Thuê Tổng giám đốc cho Doanh nghiệp Nhà nước?

Thuê Tổng giám đốc cho Doanh nghiệp Nhà nước?
Đề án này do Tổng Cty Thiết bị kỹ thuật điện soạn thảo và cũng sẽ là doanh nghiệp Nhà nước đầu tiên được Bộ Công nghiệp giao thí điểm mô hình này.

Đề án vừa được Bộ Công nghiệp bàn thảo nhằm hoàn thiện trước khi trình lên Thủ tướng Chính phủ xem xét.

Mức lương nào cho TGĐ?

Theo Bản đề án: TGĐ được toàn quyền điều hành các hoạt động sản xuất kinh doanh của Tổng Cty. Được quyền đề xuất phương án bổ nhiệm, miễn nhiệm, khen thưởng, kỷ luật, ký và chấm dứt hợp đồng đối với các chức danh: Phó TGĐ, GĐ các đơn vị thành viên để HĐQT xem xét quyết định và chỉ đạo HĐQT các đơn vị thực hiện. Được quyền tổ chức, sắp xếp bộ máy văn phòng Tổng Cty và quyết định các chi tiêu tài chính cho bộ máy văn phòng có giá trị không quá 500 triệu đồng.

Theo Tổng Cty TBKTĐ, mục đích của đề án thuê TGĐ nhằm: “tách bạch” chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của đại diện chủ sở hữu tại Tổng Cty là HĐQT và cơ quan điều hành trực tiếp (TGĐ); tránh được sự chồng chéo của các chức danh này như hiện nay. Đồng thời, tránh được mâu thuẫn trong việc phân định quyền hạn của TGĐ đối với HĐQT, Chủ tịch các đơn vị thành viên hoạt động theo mô hình Cty TNHH Nhà nước một thành viên hoặc Cty cổ phần Nhà nước giữ cổ phần chi phối. Nó sẽ gắn với trách nhiệm và quyền hạn, tạo ra động lực mạnh mẽ cho công tác điều hành của TGĐ.

Bộ trưởng Công nghiệp Hoàng Trung Hải nêu vấn đề: “Có dám thuê nhân lực là người nước ngoài để làm TGĐ không? Mức lương trả cho TGĐ có nhất thiết phải dựa vào thang bảng lương do Bộ Tài chính quy định? Trao quyền tuyển chọn bộ máy cho TGĐ có làm giảm vai trò lãnh đạo của Đảng? Theo tôi, cần làm rõ những vấn đề này trong đề án, nếu không lại vẫn như cũ”. 

Dự thảo đề án của TCty TBKTD, phần mối quan hệ giữa HĐQT và TGĐ nêu: Chủ tịch và các thành viên chuyên trách HĐQT của TCty hưởng lương theo thang bảng lương của Nhà nước hiện hành do Bộ Công nghiệp quyết định. Đề nghị chủ sở hữu quyết định mức tiền thưởng năm tương ứng với hiệu quả hoạt động SXKD của TCty cho  các thành viên HĐQT và bộ máy giúp việc.

Bộ trưởng Hoàng Trung Hải cho rằng: “Không nên đưa khái niệm lương công chức vào đây. Nhược điểm của thang bảng lương DN bấy lâu vẫn lấy lương công chức làm “thước”. Mỗi DN nên tự xây dựng bảng lương để vừa giữ được nhân tài, đồng thời cân đối được nguồn tài chính. Đối với các nước, lương HĐQT và TGĐ được xây dựng thông qua đại hội cổ đông. Như vậy, sẽ rạch ròi, làm tốt thì thưởng, không tốt sẽ bị phạt”.

Đến phần lương của TGĐ, dự kiến tiền lương TGĐ không thấp hơn 300 triệu/năm và tiền thưởng được hưởng từ 2 – 5% mức lợi nhuận sau thuế vượt thêm so với năm trước (không bao gồm các yếu tố phi sản xuất). Nhiều ý kiến cho rằng, quy định như vậy là không phù hợp. Mức lương thưởng của TGĐ phải do đại hội cổ đông quyết định là tốt hơn.

Chọn “Tây” hay chọn “ta”?

Đây là vấn đề được bàn cãi khá sôi nổi. Trong Luật DN 2003, việc thuê TGĐ không phân biệt quốc tịch, độ tuổi và thành phần chính trị xã hội.  Miễn là đủ năng lực chịu trách nhiệm hình sự và đáp ứng các điều kiện “cần” và “đủ” của DN. Vậy, các TCty có dám thuê “Tây” không? Có ý kiến cho rằng nên thuê người Việt và là đảng viên. Như thế sẽ, không bị hạn chế về bất đồng ngôn ngữ, văn hóa, ứng xử…

Mặt khác, trong quan hệ giao dịch, tránh đi một vài suất phiên dịch! Hơn nữa, nếu là Đảng viên thì vai trò lãnh đạo của Đảng được thể hiện rõ nét hơn. ý kiến khác lại cho rằng, thuê “Tây” thì sẽ hiệu quả hơn bởi những đối tượng này thường có kinh nghiệm nhiều năm trong kinh tế thị trường, các giao dịch thương mại, pháp lý quốc tế nắm rất chắc, tránh được những rủi ro tiềm ẩn  trong giai đoạn đầu của hội nhập.

Nhưng một vấn đề khác lại nảy sinh: Nếu thuê “Tây” thì với khối tài sản lớn của DN như vậy, nếu không có cơ chế pháp lý ràng buộc thì có phải “mang trứng gửi cho ác” không? “Cần phải có hợp đồng chặt chẽ, cần thiết yêu cầu đối tác có tài sản thế chấp, hoặc các giấy tờ chứng minh khả năng kinh tế của mình, đề phòng những rủi ro trong nhiệm kỳ lãnh đạo của TGĐ” – Một chuyên gia của Bộ Công nghiệp nói.

Về quyền hạn của TGĐ, nhiều ý kiến cho rằng, trong dự thảo đề án vẫn còn “sợ” TGĐ có quá nhiều quyền, đặc biệt là quyền lựa chọn bộ máy, bởi TGĐ được thuê không bao giờ nương tay hay nể nang…

Theo Bộ trưởng Hoàng Trung Hải khi thực hiện ký hợp đồng với TGĐ thì cơ cấu của HĐQT cũng cần phải sắp xếp lại theo hướng chỉ nên để 1 hoặc 2 người chuyên trách để tránh việc chồng chéo chức danh và giảm vai trò lãnh đạo của TGĐ. ở giai đoạn thí điểm ban đầu nên thuê TGĐ là người Việt Nam và nếu đề án này được phê duyệt thì cần phải thực hiện một cách mạnh mẽ. Nếu không, sẽ vẫn như cũ. Theo Bộ trưởng Hoàng Trung Hải sau 2 tuần nữa dự thảo đề án sẽ được hoàn thiện trình Thủ tướng ký duyệt.

MỚI - NÓNG