mở room trong lĩnh vực NH có nhiều điểm tích cực. Hiện VN đã cấp phép thành lập nhiều NH 100% vốn nước ngoài trong khi đầu tư gián tiếp mới cho đến 30%. Đối với các NHTMNN được CPH, tỉ lệ sở hữu của NĐTNN có thể được điều tiết còn đối với các NHTMCP nhỏ, thậm chí đang ốm yếu, "dặt dẹo" thì việc mở room cho NĐTNN sẽ giúp các NH đó tăng năng lực vốn.

Trong bối cảnh khủng hoảng tài chính toàn cầu đang diễn ra sâu sắc hơn thì sức đề kháng của các NH khác nhau mới bộc lộ rõ. Theo báo cáo của Nhóm công tác NH tại Diễn đàn DN Việt Nam tháng 12 vừa qua, cả nước hiện có 80 NH đang hoạt động, trong đó 20 NH hàng đầu thâu tóm hầu hết các hoạt động kinh doanh. Khoảng 25% NH xếp hạng cuối đều gặp khó khăn và hầu hết trong tình trạng thiếu vốn, khó có thể trụ vững.

VN đang có quá nhiều NH so với quy mô thị trường và nhóm NH xếp hạng cuối là mối đe dọa đối với sự phát triển ổn định của hệ thống do tính bất ổn và thiếu khối lượng khách hàng tối thiểu. Do đó, cần khuyến khích sự hợp nhất trong lĩnh vực NH.

Vấn đề room cho NĐTNN cũng được đề cập từ góc độ cần một lộ trình rõ ràng về thời gian cũng như mức độ tăng về tỉ lệ sở hữu này nhằm giúp các đối tác chiến lược nước ngoài và các NH trong nước chủ động xây dựng kế hoạch cụ thể. Sự minh bạch rõ ràng sẽ giúp cho việc xây dựng bước tiếp cận hiệu quả và có kế hoạch hơn.

Vốn ngoại hướng vào ngành sản xuất

Ngoài những thông tin liên quan đến việc Cty Tài chính quốc tế (IFC) thoái vốn tại Sacombank (STB), các giao dịch CP liên quan đến khối NH vẫn chỉ xuất phát từ NĐTTN. Hiện mức room đối với STB vẫn chưa "hở" ra quá một tuần, dù đôi lúc vẫn có các giao dịch bán ra lẻ tẻ của NĐTNN.

Việc NĐTNN mua vào mạnh mẽ gần đây tiếp tục xoay quanh khối DN sản xuất cơ bản và nhóm DN tài chính. Chỉ tính riêng trong 12 phiên gần đây khi họat động giao dịch của NĐTNN có sự nổi bật nghiêng về bên mua, giá trị mua ròng trên sàn HoSE (cả thỏa thuận) đạt 252 tỉ đồng và trên sàn HaSTC đạt 131,6 tỉ đồng. Các giao dịch của NĐTNN luôn khác lạ và khó lý giải trong con mắt của NĐTTN.

Tuy nhiên, theo nhận định của một số chuyên gia phân tích nước ngoài tại Việt Nam, TTCK thời điểm hiện tại không quá bi quan nhưng cũng không quá lạc quan và thông tin tích cực lẫn tiêu cực khá cân bằng.

Ông Ken Tai Chee Ming của CTCK KimEng cho rằng các thông tin về vĩ mô hiện đang có dấu hiệu tốt dần lên như giá xăng dầu, lạm phát giảm... có tác dụng hỗ trợ. Tuy nhiên, vấn đề lớn là thâm hụt thương mại hiện đã tăng lên 17,5 tỉ sẽ ảnh hưởng không tốt đến tăng trưởng và tỉ giá. Ý kiến này cho rằng VN-Index sẽ được đỡ rất mạnh ở mức 300 điểm và chỉ có thể "gãy" nếu có những thông tin cực xấu như suy thoái kinh tế mạnh ở Châu Á hoặc gói kích cầu không phát huy tác dụng.

Chuyên gia Fiachra Mac Cana của HSC thì cho rằng, thị trường đang thiếu một tia lửa để có thể bùng cháy. Tâm lý NĐT không phải là bi quan mà là thờ ơ. Trong ngắn hạn thì thị trường có thể sẽ phản ứng theo hai cách: Hoặc là sẽ có một tia lửa, chẳng hạn như thông tin cụ thể về gói kích thích tăng trưởng kinh tế hoặc thị trường sẽ bắt đầu trôi dạt xuống sâu hơn trước kỳ nghỉ Tết Nguyên đán do các động lực thúc đẩy đã cạn kiệt.

Theo Nguyễn Hoàng
Lao động

MỚI - NÓNG