Thực hư chuyện ‘thiệt hại nghìn tỷ’ của nhà mạng

Thực hư chuyện ‘thiệt hại nghìn tỷ’ của nhà mạng
Dịch vụ nhắn tin miễn phí bị các nhà mạng coi là một nguyên nhân làm giảm doanh thu nghìn tỷ nhưng bản chất của sự việc lại nằm ở câu chuyện khác.

Thực hư chuyện ‘thiệt hại nghìn tỷ’ của nhà mạng

> Cước di động sẽ ‘té nước theo xăng’?
> Việt Nam sẽ phải ứng xử như thế nào đối với dịch vụ OTT?

Dịch vụ nhắn tin miễn phí bị các nhà mạng coi là một nguyên nhân làm giảm doanh thu nghìn tỷ nhưng bản chất của sự việc lại nằm ở câu chuyện khác.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Cách đây hơn 1 năm, khi hầu hết các mạng di động vẫn giữ tốc độ tăng trưởng doanh thu vài chục phần trăm, tác động của những ứng dụng nhắn tin miễn phí (OTT) như Viber, Whatsapp, Yahoo Messenger, Line, Wechat… gần như không được nói tới. Trên thực tế, hàng chục triệu người dùng Việt Nam đã làm quen với các ứng dụng này từ lâu và sử dụng hàng ngày.

Trong khi đó, với 6 tháng đầu năm 2013, tình hình đã khác hẳn. Nguồn tin từ Viettel cho biết, 6 tháng đầu năm 2011, Viettel phát triển được 5 triệu thuê bao thì 6 tháng đầu năm 2013, Viettel chỉ phát triển được 1,8 triệu thuê bao. Bên cạnh đó, trong khi thuê bao 2G tăng trưởng chậm thì sử dụng dịch vụ 3G tăng rất nhanh. Nguồn tin từ VinaPhone và MobiFone cũng cho biết thông tin tương tự.

Việc thuê bao 2G tăng trưởng chậm phản ánh thị trường di động đã tiến tới ngưỡng bão hòa và doanh thu từ các dịch vụ như thoại và SMS truyền thống sẽ khó tăng như trước. “Điều này xảy ra đồng thời với sự phát triển mạnh của các ứng dụng OTT nên có thể nhận định là OTT là nguyên nhân làm cho nhà mạng giảm doanh thu cũng có cái lý. Tuy nhiên, lý do chính không nằm ở OTT mà ở sự bão hòa của thị trường”, CEO của một công ty kinh doanh tin nhắn trên mạng di động bình luận.

Ông này tiết lộ, khi doanh thu từ các dịch vụ truyền thống khó tăng mạnh, nguồn thu từ 3G có thể là “nồi cơm chính” trong tương lai thì việc tìm cách chĩa mũi nhọn sang dịch vụ OTT để bảo vệ “nồi cơm” của mình là điều dễ hiểu. “Ở đây đơn thuần là lợi ích của một nhóm các ông lớn di động và họ cần tìm ra những lý do tăng doanh thu từ 3G và OTT là một cái cớ”, ông này bình luận.

Trên thực tế, khi theo dõi việc OTT làm giảm doanh thu của nhà mạng ra sao, mỗi lãnh đạo mạng di động nói một con số khác nhau. Ông Nguyễn Đăng Nguyên - Phó tổng giám đốc VMS-MobiFone cung cấp, nhà mạng Việt “thất thu” xấp xỉ 1.000 tỷ mỗi năm do ảnh hưởng từ các ứng dụng nhắn tin miễn phí (OTT). Còn ông Đỗ Vũ Anh - Trưởng ban Viễn thông Tập đoàn VNPT lại đưa ra một thống kê khác: mỗi năm dịch vụ nhắn tin miễn phí đã “thiệt hại” khoảng 9-10% doanh thu của các mạng di động. Còn ông Bùi Quốc Việt, Giám đốc Trung tâm thông tin và quan hệ công chúng thì cho rằng nhà mạng có thời điểm mất tới 30-40% doanh thu vì các dịch vụ OTT.

Tuy nhiên, việc chứng minh cơ sở của những con số trên không được các nhà mạng làm rõ và số liệu đưa ra không thống nhất.

Về câu chuyện “thiệt hại” nghìn tỷ của các nhà mạng, những người ngoài cuộc đã có những góc nhìn riêng của họ. Trên một bài báo của VnEconomy, chuyên gia công nghệ Nguyễn Thế Tân, Phó tổng giám đốc Công ty Cổ phần Truyền thông Việt Nam (VC Corp) cho rằng, khi smartphone phát triển, những ứng dụng OTT sẽ có một vai trò chủ đạo, bởi người ta sẽ rất ít khi nhắn tin kiểu thông thường nữa. Nhắn trên OTT vừa thuận lợi hơn, vừa tiết kiệm hơn vì miễn phí. “Khi xem xét một dịch vụ có nên hạn chế hay không thì mình phải đứng ở góc độ người tiêu dùng, chứ không đứng ở góc độ doanh nghiệp. Ở đây, nhà mạng thiệt hại có thể nghìn tỷ đồng, nhưng người tiêu dùng lại được lợi nghìn tỷ.”.

Ông Tân cho rằng nhà nước nên có chính sách bảo vệ người tiêu dùng, không cho phép các nhà mạng hạn chế các loại dịch vụ. Nhà mạng không cung cấp được dịch vụ nhắn tin miễn phí mà người khác cung cấp được thì anh phải chấp nhận rút lui khỏi thị trường ở dịch vụ đó.

Tại Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm của Cục Viễn Thông, đại diện Bộ TT&TT cho biết trong thời gian tới sẽ tổ chức Hội thảo về các dịch vụ OTT để xem xét lợi ích giữa các nhà cung cấp dịch vụ nhắn tin miễn phí với các nhà mạng. Từ đó sẽ có đưa ra những chính sách quản lý phù hợp nhất.

Theo Hải Anh
Dân trí

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG