Thuốc cho bệnh viện, vì sao giá cao?

Thuốc cho bệnh viện, vì sao giá cao?
Các công ty dược phải sử dụng mọi thủ thuật lo lót để sản phẩm của mình được lọt vào các bệnh viện công ở TP.HCM. Chính vì vậy giá thuốc ở các bệnh viện (BV) này luôn cao hơn giá thị trường 20-30%

Thời gian qua, nhiều BV cũng đã tổ chức đấu thầu mua thuốc - gọi là công khai - nhưng muốn ai trúng thầu thì BV có... 1.001 mánh.

Phó giám đốc một công ty cho biết quan hệ giữa BV và công ty dược là quan hệ bất bình đẳng, BV gần như nắm quyền sinh sát trong tay, nếu có đấu thầu thì vẫn chỉ là hình thức. Ngay khi mời thầu, công ty nào muốn tham dự phải mua bộ hồ sơ 500.000 đồng, có trường hợp buộc phải mua hai bộ, bản photo không nhận. Công ty phải nộp hàng mẫu - có khi cả chục triệu đồng - cho BV nhưng BV lờ luôn.

Gói thầu vài chục mặt hàng, để công ty X trúng thầu, BV chỉ cần ghi một hai loại mà X đang độc quyền, đương nhiên không đơn vị nào chen vào được. Trong hợp đồng BV không ghi rõ số lượng, thời gian nhận nên doanh nghiệp phải luôn dự trữ thuốc để kịp cung ứng. Người bệnh ai cũng phải đóng đủ tiền, nhưng BV luôn trả chậm tiền thuốc, có BV nợ tới sáu tháng, công ty gửi thư đòi, giám đốc BV nổi nóng đòi “không mua nữa” thì lập tức công ty phải xin lỗi và cho... nợ tiếp.

Đau nhất là thuốc sản xuất trong nước, có công ty trúng thầu ở BV 1.000 giường nhưng chỉ với số tiền tới 100 triệu đồng/năm vì lý do... BS không chịu ghi toa. Một đơn vị trúng thầu dịch truyền, BV không muốn mua nên tìm đủ cách để ép: chỉ nhận hàng sau 16 giờ nhưng mới 16g30 kho đã đóng cửa, hoặc chê vỏ chai nhựa cứng...

Đó là chưa kể công ty trúng thầu mà “phần trăm dưới bàn” thấp cũng phải chào thua. Mặt hàng A đang chi 5%, đơn vị khác muốn đưa vô thì phải nâng lên 8%, 10%... Cạnh tranh càng nhiều, thời gian càng dài thì phần trăm càng tăng. Có đơn vị “chơi đẹp”: lọ thuốc bổ 200.000 đồng nhưng hoa hồng cho BS 90.000 đồng. Hội đồng thuốc BV, rồi khoa dược và tài vụ là “thế chân vạc”, không “lại quả” là gặp đủ thứ khó.

Chính vì vậy mới có tình trạng nếu thực giá của hộp thuốc  80.000 đồng nhưng muốn vô BV phải ghi 120.000 đồng. Một số công ty châu Âu  thì không chi thẳng tiền mặt mà chi “lịch lãm” bằng cách mời đích danh BS đi nước ngoài, tháng nào cũng vài chục người, kèm cả lãnh đạo. 

Thời gian qua, việc cung ứng thuốc cho BV chưa được kiểm soát, nơi thì chỉ định thầu, nơi tự đấu thầu... Theo một kết quả giám sát của Quốc hội (6-2005), “giá thuốc giữa các BV không thống nhất và thường cao hơn bên ngoài 20-30%, có loại cao gấp nhiều lần”. Đây là một vấn nạn ở nhiều BV mà mức độ trầm trọng hay không tùy thuộc lãnh đạo từng đơn vị.

Giải quyết cách nào?

Theo thống kê, nhu cầu thuốc sáu tháng đầu năm 2006 của 54 BV, TTYT trực thuộc Sở Y tế TP.HCM với tổng kinh phí  652,228 tỉ đồng. Thử phân tích sẽ thấy rất nhiều vấn đề đặt ra cho công tác quản lý.

TP.HCM có hai BV nhi, nhưng NĐ 1 sử dụng 343 biệt dược (BD), còn NĐ 2 sử dụng 487 BD. Tương tự là hai BV phụ sản, nhưng Hùng Vương sử dụng 243 BD, Từ Dũ  389 BD. Cùng là BV đa khoa, nhưng An Bình sử dụng 573 BD, Nguyễn Trãi 458 BD, Nhân dân Gia Định 699 BD, Nguyễn Tri Phương 651 BD...

Với TTYT quận thì TTYT Q.1 sử dụng 443 BD, Q.3: 318 BD, Q.4: 240 BD, Q.5: 886 BD... Giữa những đơn vị cùng chuyên khoa, số giường tương đương nhau... nhưng tổng kinh phí sử dụng thuốc cũng chênh lệch khá xa. Mỗi BV mua thuốc của 50-70 công ty phân phối, có TTYT sử dụng 3 tỉ đồng mua của hai công ty, còn TTYT quận bên cạnh sử dụng 9 tỉ đồng và mua của 85 công ty cung ứng...

Ngày 10-3-2006 Sở Y tế TP.HCM đã có văn bản hướng dẫn: BV chuyên khoa, trung tâm không giường bệnh đấu thầu thuốc riêng lẻ theo nhu cầu thực tế của BV; BV đa khoa: đấu thầu theo nhóm hoặc đấu thầu riêng lẻ từng BV. BV quyết định chọn hình thức nào phải có văn bản báo cáo Sở Y tế.

Đối với trung tâm y tế (TTYT) quận huyện chọn một  trong hai hình thức sau: nếu đủ năng lực thì tiến hành đấu thầu theo qui định; nếu không đấu thầu thì lấy kết quả đấu thầu của BV đa khoa chỉ đạo tuyến (với thuốc chuyên khoa đặc trị, nếu BV đa khoa chỉ đạo tuyến không sử dụng thì có thể lấy kết quả đấu thầu của BV chuyên khoa tương ứng). Như vậy, liệu có ảo tưởng chăng khi yêu cầu các TTYT “xài” giá của người khác - tức tự tước bỏ cái quyền “sinh sát” của mình?

Giám đốc một BV tư cho biết ở cơ sở sử dụng nguồn kinh phí từ ngân sách nhà nước, càng đấu thầu thì người có quyền quyết định thầu càng... no. Nhiều công ty dược cũng xác nhận: BV tư mua thuốc bằng chính đồng vốn của mình nên cân nhắc rất kỹ về chất lượng, giá cả và tuyệt đối không đòi hoa hồng, trình dược viên cũng không thể tiếp cận với BS của họ. Vì vậy giá thuốc vào BV tư tương đối là giá thực. Trên địa bàn TP.HCM, BV tư đã có đủ dạng từ đa khoa đến chuyên khoa sản, nhi, tim mạch, ung bướu,... Vậy để giải quyết vấn nạn hoa hồng thuốc trong các BV công, nên chăng Sở Y tế tham khảo áp giá của BV tư?

Có ý kiến đề xuất Sở Y tế nên đứng ra tổ chức như một “trung tâm điều hành”đấu thầu để các BV công căn cứ kết quả này ký hợp đồng cung ứng thuốc theo nhu cầu. Một cán bộ sở cho biết “sở là cơ quan quản lý nhà nước, không có chức năng đấu thầu”. Còn ở các BV lại có ý kiến cho rằng “chắc gì bàn tay ở sở sạch hơn?”.

Chế độ Sài Gòn cũ có Nha tiếp vận là một mô hình cần tham khảo. Nên chăng lập một “nha tiếp vận” hay một tên gọi nào đó - là đơn vị nhà nước có trách nhiệm chuyên cung ứng đủ số lượng, chủng loại thuốc cho các BV với giá cả, chất lượng thật sự vì người bệnh.  Như vậy, BV chỉ tập trung vào chuyên môn cứu chữa người bệnh, không phải bận tâm mất thời gian công sức lo đấu thầu, chấm dứt cả chuyện phần trăm hoa hồng cho BS ghi toa.

Tuổi trẻ

MỚI - NÓNG