Thúc nhanh thoái vốn và bán vốn

Thúc nhanh thoái vốn và bán vốn
TP - Tuần qua, Ủy ban chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đã phối hợp với Cục Tài chính doanh nghiệp (TCDN) và Sở GDCK Hà Nội (HNX) tổ chức Hội nghị phổ biến một số chính sách mới về thoái vốn, bán cổ phần, đăng ký giao dịch và niêm yết trên thị trường chứng khoán.

Ông Đặng Quyết Tiến - Phó Cục trưởng Cục TCDN Bộ Tài chính cho biết, trong thời gian qua, Chính phủ cũng như Bộ Tài chính, phối hợp với rất nhiều đơn vị đã tập trung hoàn thiện hệ thống thể chế để thúc đẩy vấn đề sắp xếp, đổi mới và tái cơ cấu các doanh nghiệp Nhà nước. Thống kê của Cục TCDN, trong giai đoạn từ năm 2011-2013, chỉ có 99 DNNN cổ phần hóa. Theo kế hoạch giai đoạn 2014-2015, con số này sẽ là 432 DNNN. 9 tháng đầu năm 2014, đã có 71 DNNN cổ phần hóa.

Tính đến cuối năm 2013, giá trị đầu tư của các Tập đoàn, Tổng công ty vào các lĩnh vực nhạy cảm (chứng khoán, quỹ đầu tư, bảo hiểm, tài chính ngân hàng, bất động sản) vào khoảng trên 21 nghìn tỷ đồng. Tính cả năm 2013 và 9 tháng 2014, đã thoái hơn 4,4 nghìn tỷ đồng, giá trị còn phải thoái trong năm 2015 là hơn 16 nghìn tỷ đồng.

Hiện tại, HNX là đơn vị được Bộ Tài chính giao vận hành cả thị trường đăng ký giao dịch (UPCoM) và thị trường giao dịch cổ phiếu niêm yết. Ngay tại hội nghị, HNX đã giới thiệu về công tác tổ chức đấu giá, về thị trường giao dịch cổ phiếu niêm yết và thị trường UPCoM. Đồng thời, HNX cũng chia sẻ các lợi ích của việc thực hiện đăng ký giao dịch/niêm yết tới các doanh nghiệp, giới thiệu về các hồ sơ thủ tục, trình tự và hỗ trợ của HNX khi đưa doanh nghiệp đưa cổ phiếu lên giao dịch tập trung. Để chuẩn bị cho các cuộc đấu giá, cũng như là hỗ trợ doanh nghiệp sau đấu giá có thể tham gia giao dịch trên thị trường tập trung, HNX đã chuẩn bị sẵn sàng cả về hệ thống công nghệ và con người để phục vụ các doanh nghiệp.

Tại Hội nghị, các đại biểu đến từ các Tập đoàn, Tổng Công ty và DNNN đặt nhiều câu hỏi đề cập đến các vấn đề cụ thể khi triển khai các quy định mới về thoái vốn, bán cổ phần như cách xác định giá thỏa thuận khi bán cổ phần, cơ chế mua lại của SCIC, trình tự thủ tục thoái vốn, trích lập dự phòng đầu tư tài chính,…đồng thời chia sẻ những vướng mắc khi muốn bỏ qua giai đoạn lên UPCoM và tiến hành niêm yết ngay sau khi cổ phần hóa.

Theo Chủ tịch UBCKNN Vũ Bằng, tới đây, UBCKNN sẽ đề nghị phía Cục TCDN cùng với UBCKNN, Sở GDCK, Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC), Trung tâm lưu ký chứng khoán Việt Nam xem xét và kiến nghị các biện pháp tháo gỡ trình Chính phủ để giải quyết các vấn đề còn tồn đọng.

Với quyết định 51, Thủ tướng Chính phủ đã quán triệt chủ trương triển khai công tác thoái vốn, cổ phần hóa theo Đề án tái cơ cấu được duyệt và gắn trách nhiệm của các Bộ, địa phương, tập đoàn, tổng công ty trong việc thoái vốn, cổ phần hóa theo kế hoạch và đề án tái cơ cấu.

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.