Thủng túi, 'bạc' mặt vì vàng

Giá vàng đang tiếp tục "mò đáy".
Giá vàng đang tiếp tục "mò đáy".
Rơi thẳng đứng rồi tăng dựng ngược, thị trường vàng Việt Nam đang trải qua những ngày "đáng nhớ". Tuy nhiên, với xu hướng tiếp tục "mò đáy", vàng đang đánh mất niềm tin của hàng triệu nhà đầu tư trên thế giới.

Điều gì đang xảy ra trên thị trường vàng?

Sau một thời gian dài ảm đạm, lên xuống cầm chừng, giá vàng trong mấy ngày giữa tháng 7 đã khiến thị trường tài chính xôn xao với những phiên giao dịch đầy biến động. Ngày 16/7, giá vàng SJC có phiên biến động mạnh nhất trong vòng gần 4 năm qua: sau hơn 50 lần điều chỉnh trong ngày, SJC đã đánh mất tới 800 nghìn đồng/lượng, xuống dưới 32 triệu đồng/lượng. Tuy nhiên, mức điều chỉnh "khủng" này chưa nhằm nhò gì so với ngày 17/7, khi các "nhà vàng" mỏi tay điều chỉnh tới… 80 lần trong ngày.

Có những thời điểm, lần điều chỉnh sau chỉ cách lần điều chỉnh trước 1-2 phút. Buổi sáng, giá vàng tiếp tục điều chỉnh giảm, sau đó đột ngột đảo chiều tăng liên tục cho đến khi đóng cửa. Dù mức tăng không bằng đà giảm phiên liền trước, nhưng sau khi "vớt" được 600 nghìn đồng, giá vàng đã "ngang nhiên" móc túi những người trót "yếu tim" xả hàng trước đó chỉ vài giờ đồng hồ. Với diễn biến này, giá vàng SJC đã hình thành xu hướng chữ V chỉ trong 2 ngày liên tiếp. Song, mức tăng này không giữ được lâu, sang ngày 18/7, giá vàng lại quay đầu giảm. Đây được xem là đợt biến động phức tạp nhất của giá vàng kể từ năm 2014. 

Với mức sụt giảm thê thảm và tăng giá cũng chóng mặt, giá vàng SJC được đánh giá là có diễn biến bất thường. Dù chủ đạo vẫn là giảm theo giá thế giới, nhưng SJC có những lúc vẫn tự "bày" cho mình một chợ. Trong ngày 16/7, trong khi SJC mất tới 800 nghìn đồng mỗi lượng, thì giá vàng quốc tế chỉ giảm khoảng 10 USD, tức tương đương 200 nghìn đồng/lượng.

Bước sang ngày 17/7, trong khi giá vàng thế giới ít biến động và ổn định ở mức thấp, thì giá vàng trong nước lại quay đầu tăng giá. Sang ngày 18/7, giá vàng thế giới mất tiếp 10 USD, giá vàng trong nước giảm vài trăm nghìn…

Cùng với những biểu hiện bất thường này của SJC, lượng khách giao dịch tại các cửa hàng cũng tăng vọt. Song, đáng chú ý là khi giá vàng giảm, lượng người mua vào rất ít, trong khi lượng người bán ra ồ ạt, thì khi vàng tăng giá, khách hàng lại chủ yếu là mua vào, còn lượng bán ra khá khiêm tốn.

Lý giải cho "hiện tượng lạ": mua khi giá lên, bán khi giá xuống của người dân, theo các chuyên gia, khi lượng người bán ra nhiều, các "nhà vàng" đã chủ động kéo giá xuống để mua được giá rẻ, và khi khách quay lại mua vào, thì biểu giá sẽ được "dâng" lên, để có thể bán đắt. Như vậy, có thể nói, ngoài việc phụ thuộc vào giá thế giới, giá vàng SJC đang được điều chỉnh theo "trào lưu" mua bán của chính khách hàng. Và chính trào lưu mua bán theo đám đông lại khiến khách hàng chịu nhiều rủi ro hơn…

Còn trên thị trường thế giới, giá vàng vẫn đang tiếp tục mò đáy do sức ép từ đồng USD mạnh lên. Theo quy luật, khi kinh tế khủng hoảng, các nhà đầu tư sẽ tìm đến vàng như một nơi trú ẩn, đẩy giá lên cao. Tuy nhiên, khi Hy Lạp vỡ nợ, thì khu vực eurozone sẽ đỡ gánh nặng, khiến cho kim loại quý lại bớt hấp dẫn. Trong khi đó, đồng euro vì khủng hoảng Hy Lạp mà mất giá, khiến cho đồng USD lại chiếm được lợi thế. Hiện đồng bạc xanh đã tăng lên mức cao nhất trong 5 tuần so với một rổ gồm 10 đồng tiền chủ chốt. Bên cạnh đó, giá vàng chịu áp lực lớn sau dự kiến tăng lãi suất của chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ- Janet Yellen.

Lãi suất cao sẽ làm giảm các chi phí cơ hội nắm giữ vàng và lôi kéo các nhà đầu tư quay sang thị trường chứng khoán. Ngoài ra, lãi suất cao cũng có thể đẩy giá trị đồng USD đi lên, tạo gánh nặng lên giá kim loại quý. Đấy là chưa kể, giá vàng còn chịu áp lực từ thị trường chứng khoán Trung Quốc, cũng như vấn đề hạt nhân ở Iran…

Thủng túi, 'bạc' mặt vì vàng ảnh 1

Nhà đầu tư cần thận trọng khi mua vàng.

Ôm vàng chịu lỗ, cầm đô được lời

Trở lại với thị trường vàng trong nước, trong danh mục các kênh đầu tư truyền thống, vàng được coi như một mặt hàng giá trị được lựa chọn hàng đầu vì giá trị được chia nhỏ, phù hợp với cả người nhiều tiền cũng như người ít tiền. Ngoài ra, nó được ưa chuộng vì tính thanh khoản cực cao: tay trái mua, tay phải có thể bán ngay kiếm lời hoặc cắt lỗ mà không hề lo bị "ngâm" vốn. Vì thế, ngoài truyền thống coi vàng là phương tiện "giữ của", nhiều người chọn vàng làm kênh "kiếm ăn". Tuy nhiên, điểm lại các kênh đầu tư, cho thấy việc sinh lời của các đồng tiền vào những giỏ này cũng nhiều "hên xui", trong đó hai kênh đầu tư cho kết quả rõ rệt nhất là vàng và USD, với hiệu quả trái ngược: ôm vàng chịu lỗ, trong khi cầm "đô" được lời.

Với hai lần nới biên độ lên thêm 2% từ đầu năm đến nay, và cứ "đến hẹn lại lên", năm nào cũng điều chỉnh tăng, đồng USD đã lên giá rất mạnh so với đồng tiền Việt Nam. Vì thế, những người cầm "đô" đang thắng lớn, trong khi những người trót "ôm vàng" thì "héo hắt". Khi xuống dưới 33 triệu đồng/lượng, giá vàng đã móc túi nhà đầu tư một khoản tiền không hề nhỏ. Nếu nhà đầu tư nào ôm vàng từ đầu năm đến nay, mỗi lượng đã "bay hơi" hơn 2 triệu đồng. Đấy là chưa kể trong thời gian đó, nếu nhà đầu tư "ngâm" tiền trong giỏ vàng, cứ với kiểu mua đắt bán rẻ, thiệt hại còn lớn hơn nhiều so với mức sụt giảm của kim loại quý này. Còn nếu nhìn dài hơi hơn một chút, với những người không phải đầu tư, mà chỉ giữ vàng theo thói quen tích trữ ngàn đời, thì mức thiệt hại sẽ là vô cùng lớn.

Kể từ khi chạm mức cao trên 49 triệu đồng/lượng hồi tháng 11-2011, thì thị trường đã liên tục điều chỉnh giảm và đi xuống dưới mốc 33 triệu đồng/lượng, tương đương giá vàng đánh mất tới 16 triệu đồng/lượng. Cộng hưởng với sự mất giá của tiền đồng tính theo tỷ giá USD, sau 5 năm, gộp cả hai cái vào, mỗi lượng vàng "bỏ ống" của người dân sẽ bị trượt giá lên đến vài chục triệu- mất gần 50% giá trị- một con số tính toán ra mới thấy khủng khiếp.

Hiện nay, với số vàng còn "nằm chết" trong dân được ước tính vào khoảng 500 tấn- tương đương với hàng triệu lượng vàng, số tiền mất mát được tính tới nhiều chục tỷ USD. Điều này cho thấy một bất cập thật sự khi mà chủ trương huy động vàng trong dân thành vốn phục vụ cho nền kinh tế mãi vẫn là chủ trương, dù vài năm gần đây, năm nào nó cũng đã lên bàn nghị sự Quốc hội, cũng như được gạch đầu dòng trong Nghị quyết của Chính phủ. Thế nhưng tất cả mới chỉ trên giấy tờ, còn thực tế, động thái gần nhất, đó là các phiên đấu thầu bán vàng cho dân thưa dần và cuối cùng là đã dừng hẳn - điều này đồng nghĩa với việc Nhà nước không tiếp tục nhét vàng vào túi người dân nữa, nên nguy cơ túi vàng này "phình to" đã tạm xong, còn việc thu hẹp nó vẫn còn rất mờ mịt. Sự chậm trễ này, khiến người dân thiệt đơn thiệt kép; còn nền kinh tế tiếp tục thiếu vốn để phát triển.

Đừng vội "bắt con dao rơi"

Trở lại với hướng đi của vàng, liệu giá kim loại quý trong thời gian tới sẽ lên hay xuống được rất nhiều người quan tâm. Các nhà đầu tư quốc tế đã trở nên bi quan khi chứng kiến sự sụt giảm liên tục của kim loại quý. Hầu hết các ý kiến đều thống nhất cho rằng từ nay đến cuối năm giá vàng sẽ giảm tiếp, từ mức 1.133 USD/oz hiện nay về mức 1.110 USD/oz. Thậm chí, có ý kiến còn cho rằng giá vàng có thể về mức 800 USD/oz. Trao đổi với hãng tin CNBC, nhà phân tích kỹ thuật Todd Gordon nói rằng, đây có thể mới chỉ là "sự mở đầu của một đợt sụt giá lớn" của vàng.

"Tôi cho rằng cần phải chuẩn bị cho 'nạn nhân' lớn nhất của việc Fed tăng lãi suất, và đó là vàng". Phân tích biểu đồ của ông Gordon cho thấy giá vàng đã phá vỡ một xu hướng then chốt duy trì suốt từ năm 2001. "Nếu nhìn vào xu hướng tăng dài hạn của giá vàng từ mức đáy vào năm 2000, có thể thấy xu hướng này đã bị phá vỡ và giá vàng đang bắt đầu hạ dần về dưới ngưỡng trung bình của 200 tuần là mức 805 USD/oz", ông Gordon nói.

Với những nhà đầu tư Việt Nam, diễn biến khó lường khiến cho quyết định mua bán trở nên khó khăn hơn bao giờ hết. Không chỉ chịu ảnh hưởng từ giá thế giới, giá vàng trong nước còn chịu ảnh hưởng từ tâm lý, trào lưu, và "nghệ thuật" làm giá của các doanh nghiệp lớn. Đấy là chưa kể luôn đứng cao hơn giá thế giới, giá vàng SJC hiện vẫn chênh tới hơn 3 triệu đồng/lượng khiến cho rủi ro khi đầu tư vào tăng gấp đôi.

Tất nhiên nhiều người cũng cho rằng nước nổi bèo nổi nên không quá ngại, và may rủi vẫn là yếu tố rất quan trọng trong kinh doanh, nhưng rõ ràng, trong tình trạng "nước sôi lửa bỏng" như thế này, việc đầu tư vào vàng là khá mạo hiểm, đòi hỏi một cái đầu lạnh, biết tính toán, phân tích trên cơ sở nắm được thông tin cả trong và ngoài nước, cũng như phải có gan làm giàu.

Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu, vì giá vàng đang tiếp tục xu hướng giảm, nên người mua không nên "bắt con dao rơi". "Khi giá vàng bắt đầu giảm, nhiều người cho rằng đây là cơ hội nên đã mua vào với một lượng tương đối lớn. Đến thời điểm này thì lại hoang mang vì không biết nên bán hay nên giữ. Vì vậy, tôi cho rằng nên hết sức cẩn thận khi đầu tư trong giai đoạn này. Cũng có nhà đầu tư hỏi tôi có nên bán để cắt lỗ ở thời điểm này không?

Tôi cho rằng, mọi nhà đầu tư đều phải đưa ra cho mình một hạn mức để cắt lỗ hay chốt lời và phải tuân thủ kỷ luật đầu tư mà mình đã đặt ra. Còn với những người sử dụng thu nhập phục vụ nhu cầu sinh hoạt để đầu tư thì nên bán ra để đảm bảo không bị lỗ thêm. Những người sử dụng tiền nhàn rỗi có thể kiên nhẫn đợi thời điểm giá vàng phục hồi, bởi mặc dù xu hướng chung theo tôi là giá vàng tiếp tục giảm nhưng cũng sẽ có thời điểm bật tăng", ông Hiếu khuyến cáo.

Theo Theo Cảnh Sát Toàn Cầu
MỚI - NÓNG